dd/mm/yyyy

Điện Biên: Xử lý nghiêm việc trục lợi chính sách hỗ trợ gia súc bị chết rét

Ðợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm nhiều gia súc trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị chết rét. Chính quyền các cơ sở đã thành lập tổ công tác tổ chức rà soát, thống kê thiệt hại và hoàn thiện quy trình, thủ tục để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi. Tỉnh Điện Biên chỉ đạo phải làm đúng, không để bị trục lợi chính sách.

Các đợt rét đậm, rét hại vừa qua, toàn tỉnh Điện Biên đã có gần 200 con gia súc bị chết do rét đậm, rét hại, trong đó chủ yếu là trâu, bò. Số trâu bò chết rét tập trung tại các huyện: Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông, Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, thống kê các hộ dân bị thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Quan điểm của UBND tỉnh Điện Biên là hỗ trợ đúng đối tượng, đồng thời sẽ xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng việc hỗ trợ để trục lợi chính sách hỗ trợ đối với nhân dân.

Điện Biên: hỗ trợ gia súc bị chết rét, làm nghiêm, không để trục lợi chính sách - Ảnh 1.

Để phòng chống rét cho đàn gia súc, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã dùng nhiều biện pháp để giữ ấm cho đàn gia súc.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Chăn nuôi, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên), cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá công tác phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản tại các huyện: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông, Tuần Giáo và Mường Ảng. Nhìn chung, UBND các huyện đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở trong công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Ý thức của hộ chăn nuôi có nhiều chuyển biến. Phần lớn đã gia cố, che chắn, vệ sinh chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, không ít người dân vùng cao vẫn còn chủ quan, thả trâu, bò trong rừng vào những ngày giá rét. Do đó đợt rét đậm, rét hại vừa qua, tỉnh Điện Biên vẫn có nhiều trâu, bò bị chết rét. Tổng thiệt hại ước tỉnh khoảng 2 tỷ đồng. 

Ðối với công tác hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại, các huyện, thành phố đã chủ động thực hiện quy trình theo đúng các nội dung, điều khoản của Quyết định 21/2018/QÐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành quy định mức hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn. Mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị chết rét là 2 triệu đồng/con đối với trâu, bò, ngựa đến 6 tháng tuổi; trên 6 tháng tuổi hỗ trợ 5 triệu đồng/con. Tuy nhiên, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn nhấn mạnh và yêu cầu các cơ sở phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về số lượng, nguyên nhân và quy trình phòng chống đói rét cho gia súc của các hộ chăn nuôi. Tuyệt đối không hỗ trợ các hộ chăn nuôi chủ quan, lơ là và không thực hiện đúng quy trình phòng chống đói rét cho vật nuôi.

Điện Biên: hỗ trợ gia súc bị chết rét, làm nghiêm, không để trục lợi chính sách - Ảnh 3.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Điện Biên đã có hơn 200 con trâu, bò bị chết rét từ đầu mùa rét đến nay.

Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, huyện Tủa Chùa có trên 90 con trâu, bò bị chết rét, là huyện bị thiệt hại lớn nhất tỉnh. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát và thực hiện quy trình, thủ tục để đề nghị hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi bị thiệt hại.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Ðối với trâu, bò bị chết rét trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, huyện đã tổ chức kiểm tra và xác định đây là thiệt hại do thiên tai bất khả kháng, có nơi nhiệt độ có thời điểm xuống 0oC. UBND huyện Tủa Chùa kiên quyết không hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do thiếu ý thức, chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai mặc dù đã được cán bộ tuyên truyền vắc hướng dẫn. Tất cả hồ sơ đề nghị hỗ trợ phải có đầy đủ hình ảnh, nguyên nhân khiến trâu bò bị chết, đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng chống đói, rét cho gia súc của hộ chăn nuôi… Nếu thiếu một trong những điều kiện trên thì sẽ không được đề xuất hỗ trợ.

Điện Biên: hỗ trợ gia súc bị chết rét, làm nghiêm, không để trục lợi chính sách - Ảnh 4.

Nhiều hộ dân đã làm chuồng trại, giữ ấm, dự trữ đầy đủ thức ăn cho đàn gia súc, dã làm giảm thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Tại huyện Ðiện Biên Ðông, các tổ công tác của huyện cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, đề xuất hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại về gia súc trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua. Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Huyện đã chủ động triển khai công tác phòng chống đói, rét ngay từ khi kết thúc vụ mùa năm 2020. UBND huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ sau mùa vụ mà thu về dự trữ làm thức ăn cho trâu bò vào mùa đông; các hộ chăn nuôi đã chủ động trồng cỏ voi, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc… 

Bên cạnh đó, các xã thường xuyên tuyên truyền vận động người chăn nuôi không thả rông trâu bò vào những ngày giá rét, quây kín chuồng trại và dự trữ chất đốt để sưởi ấm cho vật nuôi. Nhờ đó, vừa qua huyện Ðiện Biên Ðông chỉ có 13 con trâu bò bị chết rét, phần lớn là con non. UBND huyện cũng đang tích cực triển khai đề nghị hỗ trợ. 

Hiện nay, huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, bên cạnh các điều kiện hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh, đối với những cơ sở đã hoàn thành việc kê khai hoạt động chăn nuôi, các hộ chăn nuôi bị thiệt hại phải có trong danh sách kê khai của xã mới được hỗ trợ. Ðây là một nội dung mới nhằm siết chặt công tác rà soát, triển khai hỗ trợ, góp phần giúp người chăn nuôi nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.

Thanh Phong