Bạch Dương
Thứ ba, ngày 12/05/2020 21:04 PM (GMT+7)
Trong hệ thống y tế, đội ngũ điều dưỡng đóng vai trò quan trọng khi là người tham gia vào quá trình điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh. 12/5 là Ngày quốc tế Điều dưỡng, như một lời tri ân đối với những con người thầm lặng này.
Tại Việt Nam, số lượng điều dưỡng hiện chiếm 42,4% trên tổng số nhân sự tại các bệnh viện do nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng ngày càng tăng cao. Cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức về vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân được cải thiện dẫn tới yêu cầu về nguồn nhân lực ngành điều dưỡng luôn ở mức cao. Có thể thấy, chất lượng khám chữa bệnh của một bệnh viện phụ thuộc nhiều vào sự tận tâm, hy sinh cũng như những cống hiến thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng.
Bên cạnh bác sĩ điều trị, điều dưỡng là người chăm sóc toàn diện về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh từ lúc nhập viện cho tới khi khỏe mạnh được xuất viện. Tất cả những việc đằng sau của bác sĩ, từ vệ sinh đến bữa ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân đều phụ thuộc vào bàn tay của điều dưỡng.
Khó có thể phủ nhận công sức của những điều dưỡng trong quá trình hồi phục của người bệnh. Thế nhưng, họ lại là những người ít được nhắc đến nhất, thu nhập cũng ở mức... thấp nhất. Tuy vậy, ít ai trong số những điều dưỡng than vãn hay bỏ nghề, một cái nghề mà như các chị vẫn thường nói: "Làm dâu trăm họ".
Trước việc phải hàng ngày tiếp xúc với những nỗi đau, những trăn trở của người bệnh, niềm vui lớn nhất mà người điều dưỡng nhận được có lẽ là cơ hội được tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người bệnh, người nhà bệnh nhân theo hướng tích cực hơn, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn và chiến thắng bệnh tật.
Chị Nguyễn Thị Lan Ngọc – người đã gắn bó với công việc điều dưỡng suốt 15 năm nay tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ: "Vui nhất là khi có những người bệnh tưởng chừng sẽ không qua khỏi, nhưng chúng tôi cố gắng hết sức, bệnh nhân lại hồi phục. Tôi vẫn nhớ một người bệnh hôn mê, bị đa chấn thương, tổn thương thận cấp, tình trạng rất nguy kịch. Sau khi bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, người nhà bệnh nhân đã khóc rất nhiều. Nhưng sau một thời gian hồi sức tích cực thì kỳ tích xuất hiện, người bệnh cải thiện hơn, tỉnh dần và được chuyển về chuyên khoa. Mỗi thành viên trong khoa ai cũng vui mừng. Ngày xuất viện, người bệnh ghé qua khoa Hồi sức tích cực cảm ơn bác sĩ, điều dưỡng đã chăm sóc cho mình. Nhìn thấy người bệnh được hồi sinh, đối với chúng tôi, không có hạnh phúc nào lớn hơn thế…".
Lòng nhân ái, sự thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau của người bệnh có lẽ là điều đầu tiên có thể nhận thấy ở một người điều dưỡng. Từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười và lời nói của điều dưỡng đều góp phần giúp người bệnh xoa dịu cơn đau, giúp người nhà bệnh nhân an tâm hơn trong suốt quá trình điều trị. Và khi trao đi nụ cười, cũng là lúc họ tự tạo niềm vui cho chính mình. "Những lá thư cảm ơn, những lời thăm hỏi bình dị của người bệnh như đã kịp ăn cơm chưa, có ngủ được chút nào không... là sự động viên rất lớn đối với tôi. Niềm vui trong công việc còn đến từ các anh chị đồng nghiệp khi cùng chia sẻ những kiến thức, những tình huống thường xảy ra đối với các bệnh lý có tại khoa, giúp tôi có thêm kiến thức trong quá trình chăm sóc cho người bệnh. Xuyên suốt các ca trực, chúng tôi thường giúp đỡ, san sẻ công việc cho nhau nhằm chăm sóc người bệnh tốt hơn", điều dưỡng Lê Thị Thi - Khoa Hậu môn trực tràng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ.
Trên thực tế, vẫn có những người bệnh, người nhà bệnh nhân chưa hiểu rõ về công việc của điều dưỡng, từ đó có những cư xử chưa thực sự đúng đắn. Đã có không ít trường hợp điều dưỡng phải đối mặt với những áp lực đến từ những hành vi không đúng mực của người nhà bệnh nhân. Đối diện với áp lực lớn từ công việc liên quan đến tính mạng con người, có lẽ mong muốn lớn nhất của những người điều dưỡng vẫn hàng ngày, hàng giờ tận tụy với công việc của mình, đó là sự thấu hiểu, cảm thông và hợp tác của người bệnh, người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình chăm sóc và điều trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.