Doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô IPO trên sàn Mỹ

28/04/2021 11:25 GMT+7
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ xô niêm yết trên thị trường IPO sôi động ở Mỹ trước khi làn sóng này lắng dần.

Công ty tư vấn EY chỉ ra rằng quý I vừa qua là quý có lượng thương vụ IPO lớn nhất trên sàn chứng khoán Mỹ kể từ năm 2000.

Bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch và căng thẳng địa chính trị Mỹ Trung, khoảng một nửa trong số 36 doanh nghiệp nước ngoài IPO tại Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2021 có trụ sở tại Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng đang có kế hoạch niêm yết tương tự.

Vera Yang, trưởng đại diện khu vực Trung Quốc tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York cho biết khoảng 60 công ty Trung Quốc có kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ trong năm nay.

Theo Renaissance Capital, dòng vốn đầu tư đã đổ vào thị trường đều đặn kể từ thời điểm sau làn sóng dịch bệnh đầu tiên, giúp 30 công ty trụ sở Trung Quốc huy động được lượng vốn nhiều nhất trong số các đợt IPO tại Mỹ kể từ năm 2014 đến nay.

Chỉ số S&P 500 đã tăng lên mức kỷ lục mới trong năm nay khi Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới.

Doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô IPO trên sàn Mỹ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô IPO trên sàn Mỹ

Đối với các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc, các nhà đầu tư vẫn đang tìm cách kiếm tiền từ sự bùng nổ của các doanh nghiệp này. Họ cũng xem xét dự luật từng được phê duyệt dưới thời Tổng thống Trump rằng sẽ buộc các sàn giao dịch Mỹ hủy niêm yết các công ty nước ngoài không tuân thủ quy định kiểm toán của Mỹ trong 3 năm liên tiếp. Dự luật được cho là nhắm trực tiếp đến các công ty Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Blueshirt Gary Dvorchak - người khuyến nghị các công ty Trung Quốc quan tâm đến việc niêm yết tại Mỹ - cho biết những lo ngại về việc hủy niêm yết đã lắng xuống kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1 qua. 

“Có một làn sóng thủy triều” - ông Gary nói về xu hướng công ty Trung Quốc IPO trên sàn chứng khoán Mỹ. “Điện thoại của chúng tôi đang đổ chuông liên tục. Chúng tôi đang cố gắng thuê thêm người. Chúng tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này kể từ khi bong bóng Nasdaq xảy ra vào năm 1999, ”ông nói. “Nó làm tôi lo lắng.”

Vào cuối những năm 1990, một làn sóng đầu cơ vào các công ty công nghệ mới, từ Pets.com đến Cisco. Đến năm 2000, bong bóng vỡ trên thị trường chứng khoán Mỹ, sự kiện mà sau này còn được nhắc tới với tên gọi “bong bóng dotcom”.

Năm nay, sự thận trọng của nhà đầu tư về các dự án kinh doanh khả thi khiến vốn chỉ đổ vào một vài công ty nhất định, thay vì dàn trải như thời kỳ bong bóng dotcom. Xu hướng này đang diễn ra ở Trung Quốc, quê hương của các kỳ lân công nghệ, tức các công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên.

Ông Hongye Wang từ công ty đầu tư mạo hiểm Antler chỉ ra rằng ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các cổ phiếu kỳ lân công nghệ. “Rất nhiều công ty không thể huy động được nhiều tiền hoặc bị định giá giảm. Nhưng nếu bạn nhìn vào các kỳ lân, đặc biệt là các kỳ lân trước khi IPO, định giá thị trường của chúng vẫn rất điên rồ” -  nói.

Một dấu hiệu khác cho thấy một số cổ phiếu đang được định giá quá cao: nhiều cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ và Hồng Kông đã lao dốc sau khi chào bán lần đầu ra công chúng trong năm nay.

Ví dụ, vào tháng 2, giá cổ phiếu ứng dụng video ngắn Kuaishou của Trung Quốc đã tăng 160% lên 300 USD/cp trong đợt IPO gây chú ý. Nhưng sau đó, cổ phiếu này đã phải vật lộn để duy trì mức giá đó. Trong phiên giao dịch 27/4, nó đóng cửa ở mức 274 USD/cp.

Ông Ringo Choi, lãnh đạo IPO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại EY nhận định: “Xu hướng định giá sau IPO không tốt như năm ngoái”. Ông dự báo đà IPO sẽ chậm lại từ quý III năm nay, đặc biệt nếu trong môi trường kinh tế vĩ mô diễn biến theo chiều hướng xấu đi.


NTTD
Cùng chuyên mục