Dịch Covid-19 bùng phát ngay trong quý đầu tiên của năm 2020, khiến các doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản đều bị sụt giảm 30-50% đơn hàng. Doanh thu, lợi nhuận vì thế cũng sụt giảm mạnh ở hầu hết các DN, kể cả những “ông lớn” như Vĩnh Hoàn…
Kế hoạch phục hồi trong nửa cuối năm được nhiều DN thủy sản đề ra tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020, tưởng chừng trong tầm với, khi các thị trường tiêu thụ dỡ bỏ lệnh phong tỏa, mặc dù giá bán vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, dịch Covid-19 lần nữa tái phát, khiến hy vọng về tốc độ phục hồi của các DN càng trở nên xa vời.
Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, dòng tiền… cạn
Nhìn vào báo cáo tài chính bán niên của 16 DN ngành thủy sản đang niêm yết; có thể thấy được những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nhóm ngành này lớn dường nào. Theo đó, có tới 11/16 DN có doanh thu sụt giảm và có tới 15/16 DN có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, thậm chí là lợi nhuận âm.
Chẳng hạn, tại Công ty CP Ðầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI), lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 2.934,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,2% và 82,1% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tương tự, Công ty CP Nam Việt (ANV) trong 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt doanh thu 1.695,3 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 75,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 14,2% và 78,6% so với cùng kỳ năm 2019.
"Ông lớn" Vĩnh Hoàn (Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - VHC), trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận doanh thu 3.266,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 367,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 49,5% so với cùng kỳ năm trước. So với 2 kịch bản "ứng phó" dịch Covid-19 mà VHC đề ra trước đây gồm: Kịch bản lợi nhuận cao là 1.063 tỷ đồng, VHC mới hoàn thành 34,6%; còn so với kịch bản lợi nhuận thấp là 800 tỷ đồng, DN này mới hoàn thành 46%.
Tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC), trong 6 tháng đầu năm 2020, FMC đạt doanh thu 1.585,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 92,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,7% và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2019.
"Vua tôm" Minh Phú (Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - MPC), cũng có kết quả kinh doanh kém sắc trong bán niên. Theo đó, 6 tháng đầu năm, MPC ghi nhận doanh thu 5.580,1 tỷ đồng, giảm 25,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận gọi là 578,9 tỷ đồng, giảm 27,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính tăng thêm 56,6 tỷ đồng và chi phí bán hàng giảm 177,4 tỷ đồng, chi khác giảm mạnh so với cùng kỳ… khiến lợi nhuận sau thuế của MPC đạt được là 231,4 tỷ đồng, tăng 49,7% so với cùng kỳ.
Một loạt DN thủy sản đang niêm yết khác (trên HoSE, HNX, UpCOM) cũng có kết quả ảm đạm trong bán niên 2020 vì dịch Covid-19. Chẳng hạn: Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) sau nửa năm kinh doanh chỉ ghi nhận lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng, giảm 95% so với con số gần 113 tỷ đồng cùng kỳ; Thủy sản Mekong (AAM) 6 tháng cũng chỉ lãi vỏn vẹn 71 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 7 tỷ đồng cùng kỳ; Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) cũng chỉ lãi vỏn vẹn 10 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 27 tỷ đồng cùng kỳ…
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là Công ty CP Thủy sản số 4 (TS4), vì kinh doanh dưới giá vốn khiến nên cả 2 quý đầu năm, TS4 gánh khoản lỗ lũy kế lên tới 23,3 tỷ đồng. Chung cảnh ngộ, Công ty CP Việt An (AVF) cũng tiếp tục báo lỗ 58 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020, trong khi mục tiêu kinh doanh năm nay của DN là hòa vốn.
Bất ngờ hơn cả là Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), so với khoản lỗ tới 120 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nửa đầu năm nay, DN này bất ngờ có lãi dương dù chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng.
Khó khăn của "bóng ma" Covid-19 không chỉ phản ánh ở kết quả kinh doanh (doanh thu và lợi nhuận) các DN thủy sản trong bán niên 2020, mà còn phản ánh ở các chỉ tiêu tài chính khác. Theo quan sát, đa số các DN ngành này đều đang gặp khó khăn về dòng tiền kinh doanh.
