Điểm lại dấu ấn các FTA năm 2020

27/12/2020 19:00 GMT+7
Năm 2020, Việt Nam ký kết, thực thi thành công nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như EVFTA, RCEP và UKVFTA. Bên cạnh đó, các lợi ích từ CPTPP cũng từng bước được khai thác.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện tại, Việt Nam đã ký kết 14 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA). Ngoài ra, hoạt động đàm phán đã kết thúc với 1 FTA, cùng với đó, đang đàm phán 2 FTA.

Trong số các hiệp định nói trên, nổi bật gồm có: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

Sau gần 10 năm đàm phán, Hiệp định EVFTA được thực thi từ ngày 1/8/2020. Theo giới chuyên môn nhận định, FTA này được ví như "đường cao tốc" nối Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU), thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD.

Cụ thể, sau khi EVFTA có hiệu lực gần 100% các dòng thuế sẽ về 0% theo lộ trình 7-10 năm. Ngoài ra, một số ít dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%.

Điểm lại dấu ấn các FTA năm 2020 - Ảnh 1.

Hiệp định EVFTA được thực thi giúp nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid - 19

Bên cạnh đó, hai bên cũng cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ, đầu tư như tài chính, thương mại điện tử, logistisc... và ngay cả những lĩnh vực mới như mua sắm Chính phủ, thương mại... cũng sẽ lần lượt được mở cửa.

Đối với ngành xuất khẩu Việt Nam, đây là cơ hội để đa dạng hóa thị trường tới 27 nước châu Âu của các mặt hàng thế mạnh vốn có như nông sản, thủy sản hay dệt may, da giày..

Trong khi đó với EU, cơ hội không chỉ là giảm loạt thuế quan EVFTA còn đem lại những ưu thế cho nhà đầu tư châu Âu phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam, nơi vốn được coi là năng động nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ của khu vực.

Được biết, EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên gần 56,5 tỷ USD vào năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN và là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

Sau 8 năm đàm phán, vào ngày 15/11, tại Hà Nội, 15 nước, gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc chính thức ký kết hiệp định RCEP.

Qua đó, đưa RCEP trở thành FTA có quy mô lớn nhất thế giới và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, RCEP với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Điểm lại dấu ấn các FTA năm 2020 - Ảnh 2.

Hiệp định RCEP với 15 nước thành viên trở thành FTA lớn nhất thế giới.

Với hàng loạt cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.

Theo nhận định của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, RCEP mở ra cơ hội thuận lợi cho tất cả các thành viên cũng như doanh nghiệp của các nước trong hiệp định để cơ cấu lại, định vị lại các chuỗi cung ứng và tham gia vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu.

"Trong khi Covid - 19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, RCEP được ký kết đánh dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước tham gia đàm phán", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA)

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Elizabeth Truss đã ký Biên bản Kết thúc đàm phán HIệp định UKVFTA.

Cụ thể, FTA này được đàm phán, ký kết nhằm tiếp nối quan hệ thương mại Việt – Anh khi EVFTA không còn áp dụng với Anh sau 31/12/2020 vì Brexit.

Theo đại diện Bộ Công Thương cho hay, các điều khoản của UKVFTA phần lớn sẽ giống với EVFTA, vì vậy, hai nước không cần phải trải qua một thập kỷ đàm phán. Hai bên muốn hoàn tất thỏa thuận càng sớm càng tốt để thúc đẩy sự hồi phục kinh tế sau Covid-19.

Điểm lại dấu ấn các FTA năm 2020 - Ảnh 3.

Biên bản Kết thúc đàm phán HIệp định UKVFTA được ký kết vào ngày 11/12 vừa qua tại Hà Nội.

Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. EU đã cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu là 0% với một số mặt hàng.

Về phần mình, Anh cho biết sẽ dựa trên số liệu liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và Anh trong giai đoạn 2014 – 2016 để quyết định chính sách tương tự. Anh cũng cam kết rà soát nâng lượng TRQ với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định đi vào hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Sau 6 năm số dòng thuế được xóa bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm sẽ là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch).

Thanh Phong
Cùng chuyên mục