DN bảo hiểm: Lợi nhuận phân hóa, Bảo Việt tạo khác biệt với lỗ gộp hơn 2.400 tỷ

24/02/2021 14:52 GMT+7
Thống kê 12 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán đều cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này đều tăng trưởng dương trong năm 2020.

Lợi nhuận phân hóa, Bảo Việt lỗ gộp hơn 2.400 tỷ

Trong đó, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, lên tới 106% và mang về 233 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tiếp theo là Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) với 87 tỷ đồng tăng thêm, tương ứng với mức tăng lên tới 41%. Kết thúc năm 2020, BIC báo lãi sau thuế 298 tỷ đồng.

DN bảo hiểm: Lợi nhuận phân hóa, Bảo Việt tạo khác biệt với lỗ gộp hơn 2.400 tỷ - Ảnh 1.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương trên 20% như: Tập đoàn Bảo Việt (BVH) với mức tăng 28%; ACI - Bảo hiểm hàng không (25%); Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và bảo hiểm Bảo Long đều tăng trưởng 21%; Bảo hiểm Quân đội (MIG) tăng trưởng 37% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận tới 2 con số, thậm chí là 3 con số như trường hợp của Bảo hiểm Bưu điện, một số doanh nghiệp chỉ ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ.

Đơn cử như Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (HNX: PRE) tăng trưởng chỉ 4%, lợi nhuận cả năm đạt 146 tỷ đồng.

Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HOSE: PGI) tăng mạnh hơn với mức tăng 8%, mang về 175 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hay như trường hợp của Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), mức tăng 7%, đạt 193 tỷ đồng lợi nhuận.

DN bảo hiểm: Lợi nhuận phân hóa, Bảo Việt tạo khác biệt với lỗ gộp hơn 2.400 tỷ - Ảnh 2.

Tổng hợp báo cáo tài chính quý IV/2020 của các doanh nghiệp bảo hiểm (tỷ đồng)

Nếu so về giá trị tuyệt đối, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) là doanh nghiệp duy nhất hiện có mức doanh thu hợp nhất lên tới trên 34.000 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đứng vào TOP các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ năm 2020.

Tiếp đến là CTCP PVI với lãi sau thuế lên tới 830 tỷ đồng. Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (ACI) là doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế thấp nhất chỉ vỏn vẹn 10 tỷ trong năm 2020.

Tuy nhiên, trong số 12 doanh nghiệp được thống kê Tập đoàn Bảo Việt là trường hợp duy nhất có lợi nhuận gộp âm. Theo đó, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BVH năm 2020 âm tới hơn 2.400 tỷ, trong năm 2019 là dương 934 tỷ đồng.

Nguyên nhân là, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp tăng 8%, chiếm gần 36.885 tỷ đồng, chủ yếu là do tổng chi bồi thường bảo hiểm tăng 7% lên 29.742 tỷ đồng và chi phí khác 7.181 tỷ đồng (tăng 12%).

Bảo Việt ghi nhận khoản lãi ròng hơn 1.500 tỷ nhờ có sự bù đắp của hoạt động tài chính lãi hơn 7.736 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Trong đó, doanh thu tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi với 5.718 tỷ đồng, lãi đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu (2.494 tỷ đồng) và lãi đầu tư, kinh doanh chứng khoán (661 tỷ đồng).

Lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm còn "sáng" trong năm 2021?

Đánh giá về triển vọng năm 2021 của các doanh nghiệp bảo hiểm, các chuyên gia đến từ SSI Research cho rằng: tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc sẽ cao hơn vào năm 2021 đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, với dự báo tăng lần lượt 22% và 10-12% so với cùng kỳ.

DN bảo hiểm: Lợi nhuận phân hóa, Bảo Việt tạo khác biệt với lỗ gộp hơn 2.400 tỷ - Ảnh 4.

Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc dự kiến sẽ cao hơn vào năm 2021

Tuy nhiên, nhóm phân tích không kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ tương đương tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm do các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận trong năm 2020 như thị trường cổ phiếu sôi động và tỷ lệ bồi thường cải thiện có thể không lặp lại vào năm 2021.

Cũng theo SSI Research, một số rủi ro với các công ty bảo hiểm có thể gặp phải trong thời gian tới đó là môi trường lãi suất thấp kéo dài. Môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ.

Lãi suất bình quân năm 2021 ước tính thấp hơn mức trung bình năm 2020 từ 0,75 đến 0,85 điểm %. Do đó, tăng trưởng thu nhập tài chính sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc mở rộng tài sản quản lý (AUM).

Các chuyên gia của SSI Research tin rằng xu hướng chi phí tái bảo hiểm tăng sẽ tiếp tục trong trung hạn khi các công ty tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm. Hậu quả quan trọng của việc này là các công ty bảo hiểm có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời, ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ.

H.Anh
Cùng chuyên mục