Doanh nhân tuổi Canh Tý sở hữu khối tài sản "khủng" và những thương hiệu Việt trị giá tỷ USD

25/01/2020 09:05 GMT+7
Các doanh nhân tuổi Canh Tý thường là những người tài giỏi trong mọi lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Điển hình như ông Đặng Văn Thành với thương hiệu Sacombank, Thành Thành Công; hay như tỷ phú Trần Bá Dương với thương hiệu ô tô Thaco và ông Đặng Kim Thành với thương hiệu KIDO...

Tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco)
Điểm danh những doanh nhân tuổi Canh Tý sở hữu khối tài sản khổng lồ - Ảnh 1.

Tỷ phú Trần Bá Dương.

Tỷ phú Trần Bá Dương hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) và là Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Ông Trần Bá Dương sinh năm 1960 tại Huế. Năm 1997, Công ty ô tô Trường Hải (THACO) được thành lập. Năm 2000, ông mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA. Thaco được biết đến là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô tại Việt Nam.

Doanh nhân Trần Bá Dương lần đầu tiên được Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới năm 2018 cùng với ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch Sovico Holdings) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát). Năm 2018, ông Trần Bá Dương sở hữu khối tài sản ròng lên tới 1,8 tỷ USD, xếp hạng 1.339 trong danh sách. Năm 2019, ông chủ Thaco Trần Bá Dương vẫn tiếp tục giữ vị trí tỷ phú USD giàu thứ ba Việt Nam mặc dù khối tài sản đã giảm xuống còn 1,7 tỷ USD, tụt 10 hạng trong bản xếp hạng, xếp thứ 1.349 thế giới.

Năm 2019 vừa qua, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đã ghi nhận nhiều hoạt động mới, đặc biệt là việc hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức trong đầu tư phát triển nông nghiệp. Sau một năm ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Thaco và HAGL, Thaco đã rót tổng cộng 22.194 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) giải cứu HAGL thành công, tránh nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản.

Lĩnh vực sản xuất ô tô của Thaco cũng đạt được nhiều thành tựu trong năm vừa qua. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 12 vừa qua, doanh số bán hàng của Thaco đạt 8.882 xe, trở thành nhà sản xuất có doanh số lớn nhất tháng 12 tại thị trường Việt Nam, vượt qua cả TC Motor và Toyota.

Ngay trước Tết, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương tiếp tục "bắt tay" với Thủy sản Hùng Vương (HVG) của "vua cá" Dương Ngọc Minh, lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi, đầu tư vào HVG bao gồm thủy sản và chăn nuôi heo.Theo thỏa thuận hợp tác, Thadi (công ty con của Thaco) sẽ sở hữu 35% cổ phần HVG và góp 65% vốn trong liên doanh Thadi – HVG để sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020. Tổng giá trị đầu tư cho việc hợp tác này là 2.000 tỷ đồng. Trong năm nay, Thadi đặt kế hoạch doanh thu xuất khẩu là 600 triệu USD, Công ty nông nghiệp HAGL là 400 triệu USD và Hùng Vương là 550 triệu USD. Tổng doanh thu của ba công ty là 1,55 tỷ USD, chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu ngành nông nghiệp của cả nước.

"Vua mía đường" Đặng Văn Thành 

Điểm danh những doanh nhân tuổi Canh Tý sở hữu khối tài sản khổng lồ - Ảnh 3.

Doanh nhân Đặng Văn Thành.

Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960 hiện đang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) và là nguyên Chủ tịch HĐQT, người sáng lập ra Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Sacombank được ông Đặng Văn Thành sáng lập vào năm 1991 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Năm 1994, ông Thành lên giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank đưa Sacombank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn và uy tín tại Việt Nam. Đến năm 2012, Sacombank bị thâu tóm và ông Thành thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng Sacombank.

Rời khỏi Sacombank, ông Thành cùng gia đình tập vào bốn mảng kinh doanh cốt lõi là mía đường – nông nghiệp, bất động sản, năng lượng và du lịch. Tập đoàn TTC Group của ông Đặng Văn Thành được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng. TTC Group hiện đang sở hữu hệ sinh thái gồm ba tổng công ty ngành, một ủy ban ngành và hơn 150 đơn vị trực thuộc.

Ở mảng nông nghiệp, CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) thuộc TTC Group hiện đang sở hữu 78.000 ha vùng nguyên liệu ở cả 3 nước Đông Dương với thị phần tại Việt Nam khoảng 40%, riêng đường công nghiệp là 50%.

Ở mảng bất động sản, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – TTC Land sở hữu quỹ đất gần 1.900 ha, trong đó bất động sản khu công nghiệp chiếm 51%, bất động sản dân dụng chiếm 29% và bất động sản nghỉ dưỡng chiếm 21%.

Ở mảng du lịch, TTC hiện đang sở hữu hơn 9 khách sạn 4 sao và 3 sao, 3 resort, 2 trung tâm hội nghị, 1.200 phòng ở, 2 khu vui chơi và 6 nhà hàng.

Ở mảng năng lượng, CTCP Điện Gia Lai (GEG) đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC Group hiện đang sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió.

Tính đến năm 2019, TTC Group của ông Đặng Văn Thành có vốn điều lệ đạt 18.104 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 21.023 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.440 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản của TTC Group lên tới 56.537 tỷ đồng.

Đại gia gốc Hoa Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO

Điểm danh những doanh nhân tuổi Canh Tý sở hữu khối tài sản khổng lồ - Ảnh 5.

Đại gia Trần Kim Thành.

Đại gia Trần Kim Thành sinh năm 1960, là người gốc Hoa. Ông hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO. Đồng thời, ông Thành cũng giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Kinh Đô. Bên cạnh đó, ông Thành cũng nằm trong Danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi đứng ở vị trí thứ 35 trên bảng xếp hạng.

Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (trước đây là Kinh Đô) được ông Trần Kim Thành cùng gia đình sáng lập vào năm 1978 nhằm kinh doanh cơ sở bánh kẹo. Đến năm 1993, ông Thành lên giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô. Năm 2002, vị đại gia này nắm quyền Chủ tịch HĐQT CTCP Kinh Đô.

Kinh Đô từng được biết đến là "vua" bánh kẹo trên thị trường Việt Nam, trước khi hãng quyết định bán mảng bánh kẹo của mình cho tập đoàn Mondelēz International vào năm 2014. Kinh Đô sau đó đã được đổi tên thành KIDO và lấn sân sang đầu tư kinh doanh sang các lĩnh vực mì gói, dầu ăn, gia vị, cà phê.

Các thương vụ M&A đình đám sau đó của KIDO có thể kể đến như việc mua lại 51% cổ phần tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và 65% cổ phần tại Dầu Tường An. Không dừng ở đó, KIDO cũng lấn sân sang thị trường thực phẩm chế biến sẵn khi mua lại 50% cổ phần tại Dabaco Foods.

Về kết quả kinh doanh năm 2019 vừa qua, doanh thu thuần cả năm của Tập đoàn Kido đạt 7.210 tỷ đồng, giảm 5,2% so với năm 2018, nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu ở phân khúc dầu phổ thông giảm. Dù vậy, tổng lợi nhuận trước thuế của KIDO năm 2019 đạt 282 tỷ đồng, tăng 59,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỷ đồng, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản KIDO của đại gia Trần Kim Thành đạt 11.900 tỷ đồng, bao gồm 4.890 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và hơn 7.000 tỷ đồng tài sản dài hạn.

Thu Trà
Cùng chuyên mục