Điểm chuẩn sư phạm “lẹt đẹt”, lo lắng chất lượng giáo viên

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 02/08/2017 06:39 AM (GMT+7)
Dư luận đang “sững sở” khi các trường ĐH khối ngành sư phạm công bố điểm chuẩn trúng tuyển ở mức rất thấp. Nhiều người lo ngại, điểm đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo viên - những người dạy bảo con em họ sau này.
Bình luận 0

Sư phạm lấy điểm cận sàn

Trái ngược với mức điểm chuẩn cao ngất của các khối ngành y – dược, an ninh, quân đội, các ngành sư phạm năm nay có điểm chuẩn thấp... không tưởng. Tại ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên, trong số 14 ngành đào tạo sư phạm thì có 6 ngành lấy điểm bằng điểm sàn của Bộ GDĐT là 15,5 điểm. Đó là các ngành: Sư phạm toán, tin học, vật lý, hóa học, sinh học, âm nhạc. Một số ngành khác lấy nhỉnh hơn ở mức 16,5 điểm như sư phạm lịch sử, ngữ văn.

Tương tự, tại ĐH Vinh, 6 ngành đào tạo sư phạm thì trừ ngành sư phạm tiểu học có mức điểm 22, tất cả các chuyên ngành còn lại đều lấy bằng điểm sàn của Bộ GDĐT.  Trường ĐH Hồng Đức cũng có mức điểm chuẩn đầu vào không khả quan hơn. Cụ thể 11 ngành sư phạm của trường này đều lấy mức điểm 15,5.

img

 Sinh viên khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh trong giờ học. I.T

Là trường đào tạo sư phạm đứng đầu cả nước nhưng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có không ít ngành lấy mức điểm đầu vào khiêm tốn dưới 17,5 điểm như: Công tác xã hội, công nghệ thông tin, toán học, chính trị học, văn học, Việt Nam học... ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cũng có nhiều ngành lấy điểm “cận sàn” như: Vật lý học, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Nga...

Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường sư phạm lấy điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không thu hút được thí sinh đã diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân được chỉ ra rằng do ngành sư phạm đang dư thừa một lực lượng lớn giáo viên khiến cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều; công việc không ổn định; lương thấp...

Lo ngại chất lượng đầu ra?

Một số ngành đào tạo sư phạm của ĐH Huế còn có điểm chuẩn từ 12,75 đến 15,5 (dưới điểm sàn của Bộ GDĐT), thậm chí điểm đã nhân hệ số môn chính. Tuy nhiên, mức điểm này được tính theo công thức tính điểm theo đề án tuyển sinh riêng của trường. Điểm xét tuyển được tính theo thang điểm 30 và làm tròn đến 0,25. Với công thức này, tất cả các điểm chuẩn trúng tuyển đều đảm bảo trên sàn của Bộ GDĐT quy định.

Trước mức điểm chuẩn của nhiều ngành thuộc khối sư phạm quá thấp, nhiều người tỏ ra lo lắng về chất lượng đầu ra của giáo viên. 

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, đầu vào quan trọng nhưng đầu ra còn quan trọng hơn. Sở dĩ điểm chuẩn của các ngành sư phạm thấp là bởi ngành này thiếu hấp dẫn. Chế độ đãi ngộ thấp, lương không cao, nhiều áp lực nên người tài ít đăng ký. Điều này cho thấy ngành sư phạm khó mà cạnh tranh với những ngành khác nếu Nhà nước không có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi. “Quan điểm của tôi, đầu vào không phải là yếu tố quyết định, bởi trong quá trình đào tạo chúng ta còn phải chọn lọc nhiều” – ông Lâm nói.

Nhìn nhận ở góc độ khác, thầy Nguyễn Hữu Phú – giáo viên Trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa) khẳng định, điểm chuẩn thấp sẽ tác động xấu tới chất lượng giáo viên sau này. Quá trình giảng dạy thấy hầu hết học sinh giỏi đều hướng tới các ngành: Y, kinh tế, an ninh… chỉ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn mới thi sư phạm. “Hiện nay nhiều em tốt nghiệp sư phạm ra không xin được việc làm hoặc dạy hợp đồng với thu nhập thấp, phải đi tìm việc khác làm thêm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới suy nghĩ của lớp trẻ mà còn ảnh hưởng xấu tới chất lượng giáo dục” – thầy Phú nói.  /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem