dd/mm/yyyy

Điện Biên: Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng

Thực hiện Kế hoạch 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh Điện Biên về triển khai rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023, các địa phương đã tích cực vào cuộc, triển khai, thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay tiến độ giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm so với kế hoạch đề ra, nhất là đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Giai đoạn 2019 - 2023, diện tích đất lâm nghiệp trong quy hoạch trên địa bàn huyện Điện Biên cần thực hiện giao hơn 59.338ha; trong đó, đất lâm nghiệp có rừng hơn 32.377ha và đất lâm nghiệp chưa có rừng gần 27.000ha.

Điện Biên: Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng   - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) kiểm tra, rà soát giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện. Ảnh: Vinh Duy

Theo kế hoạch, huyện Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2022, hoàn thành việc giao đất, giao rừng đối với toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp có rừng và đất lâm nghiệp chưa có rừng trong quy hoạch 3 loại rừng (đối với những diện tích đủ điều kiện giao đất, giao rừng và không có vướng mắc).

Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện giao được hơn 5.095ha đất lâm nghiệp có rừng (đạt 8,59%). Đặc biệt, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng đến nay vẫn chưa được triển khai giao.

Theo ông Đặng Văn Tuấn, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên, tiến độ giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp trên địa bàn huyện chậm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, đến đầu tháng 3/2022, toàn huyện mới thực hiện triển khai hội nghị tại 8/21 xã; triển khai họp thôn bản tuyên truyền và xác định phạm vi vùng dự kiến giao, triển khai đo đạc thực địa tại 5/21 xã gần 9.000ha.

Đồng thời, thông báo kết quả đo đạc, khảo sát ngoài thực địa, chỉ mốc giới ngoài thực địa đối với 2/21 xã. Xây dựng phương án trình HĐND xã thông qua tại các xã Phu Luông với diện tích hơn 3.058ha và xã Mường Pồn hơn 1.612ha; hiện các xã đã niêm yết công khai phương án giao đất, giao rừng và mảnh trích đo.

Riêng đối với kết quả giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ tại xã điểm Phu Luông, đến nay đã hoàn thành việc đo đạc trên thực địa với tổng diện tích hơn 3.161ha; trong đó, đã ký giáp ranh và xây dựng phương án giao đất, giao rừng với diện tích hơn 3.058ha và đã tổ chức họp thông báo kết quả đo đạc, thống nhất kết quả tại 8/8 bản của xã.

Điện Biên: Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng   - Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra tỉnh Điện Biên thực địa công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp tại bản Nậm Bó, xã Na Sang, huyện Mường Chà. Ảnh: Vinh Duy

Không riêng huyện Điện Biên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tiến độ thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp các địa phương trên địa bàn tỉnh chậm so với kế hoạch. Giai đoạn này, toàn tỉnh phải thực hiện giao hơn 351.692ha đất lâm nghiệp có rừng và chưa có rừng; trong đó, đất lâm nghiệp có rừng hơn 79.673ha và đất lâm nghiệp chưa có rừng hơn 272.019ha. Tuy nhiên, đến hết tháng 3/2022, tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao mới đạt gần 30.000ha (chiếm 7,85%) cho 2.274 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Cụ thể, đối với đất lâm nghiệp có rừng, mới có 5/10 huyện, thị xã, thành phố (Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé và Mường Ảng) tổ chức giao đất, giao rừng với tổng diện tích hơn 28.059ha (đạt 26,05%) cho 944 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và 4 tổ chức. Đặc biệt đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng, đến nay mới chỉ có 2/10 địa phương (Mường Ảng và Tuần Giáo) đã tổ chức giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp cho 1.328 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng với diện tích 1.914ha (đạt 0,7%). Riêng các huyện: Tủa Chùa, Nậm Pồ, TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ đến nay đều chưa thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp đối với cả đất lâm nghiệp có rừng và chưa có rừng.

Điện Biên: Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng   - Ảnh 4.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tiến độ thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp các địa phương trên địa bàn tỉnh chậm so với kế hoạch. Ảnh: Vinh Duy

Qua tìm hiểu, hầu hết các địa phương cho rằng do trong quá trình thực hiện tại một số thôn, bản, người dân chưa đồng thuận đối với quy hoạch 3 loại rừng nên chưa nhất trí đo đạc đối với phần diện tích là nương luân canh trong quy hoạch 3 loại rừng; ranh giới quy hoạch 3 loại rừng chưa được cắm mốc xác định, do đó khó khăn trong công tác phân định ranh giới rừng.

Một số xã có dự án phát triển cây mắc ca chưa thực hiện đo đạc trong phạm vi của các dự án mắc ca để giao đất, giao rừng do kinh phí đo đạc, cấp GCNQSDÐ trong vùng dự án trồng mắc ca do chủ đầu tư dự án mắc ca chi trả.

Cùng với đó, một số trường hợp chủ sử dụng đất có nhiều thửa nhưng khi đo đạc chỉ thực hiện đối với diện tích trong quy hoạch 3 loại rừng hoặc chưa đo diện tích trong phạm vi các dự án mắc ca nên một số người dân chưa đồng thuận (các chủ sử dụng có ý kiến nếu đo thì đo hết các thửa).

Một số hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang quản lý bảo vệ rừng nhưng không có hộ khẩu thường trú tại xã có rừng và đất rừng nên khó khăn trong việc giao theo quy định. Bên cạnh đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp theo kế hoạch đề ra.

Vinh Duy