Để chia sẻ với khách hàng, Thế Giới Tiếp Thị cung cấp một số thông tin cần biết trước khi quyết định gói cước nào phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Các nhà mạng hiện đang cung cấp hàng chục gói cước internet. Để chọn đúng, người dùng nên đọc kỹ thông tin.
Đọc kỹ tốc độ kết nối quốc tế
Ngày 1.5.2017, công ty viễn thông FPT (FPT Telecom) chính thức cung cấp gói dịch vụ internet tốc độ 1Gbps với tên gọi SOC cho khách hàng cá nhân và hộ gia đình tại Hà Nội và TP.HCM. Tính đến thời điểm này, SOC là gói dịch vụ internet có tốc độ cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Với tốc độ 1Gbps, khi sử dụng SOC, với một bộ phim chất lượng Full HD 1080, chỉ tải trong vòng 1 – 2 phút. Ngoài ra, khi đăng tải tài liệu có dung lượng lớn, truy nhập các nội dung video 4K, thực tế ảo (VR), game tương tác…, thời gian chỉ trong chớp mắt.
Việc lấy gói cước SOC của FPT Telecom làm ví dụ điển hình là liên quan đến yếu tố tốc độ của gói internet siêu tốc này. SOC có tốc độ 1Gbps cần được hiểu là “tốc độ truyền tải dữ liệu trong hệ thống cáp nội địa với những dịch vụ nằm tại các trung tâm dữ liệu do FPT quản lý”. Nếu dữ liệu đó nằm ngoài hệ thống quản lý dữ liệu của FPT Telecom, như VNPT hay Viettel, phụ thuộc vào mức độ quản lý chia sẻ nội dung đó giữa các nhà cung cấp dịch vụ với nhau.
Tốc độ 1Gbps của gói SOC chỉ là tốc độ tối đa mà gói cước này được mở trong hệ thống cáp nội địa. Còn tốc độ kết nối quốc tế (được hiểu là truy cập nội dung dịch vụ tại các máy chủ đặt tại nước ngoài), phụ thuộc vào mức độ cam kết của từng nhà cung cấp dịch vụ dành cho từng gói cước khác nhau. Dù có tốc độ băng thông trong nước dạng siêu tốc nhưng gói SOC chỉ cam kết tốc độ kết nối quốc tế là 1Mbps. Trong khi đó, các gói cước Business, Play, Silver và Diamond (FPT Telecom) có tốc độ băng thông trong nước thấp hơn (45 – 80Mbps) nhưng lại có tốc độ kết nối quốc tế cao hơn, dao động từ 1,6 – 2Mbps. Đây là những gói cước dành cho doanh nghiệp có nhu cầu kết nối quốc tế cao hơn kết nối nội địa. Viettel cũng có mức cam kết tốc độ kết nối quốc tế với một số gói cước internet. Với các gói cước dành cho khách hàng cá nhân và gia đình (gói Fast10 – Fast40), tốc độ băng thông trong nước dao động từ 10 – 40Mbps, còn tốc độ kết nối quốc tế dao động từ 128 – 512Kbps. Viettel có những gói cước dành cho doanh nghiệp và tiệm game: Office, Pro và Pub. Ba gói cước này có tốc độ kết nối quốc tế tối thiểu là 640Kbps – 1,5Mbps. Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) chỉ cam kết tốc độ kết nối quốc tế với một số gói cước dành cho doanh nghiệp, như: Home2, 2E, Public, Business, 20, 2B, 2C và Dreaming với mức thấp nhất là 256Kbps, còn cao nhất là 2.048Kbps.
Những gói cước có cam kết tốc độ quốc tế càng cao, giá càng cao. Như gói Dreaming của VNPT có tốc độ kết nối quốc tế là 2.048Kbps, có mức giá 16 triệu đồng/tháng. Gói Diamond của FPT Telecom có tốc độ kết nối quốc tế là 2Mbps có giá cước là 8 triệu đồng/tháng. Gói Pro của Viettel có tốc độ kết nối quốc tế là 1,5Mbps thì có mức giá là 4,4 triệu đồng/tháng.
Chọn gói nào?
Ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc FPT Telecom, cho rằng: “Gói SOC sẽ là bước đột phá mở đường cho xu hướng internet siêu tốc độ tại thị trường Việt Nam”. Hiện nay, ngoài FPT Telecom, chưa nghe thấy bất kỳ động tĩnh nào của các nhà cung cấp dịch vụ internet Việt Nam sẽ có những gói cước siêu tốc như SOC trên thị trường. Bình luận về gói cước SOC của FPT Telecom, ông Tấn Sang, một chuyên gia internet cho rằng, gói cước siêu tốc là cần thiết nhưng với người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, chỉ cần nhà cung cấp cho “đúng và đủ” tốc độ kết nối nội địa 20Mbps là đủ dùng cho các dịch vụ gia tăng trên môi trường internet như: coi phim, chơi game… “Nếu nói về kết nối quốc tế, hiện nhiều nhà mạng chỉ mua băng thông trên những tuyến cáp “thường xuyên bị cá mập cắn” như AAG nên mức cước rẻ. Nếu mua băng thông trên những tuyến ít bị sự cố, giá cước sẽ cao hơn rất nhiều nhưng bù lại, chất lượng ổn định”, ông Sang nói thêm.
Với người tiêu dùng cá nhân, gia đình, quán càphê, doanh nghiệp nhỏ…, khi có nhu cầu sử dụng internet, có thể tham khảo những gói cước sau. FPT Telecom có bốn gói cước: F5 (22MBps/ 220.000đ/tháng), F4 (27Mbps/250.000đ/ tháng), F3 (35Mbps/280.000đ/tháng) và F2 (45Mbps/470.000đ/tháng) kèm theo chính sách: nếu trả một lần sáu tháng cước sẽ được tặng một tháng cước, nếu trả 12 tháng sẽ được tặng hai tháng cước. Ngoài ra, FPT Telecom còn có những gói cước khác: Business (800.000đ/tháng), Bronze (1,5 triệu đồng/tháng), Silver (2 triệu đồng/tháng)...
Còn Viettel có sáu gói cước fast, từ Fast10 (10Mbps/250.000đ/tháng) cho đến Fast40 (40Mbps/550.000đ/tháng). Tốc độ khác biệt giữa những gói Fast là 5Mbps với mức cước chênh lệch là 50.000đ/tháng. Viettel có ba gói cước dành cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng internet tốc độ trong nước và quốc tế cao hơn, đó là: Office (45Mbps/1Mbps, 990.000đ – 1,54 triệu đồng/ tháng tuỳ theo tỉnh), Pro (75Mbps/1,5Mbps, 4,4 triệu đồng/tháng) và gói Pub (50Mbps/640Kbps, 990.000đ – 1,54 triệu đồng/tháng tuỳ theo tỉnh).
VNPT hiện có bốn gói cước cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ: F4U (8Mbps/160.000đ/tháng), F4+ (10Mbps/180.000đ/tháng), F2F (16Mbps/210.000đ/tháng) và gói Home (20Mbps/230.000đ/tháng).
Mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ internet, chủ yếu là ba nhà: Viettel, FPT và VNPT không còn gay gắt như trước. Vẫn còn hiện tượng cạnh tranh “chèo kéo bỏ mạng” nhưng mức độ đã thấp. Còn không ít người tiêu dùng phàn nàn về tốc độ của các gói cước, nhưng nhìn chung những sai số tốc độ đã được giảm thiểu… Chuyện còn lại của khách hàng là “thương nhà nào thì chọn nhà đó”. “Thương” ở đây chính là tiện lợi việc lắp đặt, giá cả, dịch vụ bảo hành khi có sự cố, chất lượng modem…
Bài, ảnh Hoàng Triều (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.