Chẳng hạn, với Thực phẩm Sao Ta (FMC), trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của DN âm tới 380,2 tỷ đồng. Ðể bù đắp sự thâm hụt này, FMC đã phải huy động dòng tiền tài chính là 391,7 tỷ đồng, chủ yếu là tiền đi vay. Vì thế, tổng nợ vay của DN trong bán niên tăng kỷ lục 167,6%, lên mức 740,8 tỷ đồng.
Hiện tại, tỷ lệ nợ vay/tổng nguồn vốn của FMC đã tăng mạnh từ 18,2% lên tới 37,8% trong vòng 6 tháng đầu năm.
Công ty CP Nam Việt (ANV) cũng có dòng tiền kinh doanh giảm mạnh, chỉ ghi nhận dương 5,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là dương 251,4 tỷ đồng.
"Vua tôm" Minh Phú (MPC) cũng không thoát cảnh dòng tiền âm. Theo đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của MPC ghi nhận âm 809,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 376,1 tỷ đồng. Để bổ sung dòng tiền, MPC đã dùng dòng tiền tài chính dương 997,4 tỷ đồng để bổ sung, đây chủ yếu là đi vay ròng.
Tất cả những yếu tố trên khiến cổ phiếu nhóm ngành thủy sản hiện tại đều sụt giảm mạnh hoặc đang đứng giá hàng chục phiên liên tiếp.
Tìm hướng đi trong "bão" dịch
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần nữa tái phát, nhiều DN thủy sản đang chọn hướng đi riêng với kỳ vọng sẽ kìm hãm đà suy giảm lợi nhuận.
Tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI), đây là một trong số ít các DN cá tra đã xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến sản phẩm cuối cùng. Theo đó, IDI đang liên kết với nông dân để hình thành vùng nuôi cá tra nguyên liệu với diện tích hơn 300 ha.
Cùng với đó, từ tháng 7/2019, IDI đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến thủy sản số 03 với công suất 400 tấn nguyên liệu/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Đây sẽ là một trong những nhà máy chế biến thủy sản hiện đại và hiệu quả nhất Việt Nam khi đưa vào hoạt động.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, DN này ước tính, trong 2 năm tới, doanh số xuất khẩu của IDI sẽ tăng gần gấp đôi và lợi nhuận từ mảng này sẽ là điểm sáng hứa hẹn cho cổ đông của IDI.
Tương tự, Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng đã mở rộng vùng nuôi tôm với diện tích khoảng 81ha vào đầu năm 2020, giúp nâng tổng diện tích nuôi tôm của FMC lên 270 ha (tăng 30% so với năm 2019). Tháng 5/2020, FMC đã hoàn thành công tác thả giống tại vùng nuôi này, dự kiến đến khoảng tháng 10/2020 sẽ bắt đầu thu hoạch.
Ngoài ra, đầu năm 2020, kho lạnh 6.000 tấn của FMC đã đi vào hoạt động, kỳ vọng giúp công ty chủ động hơn trong công tác quản lý hàng tồn kho và tiết giảm chi phí lưu trữ.
"Ông lớn" Vĩnh Hoàn (VHC) thì lại có hướng đi khác biệt hơn. Theo đó, DN tập trung vào phát triển collagen và gelatin (C&G) - là các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao chế biến từ da cá, phục vụ cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm. Theo đó, VHC kỳ vọng cả doanh thu và lợi nhuận từ mảng này sẽ tăng 50% trong năm nay, so với mức đóng góp lần lượt 8% doanh thu và 20% lợi nhuận ròng vào năm 2019.
Ngoài ra, trong bán niên vừa qua, VHC cũng gây chú ý khi tìm cách kiếm lời trên thị trường chứng khoán bằng việc đầu tư 190 tỷ đồng vào cổ phiếu. Theo đó, trên BCTC quý 2 năm nay của VHC, DN này đầu tư số tiền 87,3 tỷ đồng vào cổ phiếu MWG của Thế giới Di động, 28,6 tỷ vào cổ phiếu FPT và 23,6 tỷ đồng vào cổ phiếu thép Hòa Phát.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.