Điểm mặt các vị trí thường xuyên ùn tắc tại khu vực Tân Sơn Nhất

Nguyễn Hữu Thứ bảy, ngày 09/06/2018 16:18 PM (GMT+7)
Từ đầu năm 2018, tuy khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không xảy ra vụ kẹt xe nào nghiêm trọng, nhưng việc đi lại của người dân chưa thuận lợi bởi còn hàng chục vị trí quanh sân bay thường xuyên bị ùn tắc giao thông.
Bình luận 0

Theo thống kê, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất trung bình mỗi ngày có khoảng 200.000 lượt khách vào ra sân bay. Ước tính, hàng ngày cần khoảng 6.500 lượt taxi và các hãng xe hợp đồng là 1.000 lượt để trung chuyển hành khách từ sân bay. Dịp cuối năm, lễ, tết nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng tăng cao đột biến. Do đó các tuyến đường trong khu vực thường xuyên bị quá tải.

Dù tại khu vực này nhiều tuyến đường đã được mở rộng, đồng thời có hai cầu vượt thép tại khu vực cổng sân bay Tân Sơn Nhất và vòng xoay Nguyễn Thái Sơn nhưng việc đi lại vẫn chưa thuận tiện. Nhiều người dân trong khu vực phản ánh, tại vòng xoay Lăng Cha Cả, đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Hồ Văn Huê… vào giờ cao điểm xe cộ vẫn phải nhích từng chút. Có hôm mưa lớn giao thông bị rối loạn, ùn tắc kéo dài.

Anh Lê Minh Hưng (ngụ Q.Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi đi làm ở Q.Tân Bình hàng ngày đi qua khu vực này. So với trước đi lại dễ hơn nhưng giờ cao điểm hay bị kẹt ở khúc Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị và đoạn cuối đường Hồ Văn Huê. Qua mấy chỗ đó đi rất chậm, nối đuôi nhau kéo dài...”.

img

Xe cộ ùn ứ tại vòng xoay Lăng Cha Cả - cửa ngõ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Thông tin từ Tổ công tác liên ngành đảm bảo ATGT khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 không xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào tại khu vực. Tuy nhiên tình trạng ùn ứ, di chuyển chậm vẫn thường xuyên xảy ra tại hàng chục vị trí xung quanh sân bay. Điển hình như: đường Trường Sơn (đoạn từ cổng sân bay Tân Sơn Nhất đến giao lộ Trần Quốc Hoàn); đường Trường Chinh (đoạn giao với đường Cộng Hòa, Tây Thạnh, Phạm Văn Bạch, từ Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý); đường Hoàng Văn Thụ (từ Trương Quốc Dung đến đường ray xe lửa; đoạn giao với đường Hồ Văn Huê, Út Tịch, Nguyễn Văn Trỗi). Riêng đường Cộng Hòa thường xuyên xảy ra ùn ứ tại giao lộ C18, giao lộ Út Tịch, Bĩnh Giã, Ấp Bắc,…

Đáng chú ý, một số vị trí trên đường Cộng Hòa, Trường Chinh có tháng xảy ra đến hàng trăm vụ ùn ứ giao thông.

Thượng tá Trần Văn Thương, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP.HCM đánh giá, từ khi thành lập tổ phản ứng nhanh việc đảm bảo giao thông tốt hơn. Khi có sự cố xảy ra trên đường, chỉ 3 phút sau là có lực lượng đến để xử lý và giải quyết.

Tại khu vực này từ đầu năm các lực lượng liên ngành đã xử lý hơn 400 trường hợp đỗ ô tô sai quy định, 50 vụ tai nạn giao thông, đồng thời xử lý hàng chục vụ vi phạm trong lĩnh vực vận chuyển hành khách. Lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý hơn 3.000 trường hợp vi phạm về an toàn giao thông. Theo Thượng tá Thương, lực lượng phản ứng nhanh đảm bảo giao thông tại đây tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường nhận định, thời gian tới lượng khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất dự báo tiếp tục tăng, áp lực lên hạ tầng giao thông sẽ lớn hơn. Ông chỉ đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 3 sớm hoàn thành nhánh cầu vượt thép còn lại tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm để giải tỏa ùn tắc quanh khu vực sân bay. Các tuyến đường khác đã được mở rộng sẽ tiếp tục duy trì lực lượng điều tiết, phân luồng để đảm bảo giao thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem