Doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội tăng tốc sau dịch vì... "đói" vốn

Quốc Hải Thứ ba, ngày 16/08/2022 12:49 PM (GMT+7)
Khó khăn tiếp cập vốn vay vì phải chờ “room”, nhiều doanh nghiệp hụt vốn nên phải co cụm lại hoặc bỏ lỡ nhiều cơ hội phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19
Bình luận 0

Doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay

7 tháng đầu năm, thương hiệu cà phê nông sản Meet More xuất khẩu khá tốt, tăng trưởng khoảng 20% về số lượng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Nhà sáng lập và điều hành Meet More Coffee, cho hay, hiện nay việc vay vốn để phát triển cực kỳ khó khăn, doanh nghiệp rất khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay.

"Các ngân hàng hiện đưa ra các gói lãi suất rất cao, lên tới 9%-10%, nên rất khó cho các doanh nghiệp trong thời điểm này. Bởi hiện tại, nếu xuất khẩu tốt thì không thể tăng giá với khách hàng mà vẫn phải giữ mức giá cũ, có ổn định như vậy thì khách hàng mới tin tưởng làm.

Quá trình này bắt buộc doanh nghiệp phải giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí tối ưu nhất, nhưng lãi suất hiện lại đang rục rịch tăng, rất khó", ông Luận nói.

Doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội tăng tốc sau dịch vì... "đói" vốn - Ảnh 1.

Phân loại và đóng gói trứng tại Công ty Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: DNCC

Theo ông Luận, dù giá xăng dầu đã 5 lần giảm liên tiếp nhưng chưa tác động gì đến giá nguyên vật liệu. Hiện giá nguyên vật liệu vẫn neo cao và thế khó của doanh nghiệp là vẫn không thể nâng giá hàng hóa.

"Doanh nghiệp chúng tôi tăng trưởng 20% là về số lượng, còn lợi nhuận hầu như không có. Bởi nếu tăng giá thì sẽ mất đối tác về tay các nước khác, vì thế chúng tôi phải giữ nguyên giá bán để duy trì chuỗi cung ứng", ông Luận chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Luận, cho đến thời điểm này những khó khăn này không thể gỡ. Bởi, hiện tại các doanh nghiệp sản xuất đều phải chịu giá nguyên liệu từ vài tháng trước, còn kỳ vọng về giá nguyên liệu giảm khi xăng dầu giảm giá thì có độ trễ nên phải vài tháng nữa mới có kết quả.

"Không phải giá xăng dầu giảm thì giá nguyên vật liệu giảm ngay được. Vì vậy, kỳ vọng doanh nghiệp sẽ phục hồi mạnh thì phải qua đến đầu quý 1/2023 khi các yếu tố này chính thức có tác động", ông Luận nói.

Doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội tăng tốc sau dịch vì... "đói" vốn - Ảnh 2.

C6ng nhân đóng gói trứng tại Công ty Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: DNCC

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cũng cho hay công ty rất hiếm khi phải sử dụng vốn vay, tuy nhiên hiện cũng phải làm hồ sơ vay vốn từ ngân hàng để bổ sung vốn lưu động do gần đây nhiều đối tác đã kéo dài thời gian thanh toán. Nguyên nhân liên quan đến việc ngân hàng chậm giải ngân dù hạn mức vay đã được ký hợp đồng từ đầu năm.

"Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho DN nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến - chế tạo, chuỗi liên kết…

Ngoài ra, có thể kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023…", 

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Ví dụ, khi bán nguyên liệu sản xuất bánh trung thu thì sau mùa trung thu, khách hàng mới thanh toán. Trong khi công nợ từ các đối tác thu hồi quá chậm khiến dòng tiền bị thiếu hụt nên chúng tôi phải đi vay. Bởi, phía công ty phải bao tiêu cho người nông dân, trại chăn nuôi nên phải luôn có dòng tiền để duy trì hoạt động", ông Thiện thông tin và cho biết, hiện tại với một số đối tác thanh toán quá chậm, buộc doanh nghiệp ngưng cung cấp thêm hàng.

"Cứ đà này kéo dài thì không chỉ 1 - 2 doanh nghiệp khó mà tác động dây chuyền", ông Thiện chia sẻ thêm.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho hay, từ tháng 5 đến hết tháng 11 là vào mùa cao điểm của ngành nông sản nên doanh nghiệp thường cần nguồn vốn lớn để thu mua nông sản, tích trữ hàng hóa và sản xuất bán thành phẩm, nhưng dòng vốn hiện nay thì rất khó.

"Nhà nước cần có quy chế cụ thể, ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất như ngành nông nghiệp, nông sản tiếp cận tín dụng dễ hơn, nhất là khi vào mùa vụ chính", bà Vy chia sẻ.

Doanh nghiệp lo bỏ lỡ cơ hội phục hồi

Ông T.Đ (Q.10), có nhu cầu vay vốn để lấy hàng xuất khẩu sang Australia, song dù là khách quen của hàng loạt ngân hàng như ACB, MBB,… điều ông nhận được khi đến các ngân hàng chỉ là những cái lắc đầu vì… hết room.

"Hơn tháng nay tôi chờ mà không vay được. Các bạn nhân viên có giải thích là do hết hạn mức nên hẹn lại mình khi khác", ông T.Đ nói.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Dony, cho biết, hơn tháng nay, doanh nghiệp của ông vẫn chưa tiếp cận được với vốn nay lãi suất hỗ trợ vì phía ngân hàng còn đợi các hướng dẫn.

Doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội tăng tốc sau dịch vì... "đói" vốn - Ảnh 4.

Công nhân đang kiểm tra sản phẩm tại Công ty Dony. Ảnh: Quốc Hải

"Điệp khúc lập lại là khi nào có những thông tin hướng dẫn cụ thể sẽ liên hệ lại với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đơn hàng của chúng tôi đang rất tốt, nếu không sớm tiếp cận được các nguồn vốn vay thì sẽ bỏ lỡ cơ hội phục hồi và phát triển sau dịch", ông Quang Anh nói.

Có thể thấy, đa số doanh nghiệp sản xuất hiện nay, khi được hỏi sao không tiếp cận được vốn vay, đều trả lời ngân hàng nói… hết room tín dụng.

Trên thực tế, lý do cạn room để ngân hàng từ chối cho khách hàng vay đã diễn ra ngay từ thời điểm cuối quý I, đầu quý II. Trong khi đó, theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2022, tín dụng đã tăng 9,4% so với cuối năm 2021, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khi cả năm 2022, room tín dụng vẫn được cơ quan điều hành kiên định ở mức 14% do Ngân hàng Nhà nước vẫn đang khá thận trọng với vấn đề lạm phát và vẫn chưa có những tín hiệu nới room.

Báo cáo mới đây của SSI Research nhận định, NHNN vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay và cơ quan này cho rằng việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng và mức độ sẽ không quá cao.

"Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15-16%, và mức tăng trưởng này là tăng trưởng danh nghĩa, tuy có thể cao hơn trung bình các năm trước, nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát ở mức cao (nên mức vay vốn lưu động của các DN thường sẽ tăng cao)", chuyên gia SSI Research, nhận định.

Liên quan đến việc nới room tín dụng để tạo cơ chế cho các ngân hàng "đẩy" vốn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM, chia sẻ, hiện các ngân hàng thương mại cũng đều đang hướng đến chuẩn basel II theo thông lệ quốc tế. Vì thế, việc kiểm soát bằng trần tín dụng đang cào bằng và giới hạn sự phát triển của các ngân hàng có chất lượng tài sản và tín dụng tốt.

"Để thức đẩy thị trường tài chính phát triển một cách bền vững, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước nên là người chủ động dẫn dắt và định hướng cho thị trường thông qua các chính sách cụ thể thay vì dùng các biện pháp hành chính theo cơ chế "xin - cho", vị này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem