Doanh nghiệp mời đại biểu Quốc hội đi nước ngoài để "lobby"?

Phương Linh Thứ ba, ngày 11/06/2019 12:55 PM (GMT+7)
Sau khi có nhiều thông tin khác nhau về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, chiều 10/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội Bùi Sỹ Lợi đã bất ngờ xuống Trung tâm Báo chí của Quốc hội trao đổi với phóng viên.
Bình luận 0

Câu hỏi đặt ra với hai ông là sau khi đề xuất liên quan tới cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn không được thông qua, hiện tại, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã tiếp thu những gì?

Trả lời, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, một trong những điểm được Thủ tướng Chính phủ đề nghị là lấy lại quy định có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Theo ông, giải pháp này là tích cực và hiện cơ quan soạn thảo đang tiếp thu và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Riêng với nội dung tăng thuế trên, ông giải thích, ban đầu, dự thảo của Chính phủ có quy định lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Tuy nhiên, sau đó, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, nội dung này đã được ghi trong luật thuế. Bởi vậy, cơ quan này đề nghị rút quy định trên. 

Thế nhưng, theo ông, nhiều ý kiến đề nghị vẫn quy định lộ trình nhằm thể hiện quyết tâm của Nhà nước. "Chúng tôi thấy điều này là đúng nên đề nghị với các đơn vị lấy lại điều này," ông Lợi nói.

img

Có ý kiến tỏ ra nghi ngờ có lợi ích nhóm chi phối Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ngoài ra, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã làm việc với Chính phủ về vấn đề chế tài. Theo ông, Chính phủ cho biết đang tính toán sửa Luật Giao thông đường bộ, Luật đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa để có mức xử lý cứng rắn hơn.

Một vấn đề nóng được đặt ra là dư luận nghi ngờ có lợi ích nhóm chi phối dự án luật này. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, đại biểu Quốc hội được doanh nghiệp rượu, bia mời đi nước ngoài và sau đó phát biểu ủng hộ doanh nghiệp. Vậy, Quốc hội có quy định nào phòng ngừa nhóm lợi ích dùng cách như trên để tác động tới quá trình xây dựng luật?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Bùi Sỹ Lợi thừa nhận: Rất nhiều cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài mời tôi chủ trì hội thảo. Tuy nhiên, ông khẳng định: Tôi chưa dự cuộc nào hết.

Theo ông, thực tế Bộ Y tế có mời một số đại biểu đi nhưng với tư cách nghiên cứu chính sách các nước.

"Còn đại biểu Quốc hội đi theo tư cách doanh nghiệp mời, không phải nghiên cứu chính sách là không đúng tinh thần và Quốc hội không cho phép," ông Lợi nói.

Trả lời thêm, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc lên tiếng: Làm sao mà lobby được gần 500 đại biểu Quốc hội. Nếu có như phóng viên nói thì cũng chỉ mời một vài người đi khảo sát thôi, chứ làm sao có thể lobby được tất cả đại biểu.

Trước đó, nội dung xin ý kiến Quốc hội là quy định ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Có 2 phương án được đưa ra.

Ý kiến thứ 1 đề xuất cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn, tức là không có ngưỡng nồng độ cồn, cứ uống rượu bia khi tham gia giao thông là vi phạm luật. 

Ý kiến thứ 2 là giữ nguyên như hiện nay, tức là có quy định ngưỡng. Cụ thể, cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật. 

Quốc hội sau đó đã biểu quyết và không phương án nào có hơn 50% ý kiến tán thành./.

Cấm bán rượu, bia sau 22 giờ: Quán ở phố Bùi Viện lo phá sản

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận ở tổ và hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem