Doanh nghiệp cần xử lý ra sao khi bị người khác xâm phạm thông tin, hình ảnh?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 04/02/2023 18:12 PM (GMT+7)
Luật sư đã phân tích về vấn đề doanh nghiệp bị người khác xâm phạm thông tin, hình ảnh.
Bình luận 0

Bạn đọc đặt câu hỏi, thông tin, hình ảnh và sản phẩm của công ty bị một Youtuber mang ra làm ví dụ minh họa cho thí nghiệm để phân biệt hàng thật và hàng giả và trong clip Youtuber kết luận là "hàng giả" mặc dù sản phẩm của công ty có đầy đủ giấy tờ kiểm định theo quy định pháp luật.

Doanh nghiệp cần xử lý ra sao khi bị người khác xâm phạm thông tin, hình ảnh? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Đoàn luật sư TP Hà Nội. Ảnh: NVCC

Sự việc này gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vậy, trong trường hợp này, doanh nghiệp nên làm gì để bảo vệ quyền lợi và cá nhân đưa thông tin sai sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào theo quy định pháp luật?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thông tin, hình ảnh và uy tín của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ một cách tuyệt đối.

Theo đó, nếu người nào sử dụng thông tin, hình ảnh của cá nhân, của tổ chức mà không được sự cho phép của chủ thể đó, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng thông tin và hình ảnh không được sự đồng ý của chủ thể.

Đặc biệt, nếu sử dụng thông tin và hình ảnh để xuyên tạc sai sự thật, đưa thông tin nhằm xúc phạm danh sự nhân phẩm của cá nhân, sử dụng thông tin và hình ảnh để xuyên tạc sai sự thật xâm phạm uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người đó có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phân tích cụ thể hơn, luật sư Đồng cho biết, trường hợp lấy thông tin và hình ảnh của tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích riêng, nhưng không xuyên tạc sai sự thật, không gây hiểu nhầm, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền là 10-20 triệu đồng.

Còn trường hợp lấy thông tin để xuyên tạc sai sự thật, vu khống, gây hiểu nhầm, xúc phạm uy tín của tổ chức…người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi này cũng từ 10-20 triệu đồng.

Nghiêm trọng hơn, nếu hành vi lấy thông tin và hình ảnh của tổ chức, cá nhân để xuyên tạc sai sự thật, vu khống, gây hiểu nhầm, xúc phạm uy tín của tổ chức… đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ngoài các chế tài nêu trêu, theo vị luật sư, người vi phạm còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tổ chức.

Cụ thể, bồi thường thiệt hại do uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp uy tín của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được, mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem