Doanh nghiệp chây ỳ, kiểm tra thuế và hải quan gặp khó

12/10/2020 06:35 GMT+7
Những năm qua, mối quan hệ giữa ngành Thuế, Hải quan với cộng đồng doanh nghiệp đã được cải thiện tích cực. Song, thực tế trong quá trình thanh kiểm tra, cơ quan thực thi pháp luật về Thuế và Hải quan gặp không ít áp lực khi các doanh nghiệp tìm cách trì hoãn, thậm chí khiếu nại dai dẳng.

Ngành Thuế và Hải quan vốn được cho là những ngành dễ phát sinh tiêu cực nhất do tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp (DN), tiền bạc. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, trong đó có cả xuất phát từ phía DN.

Theo ông Trần Minh Trung, Cục phó Cục Kiểm tra sau thông quan, thuộc Tổng cục Hải quan, trong quá trình kiểm tra sau thông quan, hầu hết các DN có tinh thần hợp tác tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN bất hợp tác, thể hiện qua việc khi họ nhận được quyết định kiểm tra, thường có công văn trình bày mất dữ liệu, thay đổi cán bộ phụ trách kế toán, cán bộ xuất nhập khẩu (XNK). Hoặc DN lấy lý do lãnh đạo đi công tác, không có mặt tại Việt Nam, chưa kịp chuẩn bị hồ sơ dữ liệu…để trì hoãn, lùi thời gian bị kiểm tra.

Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình kiểm tra, một số DN không cung cấp hồ sơ, tài liệu.“Khi kiểm tra, bị phát hiện sai sót, DN không ký biên bản hoặc cố tình kéo dài thời gian để nghiên cứu đối phó, nghĩ cách giải trình.Đến khi bị Hải quan ấn định thuế, DN không nộp thuế.Thậm chí, có DN tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể sau khi bị kiểm tra, ấn định thuế”, ông Trung nói.

Oái oăm hơn, theo ông Trung, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài không hiểu tiếng Việt, không nắm rõ quy định pháp luật Việt Nam và luôn so sánh pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại của họ.

“Khi sai phạm, một số DN FDI thường đổ lỗi cho đơn vị dịch vụ khai báo hải quan, không nhận trách nhiệm về mình. Trong khi người đại diện pháp luật vì sợ trách nhiệm, sợ mất chức mà cố tình không hiểu pháp luật Việt Nam dù cơ quan hải quan đã giải thích, phân tích rõ ràng. Họ đổ hết lỗi do yếu tố khách quan, không ký biên bản kiểm tra, không chấp hành kết luận của nhà chức trách”, ông Trung cho biết thêm.

Theo lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan, cán bộ thực thi cũng gặp không ít áp lực, bởi trong quá trình làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, họ thường dựa vào các mối quan hệ từ trung ương để trì hoãn việc.

Quý IV, mỗi tháng ngành Thuế phải thu nợ 4.500 tỷ đồng

Năm 2020, Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu thu thuế nợ đọng cho các đơn vị tối thiểu đạt 33.800 tỷ đồng, phấn đấu đạt 40.000 tỷ đồng. Theo thống kê 9 tháng, Thuế thu toàn ngành được 20.292 tỷ đồng, đạt 60% chỉ tiêu thu nợ được giao, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ được 14.004 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ được 6.288 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết, trong 3 tháng cuối năm, các cục thuế phải thu nợ đạt tối thiểu 13.508 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 4.500 tỷ đồng.

Tuấn Nguyễn/Tiền Phong
Cùng chuyên mục