Doanh nghiệp ngành tôm chưa cần ứng cứu về vốn!

Thứ sáu, ngày 08/06/2012 10:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, mặc dù có nhiều doanh nghiệp ngành tôm đang gặp khó khăn, nhưng chưa đến mức cần cứu trợ vốn như ngành cá tra.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên NTNN về tình trạng tôm chết, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đã xác định được tình trạng tôm chết hàng loạt là do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng các loại hóa chất như Cypermathrin (dùng để diệt giáp xác trong ao nuôi) nên chúng tôi đã có lệnh cấm dùng chất này trong nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho các tỉnh tạm dừng thả nuôi để cải tạo lại ao đầm, cung cấp hóa chất Cholorine để dập dịch...”.

img
Ông Phạm Anh Tuấn

Đến nay, các nhà khoa học và cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính làm tôm chết, trong khi nhiều tỉnh đã bắt đầu cho dân thả tôm giống nuôi vụ hai. Nếu tôm tiếp tục chết thì ai chịu trách nhiệm?

- Tôm chết nhiều khiến cho thị trường thiếu trầm trọng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu nên nhu cầu thả giống nuôi vụ mới trong dân và doanh nghiệp thực tế là có. Chúng tôi chỉ cố gắng cho thả trong những vùng chắc chắn đã hết dịch bệnh, trong tầm kiểm soát của các cơ quan thú y, khuyến nông, Chi cục Thủy sản...

Ngoài ra, các tỉnh cũng đang thống kê mức thiệt hại để hỗ trợ con giống cho các hộ nuôi bị dịch bệnh tôm chết trong thời gian qua theo Quyết định 142/2009 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ này rất thấp, theo các tỉnh là chỉ được khoảng 3 - 5 triệu đồng/ha, chỉ bằng 1/10 nhu cầu thực tế, không thể giúp người nuôi khôi phục lại sản xuất?

- Chúng tôi biết như vậy nên Bộ NNPTNT đang có đề xuất Chính phủ tăng mức hỗ trợ này lên gấp 2 - 3 lần. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nghiên cứu cơ chế bảo hiểm nông nghiệp cho người nuôi tôm. Hiện Cục Thú y đang nhanh chóng hoàn thành định nghĩa và tiêu chí xác định bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm để làm cơ sở hỗ trợ người nuôi tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Ngoài hình thức nuôi tôm công nghiệp, cũng sẽ mở rộng loại hình được bảo hiểm thêm cho nuôi tôm quảng canh, là loại hình mà người nghèo, người ít vốn tham gia nhiều.

Nhiều doanh nghiệp ngành tôm đã ngừng hoặc giảm hoạt động trong quý I. Tổng cục có những đề xuất gì để cứu trợ ngành tôm như đã đề xuất với cá tra?

- “Bệnh” của 2 ngành tôm và cá tra hoàn toàn khác nhau. Vấn đề của cá tra là thiếu vốn và thị trường, còn vấn đề của tôm là dịch bệnh. Nhanh chóng xác định nguyên nhân gây dịch, giúp các địa phương triển khai giải pháp khắc phục, ổn định sản xuất là ưu tiên hàng đầu để cứu ngành tôm hiện nay. Còn về vốn, mặc dù tôi biết có nhiều doanh nghiệp ngành tôm đang gặp khó khăn, nhưng theo tôi chưa đến mức cần cứu trợ như ngành cá tra.

Xin cảm ơn ông!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem