Dịch giả Nguyễn Nghị: “Vấn đề là làm sao tránh được các thảm họa…”

Chủ nhật, ngày 05/04/2015 10:00 AM (GMT+7)
Nếu có thể ráp nối các công trình dịch thuật của Nguyễn Nghị thành một hệ thống, người ta có thể nhìn ra được lịch sử Việt Nam ở một hướng tiếp cận khác: Từ cách nhìn của nhà sử học nước ngoài, và của các nhà nghiên cứu người Việt xa xứ. Cái nhìn bao quát, khoa học, tôn trọng khách quan đó đã “gợi ý cho một cách nhìn lịch sử khác với thói quen ở ta từ khá lâu, cho một lịch sử của đời sống thật, cụ thể” - như nhà văn Nguyên Ngọc nhận định trong bài diễn văn về Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh mà Nguyễn Nghị là một trong 5 tác giả vừa được trao tặng.
Bình luận 0

Không phải ngẫu nhiên mà một giải thưởng đề cao về dịch thuật như Giải Phan Châu Trinh đã xướng tên Nguyễn Nghị. Các tác phẩm ông chọn dịch đều xuất sắc, thể hiện con mắt tinh tường: “Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 18 và 19” của Li Tana, “Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” của Max Weber, “Các nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo” của Hans Kung, “Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII” của Nguyễn Thanh Nhã, “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XX” của Lê Thành Khôi…

img
Dịch giả Nguyễn Nghị (bên phải ảnh) nhận giải thưởng Phan Châu Trinh.

Đặc biệt, “Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII” của Nguyễn Thanh Nhã vạch ra một cách sắc sảo tình hình dân tộc VN thế kỷ XVIII đã bỏ lỡ cơ hội vươn mình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp mà các dân tộc Tây Phương và Nhật Bản đã làm, như học giả Đào Duy Anh nhận định.

Người thường dịch sách sử đã “toát mồ hôi”, huống hồ đây là các cuốn sách về tôn giáo, dân tộc học, triết học, thần học, xã hội học, kinh tế học. Vậy mà một dịch giả như Nguyễn Nghị đã “đi đến nơi, về đến chốn” trong từng tác phẩm chuyển ngữ của mình. Một người có kiến văn thâm sâu chưa đủ, biết nhiều ngôn ngữ chưa đủ, phải có vốn hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực, mỗi ngày tích lũy từng kinh nghiệm một để cho ra những bộ sách tinh hoa khác biệt. Nguyễn Nghị là một người như thế, nhưng vẫn rất khiêm nhường.

Vì sao ông chọn dịch được những tác phẩm có giá trị như vậy?

- Thực ra, không phải tôi đã chủ động chọn các sách này, mà một cách nào đó, có thể nói, đã có một sự kết hợp nào đó giữa những cơ may, những cuộc gặp gỡ, quen biết… từng bước dẫn tôi tới chỗ chọn và nhận dịch các cuốn sách trên. Tôi được cái may mắn gặp Li Tana trong một buổi hội thảo về lịch sử Việt Nam, sau đó lại có dịp gặp tác giả tại nhà một người bạn cũng ở trong giới Sử học. Bà ngỏ ý muốn dịch luận án tiến sĩ về lịch sử kinh tế - xã hội thế kỷ 17 - 18 của xứ Đàng Trong sang tiếng Việt Nam. Người bạn chỉ ngay tôi và tôi thấy nội dung của cuốn sách hay hay, nên nhận lời dịch. Trong quá trình dịch, tôi có dịp trao đổi với bà và khám phá thấy nhiều điều thú vị và mới mẻ trong tác phẩm, từ đó thấy thích thú chủ đề này.

Sau này, khi gia đình và bạn bè của ông Nguyễn Thanh Nhã bên Pháp có ý định dịch luận án tiến sĩ của ông có tựa đề được dịch sang tiếng Việt là “Bức tranh Kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII”, để tưởng nhớ tác giả đã qua đời trước đó không lâu, tôi đã bị chọn để làm công việc dịch này. Làm sao thoái thác được vì tôi đã dịch một cuốn cũng có tựa đề tương tự.

Cũng sự tình cờ như vậy đã dẫn tôi tới việc dịch cuốn Lịch sử Việt Nam của GS. Lê Thành Khôi. Số là tôi đã mua được cuốn sách này từ hồi học sử tại Đại học Văn khoa Sài Gòn vào đầu thập niên 1970. Mãi sau này, tình cờ gặp được người đại diện phía Nam của Công ty sách Nhã Nam. Anh ngỏ ý muốn dịch một công trình về Lịch sử Việt Nam. Tôi giới thiệu cuốn này, được viết bằng tiếng Pháp. Và thế là tôi lại được hân hạnh giao “nhiệm vụ” dịch công trình này. Còn hai cuốn có liên quan đến tư tưởng hay thần học Kitô giáo, anh Chu Hảo và bạn bè quan tâm tới việc dịch một số tác phẩm của phương Tây để giới thiệu với độc giả Việt Nam, đã kêu tôi dịch vì biết tôi có tham hiểu đôi chút về Kitô giáo.

Có thể nói cái gọi là sự nghiệp dịch thuật của tôi đã được hình thành trong một bầu không khí nào đó và từ một thích thú riêng khiến mình dễ dàng chấp nhận những cái anh em đề nghị với mình.

Riêng hai công trình của Nguyễn Thanh Nhã và Lê Thành Khôi, được kể trong số những công trình “đánh dấu những cái mốc tư tưởng quan trọng” trong lĩnh vực lịch sử Việt Nam, lại được ít người trong nước biết đến, mặc dù đã được viết và xuất bản trước khi được dịch và phổ biến tại Việt Nam cả nửa thế kỷ. Theo ông, do đâu có hiện tượng này?

- Có thể nói, trước hết là vì hai cuốn sách này được viết bằng tiếng Pháp và có lẽ chủ yếu dành cho người nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam. Mà tiếng Pháp thì ngày càng ít được sử dụng ở Việt Nam.

Nhưng nói thế không có nghĩa là hai tác phẩm này đã không được biết đến ở Việt Nam. Theo chỗ tôi được biết thì hai cuốn này cũng đã được không ít người ở Việt Nam biết đến và sử dụng, cũng như trích dẫn… Nhưng chưa được dịch ra tiếng Việt để phổ biến một cách rộng rãi cho độc giả, sinh viên, người quan tâm tới sử học và lịch sử Việt Nam, có lẽ là vì chưa gặp dịp, hay chưa gặp thời, thời người ta quan tâm, tò mò, tìm kiếm những cái khác với những gì đã quen thuộc như thời của chúng ta hiện nay.

Thông qua những tác phẩm dịch của ông, từ “Xứ Đàng Trong” (giải thưởng “Sách hay 2013”), đến hai cuốn sách của GS người Việt, có thể hình dung ra bức họa lịch sử VN khá rõ nét thay vì nhiều phác họa như trước đây…

- Đúng hơn là hai GS người Việt viết lịch sử VN bằng tiếng Pháp cho người nước ngoài đọc. Khi viết như vậy, ngoài hiểu biết ra, các cụ còn phải tìm tài liệu và sắp xếp theo cách khoa học và logic nhất. Chính vì thế mà lịch sử mới sáng ra, có những giá trị của nó. Nếu mình tìm cách thức không phải (đánh bóng sự kiện nào đó trong lịch sử, hay muốn chứng minh về một giả thuyết nào đó) mà bóp méo chuyện này, bỏ qua chuyện kia… thì sẽ tạo ra những chuyện không hay. Tôi thích câu nói: “Con đường đi tới sự thật là một cuộc hành hương”. Cuộc hành hương này liên quan đến thái độ tôn giáo, cũng là hành động từ bỏ những cái có sẵn trong đầu, để tiếp nhận cái mới. Còn đi tới sự thật với nhiều thiên kiến trong đầu thì đi để làm gì? Tinh thần của nhà nghiên cứu là luôn luôn sẵn sàng trong tư thế đón nhận.

Việc dịch “Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” của Max Weber có ý nghĩa ra sao trong cột mốc lịch sử lúc bấy giờ, theo ông?

- Dạo đó, NXB Tri Thức có nhờ tôi dịch. Dịch cuốn đó khá vất vả, vì là công trình chung của 4 người. Trong đó có anh Bùi Văn Nam Sơn (triết học), Trần Hữu Quang (xã hội học), Nguyễn Tùng (nhà nghiên cứu), riêng tôi làm về phần Tin lành. Cũng may là chúng tôi trao đổi, chia sẻ thông tin, đều là anh em trong nghề nên gặp những chữ, những câu khó, có thể cùng đưa ra thảo luận, học hỏi, góp ý, làm cho đoạn đó rõ ràng hơn.

Cuốn sách nói về sự hình thành, tinh thần của chủ nghĩa tư bản, đề cao vai trò tôn giáo, về nền tảng cấu trúc xã hội chứ không phải về cách vận hành của nó. Tôi thấy tác giả nhấn mạnh về đạo Tin Lành với cách sống, cách nhìn về công việc như một thiên chức tốt đẹp. Khi một người đảm nhận công việc, thì họ phải làm tốt phần việc đã đảm nhận trong xã hội, mang lại kết quả tài chính, và sẽ tiếp tục tái đầu tư vào công việc chứ không sử dụng hoang phí.

Việc phiên dịch như ông đang làm quả giúp ích rất nhiều cho xã hội ngày nay, có thể được ví như việc mở ra những cánh cửa trước thế giới bên ngoài, tạo cơ hội cho các cuộc tiếp xúc bổ ích với các nền văn hóa khác nhau, qua đó làm giàu cho chính mình. Nhưng tại sao ông lại cho đó là công việc bạc bẽo?

- Thì như tôi đã phát biểu, là vì trong công việc này, mình có cố gắng, thiện chí biết mấy, cũng không sao đạt tới được cái mình muốn đạt tới. GS. Trần Văn Toàn, người tôi rất hâm mộ, có nêu lên một nhận định có thể được xem như là một thực tế hầu như không ai phủ nhận: “Ai đã chú ý đến việc dịch thuật đều có thể nhận định rằng khi dịch từ tiếng này sang tiếng kia, mình không sao dịch cho hết ý nghĩa được, đồng thời bản dịch cũng mất đi nhiều ý vị”.

Nhưng nếu chỉ dịch “không hết ý nghĩa” hay “bản dịch mất đi nhiều ý vị” mà thôi, thì theo tôi, quả là còn may mắn lắm. Chúng ta đã chẳng quá quen với những nhận định, và khẳng định có tính cách phổ quát như muốn đúc kết kinh nghiệm lâu đời của người dịch hay của người đọc về công việc này - là tam sao thất bản.

Thực tế, khi một tác phẩm dịch được xuất bản, những điều tốt đẹp nhất, mới mẻ nhất, những sáng kiến đáng quan tâm nhất mà người đọc phát hiện thấy trong tác phẩm đều thuộc tác giả của tác phẩm. Trong khi đó, phần dành cho người dịch là sự hồi hộp chờ đợi những sai sót, sai lầm, thậm chí phản nghĩa người đọc có thể sẽ phát hiện ra trong bản dịch của mình, và người dịch sẽ chỉ còn biết nhận sai sót và hứa sẽ sửa sai vào lần tái bản. Mà những lý do chủ quan và khách quan dẫn đến sai sót trong việc phiên dịch thì nhiều vô kể. Dẫu sao thì đó cũng là tâm trạng của tôi mỗi khi có một cuốn sách dịch được xuất bản, vì ý thức được những giới hạn của mình.

Ông nghĩ gì về các “thảm họa” dịch thuật hiện nay?

- Theo tôi nghĩ, các “thảm họa” trong dịch thuật cũng là chuyện bình thường. Trong lĩnh vực nào mà chẳng có các thảm họa… Vấn đề là làm sao để tránh các thảm họa. Theo tôi, các thảm họa có thể tránh được phần nào, khi mình có chút lương tâm quan tâm tới người đọc, coi trọng người đọc và coi trọng cả tác giả. Thiếu sự tôn trọng này là mình sẽ rơi ngay vào thế giới của hàng giả, của người làm giả các tác phẩm của người khác, là cung cấp hàng giả cho người đọc mình. Và cái giả chỉ có thể là thảm họa đối với xã hội.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem