Địa phương áp dụng không thống nhất quy định của Trung ương, đàn cá khổng lồ ở miền Tây "mắc cạn"

Chủ nhật, ngày 26/09/2021 14:39 PM (GMT+7)
Trong thời gian qua, nhiều địa phương áp dụng không thống nhất các quy định của Trung ương đã gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các doanh nghiệp. Đây cũng là thực tế mà các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang phải đối mặt.

Tại Hội nghị trực tuyến "Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội" do Bộ NNPTNT tổ chức chiều 25/9, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nêu thực trạng nhiều quy định của Trung ương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng xuống địa phương áp dụng không thống nhất, đôi khi gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là thực tế mà các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang phải đối mặt.

Theo ông Quốc, thực tế hiện nay cho thấy các doanh nghiệp trong ngành hàng cá tra áp dụng "3 tại chỗ" đang quá sức do chi phí để thực hiện lớn.

Ngoài các chi phí như: ăn ở, xét nghiệm (thường xuyên test nhanh và RT-PCR) thì doanh nghiệp còn phải đóng rất nhiều khoản như: BHXH, kinh phí công đoàn, tiền điện, lãi suất ngân hàng...

"3 tại chỗ chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, nếu kéo dài tình trạng này thì không có một doanh nghiệp nào chịu nổi", ông Quốc nói.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề nghị Bộ NNPTNT và Bộ Y tế có chính sách ưu tiên cho các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt lao động làm trong ngành nghề cá tra.

Quy định của Trung ương rất "được", nhưng khi địa phương áp dụng không thống nhất, cản trở doanh nghiệp - Ảnh 1.

Do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh là nhà máy chế biến cá tra của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Ảnh: Vũ Sinh

Ông Quốc cho biết, từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Đặc biệt là giai đoạn này, chính bởi vậy Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách giảm lãi suất, gia hạn nợ đối với các doanh nghiệp.

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Thông tư 01, 03, 14 để giảm lãi suất hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Nhưng qua nắm bắt thực tế, có ngân hàng giảm lãi suất 0,5%, có nơi 1%. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp đến giờ chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ này.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất lên mức 2%. Bên cạnh đó, gia hạn nợ để các doanh nghiệp xoay sở vượt qua đại dịch này. "Như vậy mới có thể giúp được doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay".

Đối với tiền điện, ông Quốc cho hay, mới đây Tổng Công ty Điện lực miền Nam thực hiện kỳ giảm lần thứ 5 để giúp các doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua ý kiến của các hội viên, mới giảm 10%. Như vậy, còn quá khó khăn, Hiệp hội đề xuất có thể nâng mức giảm lên 20 - 30%. Cùng với đó mở rộng đối tượng được thụ hưởng ra các hộ nuôi, hợp tác xã.

Quy định của Trung ương rất "được", nhưng khi địa phương áp dụng không thống nhất, cản trở doanh nghiệp - Ảnh 2.

Biểu đồ so sánh sản lượng cá tra của năm 2021 với năm 2020.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho hay, giãn cách xã hội và các quy định nghiêm ngặt hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy, do không có công đoàn thu hoạch vì lao động không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ.

Doanh nghiệp muốn đưa con cá về nhà máy chế biến thì phải đi qua nhiều bước, như thu hoạch thì cần phải có lực lượng lao động có tay nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại các tỉnh ĐBSCL, mỗi tỉnh lại có cách chống dịch khác nhau và bên trong tỉnh, mỗi huyện cũng có sự khác nhau dẫn đến việc tiêu thụ, thu mua rất khó khăn.

"Lực lượng công đoàn - họ còn phải thực hiện test nhanh, thu hoạch xong muốn về thì phải cách ly 14 ngày,... làm chậm tiến độ và ách tắc sản xuất của doanh nghiệp", bà Khanh nêu khó khăn.

Bà Khanh cho rằng, bất công nhất là những người làm giống và thu hoạch cá giống không được tiêm vaccine khiến doanh nghiệp rất thiếu lực lượng công nhân thu hoạch cá giống. 

Vì thế, Công ty đề nghị tiêm vaccine cho lực lượng lao động, cấp “thẻ xanh” cho lao động thu hoạch cá liên tỉnh, đơn giản hóa thủ tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.

"Công nhân thu hoạch cá giống được phép đi về trong ngày và không phải cách ly, test 3 ngày/lần. Đối với địa bàn thực hiện Chỉ thị 15 và 15+ thì được test nhanh âm tính trước khi về nhà và chỉ test một lần không cần phải test nhiều lần”, bà Khanh đề xuất.

Tại Đồng Tháp – tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất khu vực ĐBSCL, hiện còn khoảng 104.000 tấn cá đến kỳ thu hoạch, trong đó sản lượng cá quá size (cỡ cá >1,1kg/con) khoảng 63.789 tấn. 

Một số cơ sở sản xuất giống, ương dưỡng cá tra trên địa bàn tỉnh tạm ngưng hoạt động trên 2 tháng, có khả năng dẫn đến thiếu con giống cá tra cục bộ, một khi thả giống đồng loạt sau thời gian giãn cách xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, nay là “4 tại chỗ”, trong đó, các doanh nghiệp ngành hàng chế biến thủy sản (cá tra) được ưu tiên vaccine, đạt tỷ lệ cao.

Hiện nay, tỉnh cũng quyết liệt thực hiện các phương án hỗ trợ, khôi phục hoạt động, sản xuất kinh doanh bám sát với bối cảnh kiểm soát dịch bệnh trên nguyên tắc mở dần từng bước lộ trình bình thường mới đối với các vùng và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh, đồng thời đề nghị ngành y tế có hướng dẫn xử lý khi có tình huống, thống nhất quy định, quy trình, cách làm hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp; cũng như có cơ chế thực hiện liên tỉnh.

Quy định của Trung ương rất "được", nhưng khi địa phương áp dụng không thống nhất, cản trở doanh nghiệp - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại Hội nghị trực tuyến "Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội" ngày 25/9. Ảnh: Văn Khương

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới, các doanh nghiệp cần thích nghi và sống chung với dịch bệnh. 

Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Bộ NNPTNT các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh, ưu tiên phân bổ nguồn vaccine cho lực lượng làm việc trong các chuỗi ngành hàng, trong đó có chuỗi sản xuất và tiêu thụ cá tra.

Một mặt, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp Bộ Công thương, Bộ Y tế, lãnh đạo của 7 tỉnh có nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội. Mặt khác từng doanh nghiệp phải hoạch định chiến lược khôi phục, phát triển ổn định cho doanh nghiệp mình.

Ông cho biết thêm, đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 là dịp để thử thách lãnh đạo 13 ĐBSCL thay đổi tư duy liên kết vùng, xây dựng một thực thể chung của 13 tỉnh, qua đó nhằm mục tiêu phát triển chung cho ĐBSCL.

Theo Tổng Cục Thủy sản, ngành hàng cá tra có dấu hiệu hồi phục trong 06 tháng đầu năm 2021 nhưng từ tháng 7 đến nay, ngành hàng này đã đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Diện tích thả nuôi cá tra mới tính đến ngày 15/9 đạt 3.516 ha (bằng 74,3 % so với cùng kỳ 2020). Diện tích thả nuôi cá tra trong 02 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) đã giảm khoảng 50 - 55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932 nghìn tấn (bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2020). Đặc biệt, tháng đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.

Bình Minh
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem