Liên tục bị hoãn, hủy đơn hàng, DN dệt may “cầu cứu”

01/04/2020 17:10 GMT+7
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ra cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế khi lần đầu tiên trong lịch sử, cầu thế giới đột ngột dừng lại. Theo đó, nhiều doanh nghiệp (DN) may trong nước đã bị hoãn, hủy đơn hàng gây thiệt hại lớn

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong hơn một tuần nay, toàn ngành dệt may Việt Nam cũng như các nước trên thế giới như Ấn Độ, Bangladesh,… sẽ bị dừng, hoãn, hủy đơn hàng làm cho người lao động không có việc làm.

Theo thống kê của Vinatex, ngay trong tháng 4 sẽ có trên 30% lao động của ngành sẽ thiếu việc làm. Tháng 5, 6 tới đây, việc cam kết nhận hàng, tổ chức sản xuất của các khách hàng đều chưa rõ ràng nên có thể số người lao động gặp khó khăn trong tháng 5 sẽ là trên 50%.

"Vừa qua, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh như dừng đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, công đoàn phí và cho vay để trả lương tối thiểu cho người lao động bị nghỉ việc.

Dịch Covid – 19: Liên tục bị hoãn, hủy đơn hàng, DN dệt may “cầu cứu” - Ảnh 1.

Trong một tuần qua, các DN dệt may liên tục bị hoãn, hủy đơn hàng.

Tuy nhiên, thực tế thì việc tiếp tục thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, công đoàn phí vẫn diễn ra ở các địa phương. Các vấn đề về lao động và tiền lương đang rất nóng từng tuần, từng ngày đối với các doanh nghiệp dệt may vì vậy, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần được nhanh chóng đưa vào thực hiện để gỡ khó cho doanh nghiệp", ông Trường thông tin.

Theo đó, nhằm tháo gỡ khó khăn thời điểm hiện tại, lãnh đạo Vinatex đề xuất, ngành điện cần xem xét giảm giá cho các doanh nghiệp và cho hoãn các kỳ trả nợ tiền điện dài ra.

"Thông thường, ngành điện đang thu tiền điện 3 kỳ 1 tháng thì trong điều kiện khó khăn nên hoãn 3 tháng thu một lần. Đây cũng chính là sự hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp có thể tồn tại được và sau này tiếp tục là khách hàng của ngành điện Việt Nam", ông Trường kiến nghị.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ hôm nay (1/4), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ báo cáo đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giảm giá điện trong đợt dịch Covid – 19.

Theo đó, mức giảm dự kiến được Bộ Công Thương đề xuất vào khoảng 10% và áp dụng trong vòng 3 tháng căn cứ trên những tính toán về thông số sản xuất đầu vào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng số tiền hỗ trợ các cơ sở lưu trú, du lịch từ tháng 4/2020 ước tính ở mức 1.840 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN sẽ giảm 20% giá bán điện cho các cơ sở có hoạt động xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid - 19 và giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng làm cơ sở cách ly.

Về điện sinh hoạt của người dân, việc giảm giá sẽ được thực hiện cho các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4. Đối với những bậc thang trên 300kWh, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên vì những hộ sử dụng bậc này đa phần là người có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 hơn.

Được biết, tổng số tiền ước ít hỗ trợ cho các khách hàng sinh hoạt trong các bậc này là 2.930 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ các khách hàng sử dụng điện theo phương án Bộ Công Thương đề xuất lên tới 10.974 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm, trước đó, Bộ KH&ĐT cũng có ý kiến bỏ quy định về khung giờ cao điểm bán điện (từ 9h30 đến 11h30), thu hẹp thang biểu giá điện, và giảm 50% giá điện từ tháng 3 đến tháng 10/2020. Theo phương án này, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 19.975 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 31/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có công văn đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ miễn toàn bộ giá điện cho các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm Covid - 19 và giảm 50% giá điện cho các cơ sở có hoạt động xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục