dd/mm/yyyy

"Độc chiêu" nuôi tôm của cô giáo 9X vùng quê lúa

Không sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, chỉ bằng một loại enzim được chế biến từ tỏi, cô gái 9X Nguyễn Thị Thủy ở quê lúa Thái Bình đã có được những mùa tôm thắng lợi.

Rời bục giảng về với ruộng vườn

Nguyễn Thị Thủy cho tôm ăn.
Nguyễn Thị Thủy cho tôm ăn.

Trước khi đến với nghề nuôi tôm, Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1990) ở thôn Hợp Phố, xã Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình) đã có những năm tháng ngồi trên giảng đường của trường Cao đẳng Sư phạm, chuyên ngành tiểu học. Ra trường, cô gái 9X hăm hở bước chân lên bục giảng, hàng ngày chăm lo cho đàn con yêu trên lớp.

Vậy nhưng ngay cả những lúc trên bục giảng , cô gái trẻ vẫn mang trong mình một khát khao lớn, đó là đánh thức tiềm năng đồng đất quê mình, muốn nó nhả vàng, giúp nông dân có cuộc sống ấm no.

Thế là một quyết định táo bạo đến với Thủy: bỏ nghề dạy học về với ruộng vườn, làm nông nghiệp. Nhưng bản thân cô cũng không lường trước được hết những khó khăn mình phải đối mặt, nhất là khi thị trường bấp bênh.

“Tôi nhớ nhất là thời điểm năm 2017 khi giá lợn hơi xuống thấp. Thời điểm đó, nhà tôi nuôi 10 con lợn nái, 40 con lợn thịt, do giá xuống quá thấp, tôi lỗ nặng tới 70 triệu đồng. Sau vố ngã đau này, tôi quyết định chuyển hướng sang nuôi tôm chứ không đầu tư giàn trải nữa” – Thủy kể về bài học đầu tiên sau khi quay lại làm nông dân.

Năm 2016, với 3,5ha ao nuôi, Nguyễn Thị Thủy chỉ thu hoạch được hơn 2 tấn tôm, thì sau một năm, khi sử dụng EM tỏi, năm 2017, Thủy thắng lớn thu về 4 tấn tôm, đạt doanh thu gần 500 triệu đồng. Năm 2018, Thủy tăng mật độ nuôi, với 3 lứa tôm gia đình cô giáo 9X thu về khoảng 10 tấn, doanh thu cả tỷ đồng.

Sau khi quyết định chuyển hướng, Thủy xác định để không thất bại, phải học hành thật bài bản, làm chủ được kỹ thuật. Vậy là cô gái trẻ lại vác sách vở đi học ngành thú y. Từ đây, những kiến thức mới giúp Thủy có thêm động lực áp dụng vào mô hình mới.

Nuôi tôm không kháng sinh

Nam Phú là một vùng quê ven biển, nuôi trồng thủy sản vốn là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Nhờ tôm, cá người dân có cuộc sống ấm no nhưng cũng có không ít người thất bại khi thủy sản bị dịch bệnh tràn lan. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân lạm dụng quá nhiều kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, việc vệ sinh môi trường ao nuôi chưa được tuân thủ nghiêm ngặt.

Chính vì vậy, Thủy không muốn lặp lại vết xe đổ này, cô muốn đàn tôm trong ao phải phát triển khỏe mạnh, quan trọng nhất là phải an toàn và sạch bệnh. Cơ hội đã đến khi năm 2017, Thủy được tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Tiền Hải phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức. Những kiến thức về nuôi tôm an toàn, theo hướng hữu cơ mở ra trước mắt, khiến Thủy phấn chấn vô cùng, cô mạnh dạn áp dụng kiến thức học được vào quá trình nuôi tôm của gia đình trên diện tích 3,5ha. Từ đây, chuyện làm ăn của Thủy bắt đầu đi vào quỹ đạo và “lên như diều gặp gió”.

Mặc dù mới được triển khai nhưng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Enzim (EM) tỏi thay thế kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản của Thủy đã cho hiệu quả rõ rệt. Đây là cách làm mới mở ra hướng đi nuôi trồng thủy sản thành công và bền vững cho nông dân.

Theo đó, với 3,5ha ao đầm, Thủy chia làm 3 ao nuôi, các ao đều có hệ thống xử lý chất thải, lắng lọc riêng và bắt đầu chế biến chế phẩm từ tỏi để nuôi tôm. Thủy cho biết: Enzim (EM) tỏi được sản xuất từ EM gốc ngâm ủ với bột tỏi. EM gốc là một chế phẩm sinh học với 80 loại vi sinh vật có ích thuộc nhóm vi khuẩn lactic, vi khuẩn quang hợp và vi khuẩn nấm men. Tỏi có chứa Alixin là kháng sinh có khả năng kháng vi rút lây bệnh, glucozo và enlin có tác dụng diệt khuẩn và sát trùng. Ngoài ra, tỏi còn chứa các loại vitamin và khoáng chất giúp cho tôm tăng sức đề kháng và phòng được một số bệnh về tiêu hóa.

Nguyễn Thị Thủy trộn đều EM tỏi vào thức ăn cho tôm.
Nguyễn Thị Thủy trộn đều EM tỏi vào thức ăn cho tôm.

Để tăng hiệu quả trong nuôi tôm, Thủy sử dụng EM gốc trộn với rượu và nước mía ngâm ủ yếm khí trong 2 ngày, sau đó trộn hỗn hợp chế phẩm này với tỏi đã xay nhuyễn rồi ngâm ủ trong 1 tuần để tạo ra EM tỏi cho tôm ăn. “Chỉ với một bước đơn giản nhưng kết quả tôi thu được vô cùng mỹ mãn, năng suất tôm tăng đáng kể, điều quan trọng là tôm hoàn toàn không có tồn dư kháng sinh, an toàn, sạch bệnh” – Thủy nói.

Nếu như năm 2016, với 3,5ha ao nuôi, Thủy chỉ thu hoạch được hơn 2 tấn tôm, thì chỉ sau một năm, khi sử dụng EM tỏi, năm 2017, Thủy thắng lớn thu về 4 tấn tôm, đạt doanh thu gần 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt là môi trường ao nuôi luôn sạch, tôm khỏe nhờ sử dụng EM tỏi. Đây là động lực để năm 2018, Thủy tăng mật độ nuôi, với 3 lứa tôm gia đình cô giáo 9X thu về khoảng 10 tấn, doanh thu cả tỷ đồng.

Hiện, Nam Phú có 1.029ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt. Bà con nông dân chủ yếu nuôi tôm quảng canh và bán thâm canh kết hợp với nuôi cua, cá và trồng rong câu. Đối với con tôm thường bị bệnh còi cọc do nhiễm MBV, bệnh mềm vỏ, bệnh đốm trắng, bệnh đỏ thân và hội chứng chết sớm do chất lượng giống không bảo đảm, ô nhiễm môi trường nước, biến đổi khí hậu và vi khuẩn, vi rút gây hại dẫn đến năng suất, sản lượng tôm của địa phương không cao. Đơn cử như năm 2016, toàn xã chỉ thu hoạch được 40 tấn tôm, trị giá 6,8 tỷ đồng; năm 2017 con số này là 69 tấn, giá trị đạt 12,6 tỷ đồng. Trong khi đó, tiềm năng nuôi trồng thủy sản của địa phương còn rất nhiều.

Chính vì vậy, mô hình của Nguyễn Thị Thủy được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho nghề nuôi tôm ở Nam Phú. Ông Trần Văn Lữ, cán bộ lâm sinh thủy sản xã Nam Phú khẳng định: “Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM tỏi thay thế kháng sinh và hóa chất trong nuôi tôm của chị Thủy bước đầu cho hiệu quả thiết thực và dễ nhân rộng. Tiềm năng đất đai, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm của xã Nam Phú rất lớn nhưng thời gian qua chưa phát huy hiệu quả vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố môi trường và dịch bệnh tác động. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng EM tỏi của một số bà con nông dân để nuôi tôm bước đầu xử lý tốt được môi trường và dịch bệnh. Đây là cách làm mới giúp các hộ nuôi tôm trong xã áp dụng để làm giàu từ nghề nuôi tôm”.

Bài, ảnh: Khắc Duẩn