Diêm dân chán nghề vì muối lại “mất giá, được mùa”

26/09/2019 23:05 GMT+7
Vào thời điểm này, về các cánh đồng muối ở các xã Phước Thuận (Tuy Phước), Cát Minh, Cát Khánh (Phù Cát), Mỹ Thành, Mỹ Cát, Mỹ Chánh (Phù Mỹ)… vẫn thấy nhiều đống muối lớn giữa đồng vì chưa tiêu thụ được.

Điệp khúc được mùa mất giá "lây" sang muối

Một diêm dân ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (Phù Cát) chia sẻ với phóng viên rằng năm nay ông sản xuất trên diện tích 4.000 m2 ruộng muối bằng phương pháp trải bạt (muối sạch). Tính cả vụ, gia đình ông Đông đã thu hoạch được 100 tấn muối, tăng gần 40 tấn so với vụ năm ngoái. Tuy sản lượng tăng nhưng giá lại rớt thảm hại: "Đây là mức sản lượng thu hoạch cao nhất của gia đình tôi trong mấy năm nay, nhưng ngặt nỗi muối trúng mùa thì lại mất giá. Năm ngoái giá muối trải bạt có thời điểm tăng lên mức 1.600 - 1.800 đồng/kg, còn năm nay chỉ bán được có 900 - 1.100 đồng/kg, thậm chí có thời điểm không có người mua, diêm dân phải tự đưa đi tiêu thụ nhỏ lẻ".

Diêm dân chán nghề vì muối lại “mất giá, được mùa” - Ảnh 1.

Muối không có người mua, diêm dân đành tự mang đi tiêu thụ nhỏ lẻ

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, vụ muối này cả tỉnh làm 173ha muối, đạt hơn 25.000 tấn muối, tăng gần 17% so với năm 2018. Tuy nhiên, do giá muối thấp, mới tiêu thụ được hơn 18.780 tấn, còn tồn đọng trên 6.270 tấn.

Diêm dân chán nghề vì muối lại “mất giá, được mùa” - Ảnh 2.

Ông Hồ Phước Hoàn - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi, nắng kéo dài, nên hầu hết các tỉnh miền Trung đều trúng muối, sản lượng tăng rất cao. Trong khi đó, các nhà máy chế biến muối không thu mua hết lượng muối của diêm dân, nên muối bị tồn đọng lớn. Cung vượt cầu, khiến giá muối rơi tự do.

Để không còn những mùa "muối chát"

Để giúp diêm dân tiêu thụ muối, ổn định đời sống sản xuất, trước hết ngư dân cần thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao chất lượng muối. Tại tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh làm muối công nghiệp và muối trải bạt ô kết tinh, giảm dần muối đất. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng muối với các biện pháp như tiến hành nâng cấp hệ thống đê bao ngăn triều, xây dựng kho chứa muối tập trung có mái che, nền lát xi măng, để đảm bảo chất lượng của muối sau thu hoạch, tránh hao hụt, tổn thất.

Còn với cơ quan có thẩm quyền, nhằm kịp thời tháo gỡ cho ngành muối phát triển, Bộ NN và PTNT mới đây đã công bố kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, tổng diện tích muối ổn định 14.500ha, sản lượng 2 triệu tấn, trong đó, muối công nghiệp là 8.000ha, sản lượng đạt 1.310.000 tấn. Chất lượng muối đạt chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đồng muối của diêm dân; xây dựng được mô hình liên kết hợp tác sản xuất muối sạch bền vững, thúc đẩy sự hợp tác của người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối...

Để thực hiện thành công kế hoạch trên, Bộ NN và PTNT đề nghị các địa phương tổng kết các mô hình sản xuất, mô hình liên kết và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn. Khi thực hiện các kế hoạch trung hạn, các địa phương cần ưu tiên triển khai các dự án gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng sản xuất và chế biến muối.

Diêm dân chán nghề vì muối lại “mất giá, được mùa” - Ảnh 3.

Nhiều cơ quan phải vào cuộc để "cứu muối"

Với các mô hình sản xuất nông hộ cần có mối liên kết dưới hình thức tổ hợp tác và hợp tác xã; các doanh nghiệp nên chủ động liên kết và có kế hoạch đối với vùng nguyên liệu của mình. Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng muối nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà máy sản xuất và người tiêu dùng.

Hiện, Bộ NN và PTNT cũng đang chỉ đạo Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối nghiên cứu thành lập Hiệp hội nghề muối để làm cầu nối các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho diêm dân cũng như các doanh nghiệp.

Mai Trang
Cùng chuyên mục