Bao năm không dám mơ có điện quốc gia
Anh Lý Văn Pạch - người dân bản Lũng Luông kể rằng: “Ngày trước bản mình khổ lắm, tối đến là không thấy cái gì. Cơm cũng phải nấu sớm, chứ tối lắm có thấy đâu mà ăn. Chạng vạng 5-6 giờ chiều là cả bản đã tối om”.
Từ ngày có điện, thông qua tivi, dân bản Lũng Luông như được mở mang hơn. Ảnh: Đ.C
Không chỉ bà con dân bản gặp khó khăn mà ở Trường Tiểu học Lũng Luông, các thầy, cô giáo cũng vô cùng vất vả, phải chong đèn dầu hoặc đèn pin để soạn giáo án. Không có điện nên giáo viên và cả người dân ở bản này hầu như không nắm được thông tin gì từ dưới xuôi. “Học sinh của chúng tôi cũng khổ. Trước đây, chúng tôi không cho các em mang sách về nhà vì có thời gian đâu mà học. Ban ngày các em còn đi làm giúp bố mẹ, tối đến thì không có điện để học”-cô Hoàng Thị Thanh Hà, giáo viên Trường Tiểu học Lũng Luông chia sẻ.
Người dân bản Lũng Luông chưa bao giờ dám mơ đến một ngày được dùng lưới điện quốc gia, vậy mà giờ đây, họ như đang sống trong thế giới của câu chuyện cổ tích với ánh điện lung linh, với âm thanh rộn ràng phát ra từ những chiếc loa đài, tivi. Theo anh Puông, trước đây tivi cũng có đấy nhưng muốn xem thì chạy máy phát tốn rất nhiều tiền dầu. “Giờ có điện rồi, không ai lo nữa. Có tivi rồi, dân bản chúng tôi cũng biết nhiều hơn về chế độ chính sách, pháp luật...” - anh Puông nói.
“Giờ có điện sướng lắm”
Ông Ma Khánh Tuyên - Chủ tịch UBND xã Thượng Lung mong muốn “điện về, sẽ từng bước làm thay đổi tư duy nhận thức trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người Mông ở Lũng Luông”.
|
Trên các ngọn núi cao của Lũng Luông, những cây cột điện sừng sững cõng đường dây mang điện đến thắp sáng cho dân bản. Điện về cả bản đều vui, cứ nói đến điện là dân bản đều thốt lên “Tự nhiên đang tối mà được sáng là sướng lắm”.
Trước đây, khi điện chưa về bản, người dân ở đây chỉ biết cắm đầu vào công việc trên nương rẫy, ít có thời gian trò chuyện, sinh hoạt văn hóa hay ghé nhà nhau chơi. Nay, hình như nhờ có điện mà dân bản Mông này ngày càng gắn bó. Theo anh Đào Văn Mình, cả bản có 123 hộ, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, mới có khoảng hơn chục hộ có tivi nên cứ mỗi tối, dân bản lại tập trung ở những nhà có tivi để xem. Tiền điện cũng được nhà nước hỗ trợ một phần nên khoản tiền này không phải là điều đáng ngại với người dân nơi đây.
Phấn khởi nhất vẫn là hơn 100 thầy và trò Trường Tiểu học Lũng Luông. Cô Đinh Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trước đây, mỗi năm cứ khoảng 6 tháng mùa khô, chúng tôi phải đi lấy nước cách xa vài trăm mét đường dốc ngược đồi, vất vả vô cùng. Từ lúc có điện, không chỉ việc soạn giáo án, bài giảng của chúng tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều vì dùng được máy tính, máy in, mà nhà từ thiện cũng đã hỗ trợ đào giếng, lắp máy bơm, đường ống đưa nước vào bể chứa để đảm bảo cung cấp nước cho thầy và trò”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.