Doanh nghiệp tại Hòa Bình liều lĩnh làm hàng chục nghìn chai rượu vi phạm nhãn hiệu “JINRO” và “HITEJINRO”

18/02/2022 10:00 GMT+7
Hiện, Công ty cổ phần Việt Pháp Victory đã nộp tiền phạt vi phạm hành chính vào Kho bạc nhà nước theo đúng thời gian quy định và đang tiếp tục thực hiện biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.

Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình về việc đôn đốc thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mới đây Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với Công an huyện Lương Sơn giám sát Công ty cổ phần Việt Pháp Victory thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 33.240 chai rượu vi phạm nhãn hiệu “JINRO” và nhãn hiệu “HITEJINRO”.

Đây là kết quả của việc trao đổi thông tin phối hợp trong công tác kiểm tra kiểm soát thị trường giữa Cục Nghiệp vụ thuộc Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình.

Doanh nghiệp Hòa Bình liều lĩnh làm hàng chục nghìn chai rượu vi phạm nhãn hiệu “JINRO” và “HITEJINRO” - Ảnh 1.

Nguồn: Phòng NV-TH Cục QLTT Hòa Bình

Doanh nghiệp Hòa Bình liều lĩnh làm hàng chục nghìn chai rượu vi phạm nhãn hiệu “JINRO” và “HITEJINRO” - Ảnh 2.

Nguồn: Phòng NV-TH Cục QLTT Hòa Bình

Trước đó, ngày 21/12/2021 sau khi nhận được thông tin phối hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra đối với Công ty cổ phần Việt Pháp Victory. 

Kết quả kiểm tra đã phát hiện tại cơ sở sản xuất của Công ty có 33.240 chai rượu dung tích 360ml trên thân chai mang nhãn hiệu “JINRO” & “HITEJINRO” tổng giá trị hàng hóa vi phạm được xác định là 266.325.600 đồng. 

Đội Quản lý thị trường số 1 đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Cục Quản lý thị trường trình Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 228.000.000 đồng đối với hành vi “gia công hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu”.

Hiện, Công ty cổ phần Việt Pháp Victory đã nộp tiền phạt vi phạm hành chính vào Kho bạc nhà nước theo đúng thời gian quy định và đang tiếp tục thực hiện biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.

Một số hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi năm 2009) như sau:

“Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý

1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

2. Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

3. Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;

c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;

d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy”.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục