Doanh nghiệp chủ lô nhôm 4,3 tỷ USD đội lốt hàng Việt do người Trung Quốc đầu tư

07/11/2019 09:19 GMT+7
Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 7/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, lô nhôm 4,3 tỷ USD đội lốt Việt đi Mỹ do người Trung Quốc đầu tư từ năm 2016.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) nêu về lô nhôm 4,3 tỷ USD trong kho ngoại quan của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết qua thông tin phản ánh quốc tế, đã nắm được sự việc từ cuối năm 2016.

Doanh nghiệp do người Trung Quốc đầu tư tại Vũng Tàu đã nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan, khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu. Đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này sang Mỹ và các thị trường khác chưa có gì đột biến.

Doanh nghiệp chủ lô nhôm 4,3 tỷ USD đội lốt hàng Việt do người Trung Quốc đầu tư - Ảnh 1.

Kho nhôm 4,3 tỷ USD

Sau khi doanh nghiệp có những biến động bất thường, Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Do đó, xuất khẩu nhôm nguồn gốc Trung Quốc không đáng kể và không gây ra những vướng mắc đến vấn đề trong quan hệ thương mại quốc tế với Mỹ.

Về việc liệu doanh nghiệp có lợi dụng chuyển lô nhôm thành hàng hóa tiêu thụ trong nước hay không, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt những hoạt động tại khu kho ngoại quan, đồng thời thực hiện áp thuế nhập khẩu đối với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước.

Vụ Khải Silk, Ansazo là điển hình gian lận thương mại

Về vấn đề chống gian lận xuất xứ của hàng hoá mà đại biểu Nguyễn Tiến Sinh hỏi, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn nhiều quy định của pháp luật về vấn đề này hiện có. Ông nói đây là các văn bản liên quan đến điều chỉnh thương mại trong nước và quốc tế.

Đối với Luật Quản lý ngoại thương và Luật cạnh tranh, Bộ trưởng Công Thương cho biết nhằm thực thi chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương đã ban hành Nghị định 31 hướng dẫn thực hiện Luật Ngoại thương, hướng dẫn các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến với doanh nghiệp về hành vi gian lận thương mại, chủ động hơn nữa trong bối cảnh nguy cơ gian lận hàng hoá tăng cao.

Cùng với đó, Thủ tướng đã ký văn bản nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với tất cả các khâu xuất, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài để chống gian lận thương mại. Bộ trưởng Công thương cũng nhắc đến Nghị định 43 quy định nội dung điều chỉnh chứng nhận nhãn mác và xuất xứ hàng hoá với sản phẩm lưu thông trong nước, giao trách nhiệm cho doanh nghiệp và đơn vị sản xuất tự kê khai nguồn gốc xuất xứ.

"Từ đây, trong một thời gian dài đã bước đầu có những hành vi gian lận thương mại và xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, điển hình như Khải Silk, Asanzo", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ông cho biết Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng pháp quy về ghi chứng nhận xuất xứ với hàng hoá Việt Nam sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây là việc khó nên Bộ xin ý kiến các bộ ngành xây dựng một thông tư mở.Sau gần 1 năm xây dựng, cơ quan này đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá sản xuất, lưu thông trong nước, hiện đang lấy ý kiến phản biện của nhân dân và các tổ chức.

Ông Tuấn Anh cho hay qua 2 vòng lấy ý kiến, các đóng góp rất đa dạng. Nhưng cũng có một số quan điểm cho rằng phạm vi điều chỉnh cần cụ thể hơn để tránh ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta, tránh việc các tổ chức nước ngoài căn cứ vào cái này siết chặt hơn nữa trong chứng nhận ưu đãi của hàng Việt Nam xuất đi nước ngoài.

Ong Lý
Cùng chuyên mục