Thứ năm, 25/04/2024

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị "trói chân" trong nhiều lĩnh vực

10/09/2021 7:00 PM (GMT+7)

Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm cấm các công ty bảo hiểm tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản; không được đi vay để đầu tư chứng khoán hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác; không được cho vay, đầu tư vào kim loại quý và quỹ thành viên theo quy định của Luật Chứng khoán…

Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi dự kiến sẽ 'trói chân' các DN bảo hiểm khi cấm các đơn vị này hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực đang "nóng" trên thị trường như chứng khoán, bất động sản, cho vay...

Doanh thu DN bảo hiểm có thể sụt giảm trong quý 3 vì Covid-19

Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt thời gian qua, theo dự báo của các công ty chứng khoán, có thể dẫn đến sự suy yếu trong các động lực tăng trưởng doanh thu bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ) trong quý 3.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), có nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng của các DN bảo hiểm có thể bị suy yếu, gồm: Nhiều DN ngừng hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn; thu nhập của người lao động giảm, dẫn đến việc cắt giảm các nhu cầu không thiết yếu bao gồm bảo hiểm; các chương trình đầu tư công của Chính phủ bị chậm lại…

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị "trói chân" ở nhiều lĩnh vực - Ảnh 1.

Thị phần các DN bảo hiểm đã thay đổi đáng kể trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 - Ảnh: Manulife

Không chỉ gặp khó khăn về doanh thu, các DN bảo hiểm hiện cũng đang vào "tầm ngắm" của Bộ Tài chính khi cơ quan này cho biết đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của các DN bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của các doanh nghiệp và người dân.

Dù vậy, số liệu từ Bộ Tài chính cũng cho thấy lĩnh vực bảo hiểm trong 8 tháng đầu năm cũng có những bước phát triển nhất định.

Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành ước đạt 133.040 tỷ đồng (tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.092 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 94.948 tỷ đồng. 

Về việc chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 8 tháng ước đạt 34.398 tỷ đồng (tăng 12,70% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 13.590 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 20.808 tỷ đồng.

Về quy mô tổng tài sản, toàn ngành ước đạt 643.588 tỷ đồng (tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 541.366 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị "trói chân" ở nhiều lĩnh vực - Ảnh 3.

Hội thảo về bảo hiểm của AIA hồi năm ngoái đã thu hút hàng trăm người quan tâm - Ảnh: Quốc Hải

Về quy mô thị phần, tính hết năm 2020, Manulife chiếm thị phần bảo hiểm nhân thọ lớn nhất thị trường (20%); kế đến là Bảo Việt Nhân Thọ (15%); Prudential (14%); Dai-i-chi (13%); AIA (11%); còn lại là các DN khác. Tuy nhiên, trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, thị phần của các DN bảo hiểm cũng có sự thay đổi đáng kể.

Theo đó, tính đến hết tháng 5/2021, Manulife vẫn chiếm thị phần bảo hiểm nhân thọ lớn nhất thị trường (23%); trong khi các DN khác có thị phần sụt giảm, chẳng hạn Bảo Việt Nhân Thọ (13%); Prudential (12%); AIA (8%); riêng Dai-i-chi vẫn giữ nguyên thị phần (13%); còn lại là các DN khác.

Nhiều áp lực về vốn, còn bị… "trói chân"

Hiện tại, mức vốn yêu cầu của các DN bảo hiểm được tính toán dựa trên dự phòng kỹ thuật hoặc số tiền bảo hiểm (đối với DN bảo hiểm nhân thọ) và doanh thu phí bảo hiểm (đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ) - cả hai đều không tính đến các mức độ và loại rủi ro khác nhau. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm mới đã có quy định về khả năng thanh toán và các biện pháp can thiệp khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm xuống một mức nhất định.

"Dự thảo không nêu rõ mô hình quản lý vốn nào sẽ được áp dụng, tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng đó là mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro (RBC) và chi tiết sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật tiếp theo, bởi RBC phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế", chuyên gia của SSI Research, nêu.

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị "trói chân" ở nhiều lĩnh vực - Ảnh 4.

Biên khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm niêm yết theo quy định hiện hành (Nghị định 73/2016)Nguồn: SSI Research

Cũng theo các chuyên gia này, nếu áp dụng RBC, mức vốn yêu cầu với DN bảo hiểm được tính trên cơ sở rủi ro sẽ lớn hơn gây áp lực cho DN. Trong khi đó, một số thay đổi về tổng vốn của doanh nghiệp cũng sẽ xảy ra đối với RBC. Ví dụ, định giá tài sản sẽ được tính theo giá trị thị trường, thay vì giá trị sổ sách. 

Công ty bảo hiểm đang ghi nhận bất động sản (trụ sở chính, hệ thống chi nhánh...) theo giá trị sổ sách. Trong khi đó, giá trị thị trường của những tài sản này có thể đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua.

"Với những thay đổi về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 – 2027). 

Do đó, điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành", chuyên gia SSI Research, bình luận.

Ngoài ra, theo dự thảo luật mới, các DN bảo hiểm còn bị 'trói chân' ở nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Cụ thể, dự thảo này cấm các DN bảo hiểm tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản, ngoại trừ việc bất động sản được sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc của công ty bảo hiểm; không được đi vay để đầu tư chứng khoán hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác; không được cho vay; không được đầu tư vào kim loại quý và quỹ thành viên theo quy định của Luật Chứng khoán; không được đầu tư vào các sản phẩm phái sinh trừ các sản phẩm phái sinh được niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm…


Các DN bảo hiểm sẽ phải minh bạch báo cáo tài chính

Theo dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi, các DN bảo hiểm phải công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm đã được kiểm toán, cũng như các báo cáo về khả năng thanh toán và quản trị rủi ro DN trên trang điện tử của công ty và trang thông tin của Bộ Tài chính.

Báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm đều phải được kiểm toán.

Hiện tại, chỉ có một số công ty bảo hiểm công bố biên khả năng thanh toán trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán...


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Hãng sữa hàng đầu Việt Nam đang trong chu kỳ tăng trưởng mới

Hãng sữa hàng đầu Việt Nam đang trong chu kỳ tăng trưởng mới

Bà Mai Kiều Liên khẳng định: "Vinamilk đang trong thời điểm lý tưởng để thay đổi và tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới, vượt qua các thách thức trước mắt và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng một cách hiệu quả nhất".

Doanh số 5 ông lớn thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, ngành làm đẹp hốt bạc

Doanh số 5 ông lớn thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, ngành làm đẹp hốt bạc

Doanh thu bán lẻ trên 5 sàn Thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với Q1/ 2023, chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream.

Bán lẻ hiện đại TP.HCM tiếp tục "quyến rũ"

Bán lẻ hiện đại TP.HCM tiếp tục "quyến rũ"

TP.HCM, đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, vẫn là thỏi nam châm cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ. Các kênh hiện đại như chuỗi bán lẻ và trung tâm mua sắm ghi nhận nhiều địa chỉ mới.

Những con số từ Singapore làm ấm lòng giới xuất khẩu gạo Việt Nam

Những con số từ Singapore làm ấm lòng giới xuất khẩu gạo Việt Nam

Việt Nam lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm 32.03% thị phần trong quý 1 năm nay, vượt qua kim ngạch của gạo Ấn Độ và Thái Lan.

Walmart và loạt đại gia bán lẻ ở Mexico, Venezuela đến Việt Nam săn hàng Việt

Walmart và loạt đại gia bán lẻ ở Mexico, Venezuela đến Việt Nam săn hàng Việt

Một loạt nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Mỹ la tinh cho biết sẽ đến Việt Nam tìm nhà cung cấp thuộc nhiều ngành hàng như thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng…

Thêm nhiều vé máy bay giá mềm dịp cao điểm 30-4

Thêm nhiều vé máy bay giá mềm dịp cao điểm 30-4

Chỉ còn 1 tuần nữa đến kỳ nghỉ 5 ngày từ 27-4 đến 1-5, giá vé máy bay từ Hà Nội/TP HCM tới các điểm du lịch nhiều chặng bay gần cạn vé, song có một số đường bay đã được bổ sung nhiều chuyến bay đêm, tăng cung nhiều vé giá mềm