Dịch tả lợn châu Phi "vượt" sông và bài học từ Quảng Ninh

Nguyễn Quý Thứ hai, ngày 11/03/2019 19:00 PM (GMT+7)
Tiếp giáp với một xã có dịch bệnh tả lợn châu Phi thuộc huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nhưng các hộ nuôi lợn ở thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vẫn điềm nhiên dùng nước sông để rửa chuồng và cho lợn ăn, uống.
Bình luận 0

Chiều 9.3, sau nửa ngày chính thức công bố có ổ dịch trên đàn lợn của hộ nhà bà Nguyễn Thị Làn, cũng là ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên tại Quảng Ninh, cả xã Yên Đức nháo nhào chống dịch.

Cuộc họp khẩn tại xã có lãnh đạo tỉnh, thị xã cùng các sở, ngành liên quan dự, chỉ đạo; 3 chốt kiểm soát được lập lên, chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm soát các xe ra vào địa bàn xã; vôi bột rắc lưa thưa từ đầu đến cuối làng Đức Sơn, rồi phủ trắng chuồng trại của 10 hộ chăn nuôi lợn tại thôn... Bà Nguyễn Thị Làn thẫn thờ nhìn người ta chôn 14 con lợn (2 nái, 7 thịt và 5 lợn choai) ngay tại vườn nhà.

img

Lợn của hộ bà Nguyễn Thị Làn bị mang đi tiêu hủy. Ảnh: Phạm Tăng.

Bà Bùi Thị Liên, hộ nuôi lợn lớn nhất thôn Đức Sơn (thời điểm hiện tại có 70 con lợn thịt), cách ổ dịch ở nhà bà Nguyễn Thị Làn 500m, ngao ngán nói: “Cả tháng nay nghe nói có dịch tả lợn nguy hiểm, lan tới xã Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng – PV) chỉ cách Đức Sơn 1 con sông, vậy mà tôi không hề nghe có cán bộ thú y xã, huyện nào tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Bây giờ dịch phát ra rồi, các ông ấy mới tuyên truyền ầm ĩ”.

Bày tỏ bức xúc với PV Dân Việt, bà Liên cho biết, từ những ngày đầu nghe tin Liên Khê có dịch, do lo sợ bà đã lên tận Ủy ban xã, gặp cán bộ thú y để xin cấp nước khử trùng, nhưng cán bộ thú y nói là không có kinh phí.

“Đến hôm nay (ngày 9.3, sau khi đã phát hiện có dịch tại Đức Sơn – PV) người ta mới cuống quýt, gọi chúng tôi lên sân nhà văn hóa để lấy vôi về rắc trong chuồng trại, nhưng đến nơi thì toàn thấy đá, ông nhà tôi bực quá vứt luôn sau vườn” – bà Liên nói.

img

Vôi được mang về sân nhà văn hóa thôn Đức Sơn để phát cho dân, theo phản ánh là lẫn nhiều đá. Ảnh: Nguyễn Quý.

Nhiều người dân Đức Sơn cho biết, từ lâu nay thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện xác động vật chết trôi sông, khi thì con lợn, khi con chó, gà... không biết trôi từ đâu tới, gây mùi hôi thối, làm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng ngay cả khi được biết có dịch tả lợn nguy hiểm ở vùng lân cận, một số hộ nuôi lợn như nhà bà Làn vẫn dùng nước mương (được lấy trực tiếp từ sông vào) để cho lợn ăn, uống và rửa chuồng trại.

Trao đổi với Dân Việt vào sáng 10.3, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: “Tại Quảng Ninh, chúng tôi đã rất chủ động với việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Cũng có nơi anh em chưa nhiệt tình, không tới tận các hộ tuyên truyền được, nhưng phải nói là thời gian vừa qua chúng tôi làm tuyên truyền rất mạnh trên hệ thống loa phát thanh, đài báo của tỉnh. Bản thân người dân cũng phải tự nhận thức phòng, chống trong bối cảnh đài, báo thông tin về sự nguy hiểm của dịch bệnh như thế”.

img

Dòng sông tiếp giáp xã Liên Khê (Hải Phòng) và Đức Sơn (Quảng Ninh) theo phản ánh của người dân là thường xuyên xuất hiện xác động vật thả trôi. Ảnh: Nguyễn Quý.

Ông Trần Xuân Đông, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Quảng Ninh), nhận định: "Qua kiểm tra trước khi phát hiện ổ dịch ở Đức Sơn, đa số các hộ chăn nuôi lớn đều đã hết sức chủ động trong việc phòng chống dịch tả lợn. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều bà con chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chủ quan, không có những hành động cụ thể để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước".

Khi được hỏi tỉnh có hỗ trợ gì cho các địa phương nằm trong vùng có nguy cơ cao lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi như Yên Đức, trước khi phát hiện ổ dịch không, ông Đông cho biết: "Tỉnh đã có một quyết định phân cấp rồi, ngân sách của tỉnh giao cho ngành thú y dự trữ một lượng hóa chất (khoảng 5-7 tấn) để cấp cho các địa phương khi nổ ra các ổ dịch. Còn bình thường khi chưa có dịch, thì tỉnh đã phân cấp ngân sách cho các địa phương. Với Đông Triều đã mua dự trữ 3,5 tấn hóa chất rồi, nhưng người ta sử dụng như nào, cấp phát như nào là do Đông Triều".

Ông Đông cũng khuyến cáo: "Trong tình hình hiện nay, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương thường xuyên phát động các đợt tổng vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi, sử dụng vôi để xử lý môi trường. Với hóa chất, chỉ sử dụng khi có dấu hiệu mầm bệnh để diệt ngay, bởi sử dụng hóa chất cũng có tính hai mặt. Còn về lâu dài trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi thì nên sử dụng nước vôi và vôi bột".

img

Xã Yên Đức tổ chức kiểm soát, phun thuốc khử trùng xe ra vào thôn Đức Sơn. Ảnh: Nguyễn Quý.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Quảng Ninh mới xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 2

Sáng ngày 11.3, kết quả xét nghiệm trên đàn lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Vân, thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương, TX.Đông Triều, là dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi có kết quả, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 53 con lợn của gia đình bà Vân (trọng lượng 12-15kg/con). 

img

Chốt kiểm dịch được lập tại xã Yên Đức, TX.Đông Triều.

Bà Nguyễn Thị Vân cho biết, cách đây hơn 1 tháng, bà Vân mua lợn giống từ các thương lái không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngày 7.3, bà Vân phát hiện trong chuồng nuôi có một số con bị ốm, chết nhưng không báo cho cơ quan thú y địa phương mà tự ý đem chôn sau vườn.

“Chiều 10.3, đàn lợn của tiếp tục chết, lúc này gia đình mới báo cho cơ quan thú y địa phương. Ngay tối 10.3, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm. Đến 9h30', ngày 11.3, kết quả xét nghiệm cho thấy đàn lợn dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi” – Bà Nguyễn Thị Vân nói.

Trước đó, ngày 9.3, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn Quảng Ninh được phát hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị Làn, thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX.Đông Triều. Tại ổ dịch này, cơ quan chức năng đã phải tiến hành tiêu hủy toàn bộ 14 con lợn với tổng trọng lượng gần 1 tấn.

Ngay trong ngày 9.3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản hỏa tốc về việc tập trung khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn TX.Đông Triều.

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND TX. Đông Triều (nơi xảy ra ổ dịch) khẩn trương tập trung huy động lực lượng, bổ sung vật tư, hóa chất, vắc xin… thực hiện ngay các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt ổ dịch. Tiêu hủy toàn đàn lợn bị bệnh đảm bảo đúng quy trình, thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Thực hiện kiểm tra đến tận các hộ chăn nuôi trên địa bàn, phát hiện ổ dịch báo cáo ngay cho cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để đàn lợn; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, nghiêm cấm người dân, thú y cơ sở dấu dịch, tự ý chữa trị, tự ý bán chạy, giết mổ lợn làm lây lan dịch.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thức ăn thừa không dùng hết của các bếp ăn, nhà hàng đảm bảo thức ăn dư thừa được xử lý nhiệt trước khi sử dụng để chăn nuôi.

Hoàng Trình 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem