Dịch Covid-19 tái bùng phát, ngành thực phẩm ăn uống Trung Quốc tiếp tục "gánh hạn"

24/06/2020 18:02 GMT+7
Sau nhiều tháng tạm ngừng hoạt động, chuỗi nhà hàng Oyoyster tại Thâm Quyến đã kỳ vọng doanh thu khởi sắc trong Ngày Của Cha hôm 21/6 vừa qua. Nhưng trái với kỳ vọng, những gì họ chứng kiến là doanh thu thậm chí không bằng một ngày cuối tuần thông thường.
Dịch Covid-19 tái bùng phát, ngành thực phẩm ăn uống Trung Quốc tiếp tục "gánh hạn" - Ảnh 1.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu sau khi mẫu virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trên một thớt chế biến cá hồi Na Uy ở chợ Xinfadi

Doanh số bán thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là hải sản đã giảm mạnh tới 50% trong tuần qua sau khi một ổ dịch Covid-19 mới bùng phát tại chợ buôn Xinfadi (Bắc Kinh) gây hoang mang dư luận. Ổ dịch đã buộc chính phủ Bắc Kinh đóng cửa lập tức các trường học trong thành phố và phong tỏa nhiều cụm dân cư. Thông tin phát hiện mẫu virus SARS-CoV-2 trên một thớt chế biến cá hồi nhập khẩu Na Uy sau đó đã làm dấy lên mối nghi ngờ về sự an toàn của thực phẩm tươi sống nhập khẩu từ nước ngoài.

Athena Lin, giám đốc tiếp thị của Oyoyster cho hay nỗi qua ngại đã “tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của nhà hàng”. Chuỗi 5 nhà hàng ở Thâm Quyến hiện đang vật lộn với tâm lý tiêu dùng sụt giảm của người dân và cả nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Các nhà cung cấp đã ngừng nhập khẩu các lô hàng khi nhu cầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng loạt cửa hàng. Và khi doanh thu giảm mạnh do người tiêu dùng lo sợ, chúng tôi phải tạm dừng nhiều hoạt động tiếp thị quảng cáo đã lên lịch sẵn”.

Những khó khăn của Oyoyster là tiêu biểu cho hàng loạt rủi ro mà ngành thực phẩm ăn uống Trung Quốc đang phải đối mặt trong làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai. Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt từ nhà máy đóng gói thịt Toennies ở Đức và một nhà máy chế biến thịt thuộc tập đoàn Tyson Foods ở Mỹ khi hàng loạt công nhân nhà máy xét nghiệm dương tính với Covid-19. Hôm 23/6, Cục này cũng cho biết nhà xuất khẩu thịt bò Brazil Agra Agroindustrial De Alimentos S.A và nhà máy thịt lợn Tulip của Anh đã tự nguyện dừng xuất khẩu thịt sang Trung Quốc vì phát hiện công nhân nhiễm Covid-19.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ nông sản nhập khẩu lớn bậc nhất thế giới với 1,4 tỷ dân. Nhu cầu thịt tại Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát quét sạch 60% đàn lợn nước này. Bắc Kinh sau đó đã thúc đẩy nhập khẩu thịt để lấp đầy lỗ hổng ở nguồn cung trong nước. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 1,77 triệu tấn thịt lợn và 690.000 tấn thịt bò trong khoảng thời gian 4 tháng đầu năm 2020, tức tăng lần lượt 170,4% và 52,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Liên minh Châu Âu, gần 50% khối lượng thịt lợn xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019 được bán sang Trung Quốc. Bắc Kinh cũng hứa hẹn sẽ tăng cường nhập khẩu 36,5 tỷ USD nông sản Mỹ trong hai năm như một phần của thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 trị giá 200 tỷ USD.

Nhưng việc các nhà máy chế biến thực phẩm trên thế giới nổi lên như điểm nóng ổ dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu vốn đã lao đao nay càng điêu đứng hơn. Thêm vào đó, thủ tục kiểm tra hải quan mới bao gồm xét nghiệm hầu hết các container thịt đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ làm chậm đáng kể thời gian thông quan, qua đó siết chặt thêm nguồn cung thực phẩm vào thị trường tỷ dân.

Ông Zhang, một nhà quản lý trong lĩnh vực dịch vụ Hải quan Thịt đông lạnh Nhập khẩu Thượng Hải cho hay nhiều khách hàng đã hủy đơn hàng nhập khẩu do hàng loạt mối quan ngại về thủ tục nhập khẩu phức tạp mới đây. Vị doanh nhân cho hay ông dự đoán các đơn đặt hàng thịt và thực phẩm đông lạnh nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2020, qua đó góp phần làm tăng giá thịt tại Trung Quốc.

Song Yueqian, phó giám đốc bộ phận kiểm dịch y tế Tổng cục Hải quan cho hay các ổ dịch Covid-19 mới đây tại Bắc Kinh đã khiến người dân chú ý hơn đến sự an toàn của thực phẩm tươi sống nhập khẩu. Từ đó đến nay, cơ quan này đã gửi thư tới 42 quốc gia khác nhau yêu cầu các cơ quan chức năng tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn an toàn thực phẩm do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp ban hành.

Trung Quốc cũng tiến hành thử nghiệm tới 15.638 mẫu thực phẩm nhập khẩu tính đến ngày 18/6. Dù tất cả cho kết quả âm tính với Covid-19, nhiều thành phố trên toàn quốc đã đình chỉ việc mua bán thịt và hải sản đông lạnh nhập khẩu suốt 2 tuần qua khi người tiêu dùng quay lưng, “tẩy chay” các sản phẩm này.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục