Ngày 23.11, ông Phan Đình Hiển, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận (CPKS) và ông Hoàng Đắc Hòa, cán bộ công ty này, cho biết đã gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can của VKSND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).
Trước đó, ngày 17.11, ông Phạm Thúc Lãnh, Viện trưởng VKSND huyện Hàm Thuận Nam, đã ký quyết định đình chỉ bị can đối với ông Hiển và ông Hòa trong vụ án gây rối trật tự công cộng.
Đổi tội danh rồi đình chỉ
Vụ việc khởi nguồn từ những bất đồng giữa ban giám đốc công ty và ông N.T.L - Chủ tịch HĐQT Công ty CPKS Bình Thuận trong việc mua bán mỏ titan Suối Nhum, xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam). Ông L có đơn tố cáo đến Cục Cảnh sát môi trường (C49) Bộ Công an việc công ty này đã xuất bán 4.800 tấn quặng với giá thấp để trốn thuế. Ngày 3.1.2013, các cán bộ C49 đến công ty làm việc.
Ông Hiển cho rằng ông L đã lạm quyền chiếm trụ sở công ty, tự ra quyết định cho thôi việc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và một số công nhân trái luật và đóng cửa công ty nên đã huy động công nhân tổ chức ngừng việc, căng băng rôn trong trụ sở công ty để phản đối. Trước khi tổ chức, ông Hiển cũng có thông báo cho lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận biết sự việc.
Ông Phan Đình Hiển (giữa, đeo kính) cùng công nhân ngừng việc trong sân công ty trưa 3.1.2013. Ảnh: Phương Nam
Nghe ông Hiển hô to “Đuổi thằng L ra khỏi công ty”, ông Trần Đức Du, Giám đốc Công ty TNHH Cotraco Bình Thuận và ông Hòa xông vào phòng đuổi đánh ông L. Thấy laptop của một cán bộ C49 để trên bàn làm việc, ông Du dùng tay gạt rơi xuống đất rồi dùng chân đạp hư máy tính. Sau đó, ông L rời khỏi công ty.
Ngày 8.3.2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hiển và ông Hòa về tội chống người thi hành công vụ. Ngày 26.3, ông Du cũng bị bắt giam. Ngoài tội chống người thi hành công vụ, ông Du còn bị khởi tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Hai tháng sau, ông Du được tại ngoại và do ông bị tâm thần nên được đình chỉ điều tra.
Riêng ông Hiển và ông Hòa sau khi bị tạm giam bốn tháng đã được gia đình bảo lãnh tại ngoại. Gần một năm sau, ngày 24.2.2014, CQĐT đã có quyết định thay đổi tội danh của ông Hiển và ông Hòa sang tội gây rối trật tự công cộng. Sau đó hồ sơ vụ án này được trả đi trả lại nhiều lần mà không thể đưa ra xét xử. Cuối cùng VKSND huyện Hàm Thuận Nam ra quyết định đình chỉ bị can.
Được đình chỉ điều tra vẫn kêu oan
Theo VKSND huyện Hàm Thuận Nam, hành vi của ông Hiển và ông Hòa đã gây ra hậu quả làm cho ông L phải ra khỏi công ty, dẫn đến việc ông L và bộ phận văn phòng công ty không làm việc được với các cán bộ C49, không cung cấp được tài liệu liên quan đến buổi làm việc. Do đó, hành vi này đã trực tiếp cản trở hoạt động bình thường của Công ty CPKS Bình Thuận.
Trong quyết định đình chỉ điều tra, VKS cho rằng: “Ngày 3.1.2013, ông Hiển và ông Hòa đã có hành vi gây rối, cản trở hoạt động bình thường tại Công ty CPKS Bình Thuận. Tuy nhiên, ngày 10.5.2013, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn về việc dừng khai thác khoáng sản tại công ty này và từ đó đến nay công ty này không khai thác, không hoạt động. Do đó, hành vi cản trở hoạt động bình thường tại Công ty CPKS Bình Thuận của ông Hiển và ông Hòa không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” (theo khoản 1 Điều 25 BLHS).
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng ngày 3.1.2013, nghe tin có cán bộ của Bộ Công an đến làm việc, ông cùng công nhân tổ chức ngừng việc là để kiến nghị, thấy ông L tự ý phá cửa văn phòng nên anh em công nhân bức xúc đuổi ông L chứ không hề có ý đồ gây rối, bởi toàn bộ diễn biến sự việc đều diễn ra trong sân của công ty.
Theo ông Hiển, tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty lúc đó chưa có mặt nên cần đánh giá đúng tính pháp lý của buổi làm việc. Tổng giám đốc là người có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho các cơ quan chức năng theo điều lệ công ty. Từ đó mới có căn cứ để nhận định việc ngừng việc, rượt đuổi ông L có ảnh hưởng và trực tiếp cản trở hoạt động của Công ty CPKS hay không. “Ngoài ra, việc VKS cho rằng công ty ngưng hoạt động nên hành vi của chúng tôi không còn nguy hiểm nữa chỉ là cách để né xin lỗi, bồi thường oan. Bởi bản chất là chúng tôi không hề thực hiện hành vi phạm tội”.
Từ đó, ông Hiển và ông Hòa được đình chỉ điều tra vẫn kêu oan đến các cơ quan chức năng.
Điều tra hai năm nhưng chưa có kết luận
Liên quan đến việc tranh chấp mỏ titan Suối Nhum giữa ông L - Chủ tịch HĐQT và gia đình ông Phan Đình Hiển, ngày 14.3.2013, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành. Đến ngày 2.7.2013, UBND tỉnh có kết luận thanh tra số 159, trong đó giao thanh tra tỉnh chuyển kết luận thanh tra và hồ sơ, tài liệu có liên quan để Công an tỉnh Bình Thuận làm rõ.
Trong quá trình điều tra, xác minh làm rõ vụ việc, tháng 10.2013, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về kinh tế, thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về kinh tế - Bộ Công an có công văn yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận báo cáo kết quả bước đầu, đồng thời bàn giao hồ sơ vụ việc trên cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an (phía Nam) để cơ quan này điều tra, xử lý. Đến nay Bộ Công an chưa có kết luận chính thức. |
Phương Nam (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.