dd/mm/yyyy

Độc đáo: Công nghệ biến bùn thải thành nhiên liệu sản xuất xi măng

Rác thải công nghiệp như bùn, vải vụn, hạt nhựa… vẫn được xem là rác nguy hại, việc tái chế lại rất khó khăn. Tuy nhiên, một đơn vị đã thành công khi sử dụng nguồn rác thải này thành nhiên liệu để sản xuất xi măng.

Rác thành nhiên liệu sản xuất

Sau quá trình thử nghiệm thành công, hiện Nhà máy xi măng Bút Sơn đang đẩy mạnh thu mua rác thải công nghiệp để làm nguyên liệu đốt. Các loại rác thải công nghiệp như vải vụn, mảnh nhựa, nylon, cao su vụn, dăm gỗ, bột lốp, da giày… được nhà máy thu mua, sau đó sơ chế, băm hoặc nghiền nhỏ để thành nhiên liệu đốt thay cho than và các chất đốt thông thường.

Cách làm này không chỉ giúp thu gom lượng lớn rác thải công nghiệp, vốn dĩ trước đây được xử lý theo kiểu truyền thống, mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh chủ trương khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, dùng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu thay thế. Theo ông Bùi Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT Vicem (Nhà máy xi măng Bút Sơn là đơn vị thành viên trong Vicem - PV), tỷ lệ đốt rác công nghiệp tại nhà máy Bút Sơn đang là 25%.

Bùn thải thành nhiên liệu sản xuất xi măng - Ảnh 1.

Rác thải công nghiệp được sử dụng làm nguyên vật liệu thay thế trong sản xuất xi măng ở Nhà máy xi măng Bút Sơn. Ảnh: P.V

Thực tế, nhiều nước

trên thế giới đã làm, cho hiệu quả tốt như nhà máy đốt rác phát điện; xử lý rác thải trong lò đốt của nhà máy sản xuất xi măng, luyện thép; rác thải làm đầu vào trong nhà máy sản xuất phân bón…

Nếu thực hiện tốt việc đốt rác lên đến 50% nguyên vật liệu, giá thành sản phẩm sẽ có thể hạ xuống, giúp sản phẩm tăng được tính cạnh tranh. Với việc dùng rác thải làm nguyên vật liệu thay thế, tỷ lệ thay thế nhiệt hiện đạt 14 - 15%. Thay vì dùng than đá để đốt, việc dùng rác thải công nghiệp giúp cho nhà máy giảm chi phí mà không làm ảnh hưởng đến hệ thống thiết bị, năng suất, chất lượng clinker cũng như chất lượng khí thải.

Việc dùng bùn thải làm nguyên liệu cho sản xuất clinker giúp nhà máy thay thế được 8% nguyên liệu truyền thống là đất sét. Vicem Bút Sơn cũng đưa tro bay, xỉ, thạch cao nhân tạo… vốn là các chất thải, phụ phẩm các ngành công nghiệp khác vào sản xuất xi măng giúp tiết kiệm được tài nguyên thạch cao, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà chất lượng xi măng sản xuất ra vẫn đảm bảo.

"Ưu việt của công nghệ sản xuất mới là tăng được năng suất lò nung, tăng sản lượng nghiền xi măng, tiết kiệm được nguyên liệu sét, thạch cao, than đá.

Ngoài ra, việc dùng các nguyên liệu phế phẩm, rác thải công nghiệp còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường do giảm phát CO2, giảm diện tích chôn lấp, không gây ô nhiễm môi trường, gián tiếp tiết kiệm tài nguyên cho sản xuất điện năng do công nghệ mới giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ do thu hồi triệt để nhiệt khí thải, nhiệt bức xạ để phát điện"- đại diện Vicem Bút Sơn chia sẻ.

Cần hoàn thiện thủ tục pháp lý

Theo các chuyên gia, đang có không ít điểm nghịch lý trong xử lý rác thải. Đơn cử, điện rác đang vướng cơ chế, chậm tiến độ; một số ngành công nghiệp khác như xi măng đang "khát" rác lại thiếu cơ chế. Phương pháp xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng là giải pháp có nhiều lợi thế, xử lý triệt để các chủng loại chất thải, vì có sẵn một số ưu điểm vượt trội so với các ngành công nghiệp khác.

TS Hoàng Dương Tùng-nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), cho biết: "Ở nước ta, đốt rác phát điện hiện đã có triển khai rồi, nhưng hiệu quả chưa rõ. Có thể xem xét ứng dụng lò đốt trong nhà máy xi măng vào việc xử lý rác thải. Hiện, ở nước ta có nhiều nhà máy sản xuất xi măng, cần rà soát lại công nghệ, làm thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai, giảm lượng rác thải chôn lấp vừa lãng phí, vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Pháp luật hiện đã có cơ chế đồng xử lý, nhưng cần cụ thể, rõ ràng hơn để khuyến khích các bên tham gia. Cần tầm nhìn trên góc độ lợi ích quốc gia, không của riêng ai, cần khuyến khích kinh tế tuần hoàn, như vậy mới dần bỏ được lợi ích của các nhóm tham gia xử lý rác thải".

Cũng theo TS Tùng, nhiều nước trên thế giới có quan điểm rác thải cũng chính là một loại tài nguyên, hay nói cách khác, không có gì gọi là rác thải, phải bỏ đi. Muốn phát triển bền vững cần đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, nâng cao tái chế để đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác. Nhưng để làm được như vậy, cần phải có rõ ràng về cơ chế chính sách, định hướng, kỹ thuật, công nghệ, ý thức cộng đồng và việc tổ chức bài bản, phù hợp hoàn cảnh thực tế. 

Tâm Tâm