Doanh nhân Nga bỏ tàu hàng chứa 2.750 tấn chất gây nổ dẫn đến thảm kịch tồi tệ ở Liban

Đăng Nguyễn - New York Post Thứ năm, ngày 06/08/2020 13:25 PM (GMT+7)
Vụ nổ khủng khiếp xảy ra hôm 4.8 được cho là do 2.750 tấn amoni nitrat (NH4NO3) mà thủy thủ đoàn tàu hàng treo cờ Moldova đem đến Beirut, Liban.
Bình luận 0

img

Igor Grechushkin được xác định là người sở hữu tàu hàng chở 2.750 tấn amoni nitrat.

Theo New York Post, tàu chở hàng MV Rhosus, thuộc sở hữu của doanh nhân Nga Igor Grechushkin, khởi hành từ Geogria đến Mozambique, chở theo 2.750 tấn amoni nitrat mà các thủy thủ đoàn gọi là “quả bom nổi”.

Năm 2013, con tàu này bất ngờ dừng lại ở Beirut. Tàu bị bỏ lại từ đó, dường như do doanh nhân Grechushkin bị phá sản. Một năm sau, nhà chức trách Liban đem số hàng trên cất vào kho ở bến cảng và chúng vẫn nằm lại đó cho đến khi xảy ra vụ nổ khủng khiếp ngày 4.8.

Theo nguồn tin của tờ New York Post, Grechushkin hiện đang sống ở đảo Síp cùng vợ Irina và một con trai 20 tuổi. Cậu con trai tên Artyom hiện đang học ngành khoa học máy tính tại Đại học Glasgow ở Scotland.

Grechushkin là công dân Nga sinh ra ở vùng Khabarovsk. Gia đình Grechushkin hiện không lên tiếng bình luận về vụ nổ ở Beirut hôm 4.8.

Theo lời kể của chuyên gia hải dương học Mikhail Voitenko, thủy thủ đoàn trên tàu MV Rhosus chủ yếu là người Nga và Ukraine.

Hiện chưa rõ vì sao con tàu chở 2.750 tấn amoni nitrat và vì sao tàu lại dừng ở Beirut. Nhưng có thông tin cho rằng tàu phải dừng lại vì trục trặc kỹ thuật.

img

Con tàu bị giữ ở càng Beirut từ năm 2013.

Các thủy thủ đoàn từng mắc kẹt trên tàu MV Rhosus trong nhiều tháng vì Grechushkin “bỏ rơi” họ.

“Chủ sở hữu đã bỏ tàu và cả thủy thủ đoàn. Lương không được trả, đồ tiếp tế cũng không có. Chủ sở hữu đã phủ nhận số hàng trên tàu”, Voitenko nói vào năm 2014.

Ở thời điểm đó, các thủy thủ mô tả họ giống như con tin trên con tàu là “quả bom nổi”, Voitenko cho biết.

2.750 tấn amoni nitrat vì vậy đã nằm lại cảng Beirut từ năm 2014. Đến hồi đầu năm nay, một đoàn thanh tra cảnh báo lượng chất hóa học dễ gây nổ này có thể “phá hủy toàn bộ Beirut”, theo Reuters.

Đoàn thanh tra đề nghị phải xuất khẩu mặt hàng này vì đã nằm tại cảng quá lâu. Nhưng số hàng vẫn nằm lại ở kho chứa cho đến khi vụ nổ xảy ra.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem