Độc đáo tục vay lộc một năm sau trả gấp đôi tại ngôi chùa trăm tuổi ở TP.HCM

Thứ tư, ngày 12/02/2025 08:17 AM (GMT+7)
Hằng năm vào dịp Tết Nguyên tiêu, nhiều người Hoa và người dân TP.HCM vẫn giữ thói quen đến chùa Ông (quận 5, TP.HCM) hành lễ và vay lộc làm ăn đầu năm.

Dịp rằm tháng Giêng, hàng nghìn người Hoa và du khách đến viếng chùa Ông cầu bình an, may mắn trong năm mới. Tại chùa còn diễn ra tục vay – trả lộc, đây là một hoạt động truyền thống mỗi dịp Tết Nguyên tiêu của người Hoa.

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 1.

Khuôn viên chùa Ông nghi ngút trong khói nhang. Người người mang trái cây, nhang đèn,… đến dâng hương, khấn nguyện. Dịp Rằm tháng Giêng năm nay, lượng khách đổ về đây hành hương tại chùa Ông rất đông.

Chùa Ông, còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc Hội quán Nghĩa An là hội quán của người Triều Châu và Hẹ sang Việt Nam sinh sống, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX.

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 2.

Dòng người xếp hàng chờ đến lượt vay lộc chùa Ông. Ảnh: Thúy Liên

Sau khi thắp nhang, hành lễ các điện thờ, dòng người xếp hàng, nối chân nhau đến khu vực vay lộc chùa Ông. Tục vay lộc này đã có khoảng trăm năm nay.

Tương truyền rằng Quan Công là vị thần bảo trợ, phù hộ cho việc làm ăn, buôn bán của người dân. Người Hoa tin rằng nếu được ông cho vay tiền thì việc làm ăn sẽ phát đạt, suôn sẻ. Mỗi năm, hàng nghìn người dân, không riêng gì người Hoa đều đổ về chùa Ông vay lộc.

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 3.

Phần lộc ông cho vay bao gồm 2 trái quýt (ý cầu đại cát đại lợi), 1 tờ quý nhân là loại giấy tiền cúng thần trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa, 2 phong bao lì xì. Người nhận lộc có thể bỏ tiền vào két sắt, bóp ví để mang theo bên mình suốt 1 năm.

Người dân có thể đến chùa Ông thỉnh lộc, nếu thỉnh thì không cần trả lễ. Nhưng nếu vay, thì đúng thời điểm này năm sau phải đến trả gấp đôi. Cụ thể, nếu năm ngoái khách viếng chùa vay 1 phần lộc thì năm nay sẽ trả lại gấp đôi (4 trái quýt, 2 tờ quý nhân, lượng tiền bỏ vào bao lì xì gấp đôi số tiền ông cho mượn).

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 4.

Hoạt động vay lộc chỉ diễn ra vào 2 ngày chính nhất của Rằm tháng Giêng nên khách đến viếng chùa nhận, trả lộc tấp nập từ sáng đến tối.

Chị Nguyễn Phi Yến (ngụ quận 5, TP.HCM) đến chùa Ông trả lộc đã vay năm ngoái. Chị Yến cho biết: "Tôi bắt đầu đến chùa vay lộc đã gần 3 năm nay. Giữ lộc Quan Công bên người để mình có niềm tin, may mắn hơn, chuyện làm ăn cũng trở nên suôn sẻ".

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 5.

Chị Trần Thị Huỳnh Hoa (ngụ quận 7, TP.HCM) cầm trên tay 1 phần lộc đã thỉnh. "Tôi được người bạn đồng nghiệp rủ đi và cũng là lần đầu tiên tôi đến chùa. Đến đây tôi mới hiểu thêm về tục nhận lộc nên đã thỉnh 1 phần để cầu may trong công việc hiện tại", chị Hoa chia sẻ.

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 6.

Tình nguyện viên ở chùa Ông tất bật phát hàng ngàn phần lộc cho khách viếng chùa.

Anh Trang Sanh, hội phó hội quán Nghĩa An cho biết dịp Tết Nguyên tiêu năm nay, chùa chuẩn bị 35.000 phần lộc. "Đây là một tín ngưỡng dân gian rất ý nghĩa của người Hoa nên nhiều người năm nào cũng đến thỉnh hay vay lộc để mong 1 năm làm ăn phát đạt. Năm nay, hội quán chuẩn bị nhiều phần lộc hơn mọi năm", anh Sang nói thêm.

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 7.

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 8.

Ở phía đối diện khu vực nhận lộc là nơi trưng bày lồng đèn cầu bình an, tài lộc. Khách viếng chùa có thể thỉnh lồng đèn. Người thỉnh lồng đèn sau khi lễ tại tượng Quan Công có thể đem về nhà hoặc gửi tại chùa. Những chiếc lồng đèn gửi tại chùa mang theo ước nguyện của người thỉnh sẽ được treo lên cao.

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 9.

Chị Khánh Trang (áo xanh) hồ hởi thỉnh 1 chiếc lồng đèn phát tài, thành tâm cầu nguyện trước tượng Quan Công. Sau khi hành lễ, chị Trang quyết định gửi lồng đèn tại chùa.

"Năm nay tôi không vay lộc nữa mà thỉnh lồng đèn. Tôi cũng mong 1 năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió", chị Trang chia sẻ.

Tục vay lộc một, trả gấp đôi tại một ngôi chùa ở TP.HCM - Ảnh 10.

Chùa Ông có một gian thờ ngựa Xích Thố, con chiến mã của Quan Công. Dòng người cầm trên tay những phần lộc của Quan Công, lần lượt xếp hàng chờ đến lượt rung chuông, chạm và chui qua bụng ngựa để mong phước lành cả năm.

Thúy Liên
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem