dd/mm/yyyy

Độc đáo nghề đặt lờ bắt cáy, mỗi tháng kiếm chục triệu đồng

Ở Kim Sơn (Ninh Bình) nhiều người vẫn sống bằng nghề đặt lờ bắt cáy. Để có thu nhập cao, người dân sáng tạo ra nhiều "bí quyết" đặt lờ, vậy nên mỗi tháng có thu nhập lên đến gần chục triệu đồng.


Anh Nguyễn Văn Lực đặt lờ bắt tại cánh đồng lúa gần nhà ở huyện Kim Sơn.

Với nhiều "thợ cáy" ở Ninh Binh, đặt lờ bắt cáy đã là nghề truyền thống. Nhiều “thợ săn cáy" chuyên nghiệp ở huyện miền biển Kim Sơn đã có thu nhập lên đến gần chục triệu đồng/tháng.

Hơn 30 năm đi săn bắt cáy, bà Phạm Thị Phượng (50 tuổi) xã Như Hòa (Kim Sơn) được biết đến là một trong những người kỳ cựu và có tay nghề cao trong vùng. Bà Phượng cho biết, loài cáy tương đối khó bắt, các cụ xưa vẫn bảo “nhát như cáy ngày”. Cứ hễ thấy động từ xa chúng đã chui tọt xuống lỗ.

Để bắt được nhiều cáy những thợ săn cáy có những bí quyết riêng

"Lỗ cáy được làm ở khu vực đất lẫn bùn khá cứng, theo chiều gần như thẳng đứng. Để bắt cáy, phương pháp truyền thống vẫn là câu cáy hoặc đi đào lỗ cáy, nhọc nhằn cả ngày cũng chỉ được vài ba cân, có khi chỉ vài lạng", bà Phượng cho biết.


Nhờ nghề săn cáy phát triển nên người làm nghề đan lờ ở huyện Kim Sơn cũng có thu nhập ổn định

Cáy thường sống trong hang các bờ ruộng hoặc bờ mương, bờ sông, nắng càng to thì cáy bò ra khỏi hang tìm thức ăn càng nhiều. Dựa vào đặc điểm này của chúng mà thợ đặt lờ cáy biết được thời điểm đi đặt lờ để bắt được nhiều cáy nhất.
Bà Phạm Thị Phượng

Bà Phượng cho biết thêm, cáy thường sống trong hang các bờ ruộng hoặc bờ mương, bờ sông, nắng càng to thì cáy bò ra khỏi hang tìm thức ăn càng nhiều. Dựa vào đặc điểm này của chúng mà thợ đặt lờ cáy biết được thời điểm đi đặt lờ để bắt được nhiều cáy nhất.

Chia sẻ về bí quyết mặt hàng ngon – sạch – lạ này, bà Phượng bảo: “Săn cáy có rất nhiều cách, phổ biến nhất là câu và đặt lờ. Tuy nhiên, các thợ chuyên nghiệp thường bắt bằng lờ, đây là công việc khá vất vả nhưng bắt được nhiều cáy hơn người đi câu. Chỉ cần bỏ ra một vài triệu mua lờ về đặt là có thể hành nghề và kiếm nhiều tiền rồi”.“Điều mà người săn cáy mừng nhất là sản phẩm bắt về luôn có thương lái đến tận nhà mua với giá cao” – bà Phượng chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Văn Lực, một thợ đặt lờ cáy chuyên nghiệp ở huyện Kim Sơn cho hay: “Trung bình mỗi ngày tôi đặt hơn 300 chiếc lờ, ngày ít cũng được từ 4 kg đến 6kg cáy, cá biệt có những tôi bắt được 8kg cáy. Tính ra thu nhập cũng cao khoảng vài trăm nghìn đồng/ngày”.


Cận cảnh các con cáy (hay còn gọi là cua càng đỏ) bị các thợ săn bẫy bắt được bằng lờ.

Bà Thủy, một thương lái chuyên thu mua cáy ở Kim Sơn thông tin: “Thường vào những tháng hè hàng năm nhu cầu tiêu thụ cáy tăng mạnh. Có thời điểm tôi nhập vào hàng tạ hàng nhưng cũng không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh".

Lờ cáy được làm từ những nan tre già có độ cứng và bền cực cao. Lờ cáy có hình giống quả hồ lô, một đầu để cho cáy chui vào ăn mồi, đầu còn lại là cáy chui vào là không ra được. Để nhử bắt được cáy, người săn phải bỏ mồi bằng cám gạo rang thơm lên trộn với hoa hồi nhằm tạo mùi thơm để dụ cáy ra.


Bà Phượng khoe sản phẩm cáy bắt được.

Lý giải về nguyên nhân cáy bán chạy, bà Thủy cho rằng: “Thịt cáy ngọt nên người ta có thể nấu canh, làm mắm ăn dè quanh năm. Đặc biệt, trứng cáy có thể rang khô ăn rất ngon và lành hơn cua nên người tiêu dùng rất ưa chuộng, mua nhiều”.

Quân Phạm