Độc đáo ý tưởng dạy hát xẩm online của nhóm xẩm Hà Thành

Thứ tư, ngày 02/05/2018 10:10 AM (GMT+7)
Phục hồi nghệ thuật hát xẩm từng là ước nguyện của “báu vật sống” - nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu trước khi bà qua đời. Năm 2008, lần đầu tiên Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã “đánh thức” tín ngưỡng này qua việc tổ chức trang trọng lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm, đồng thời giữ lửa bằng nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng. Mới đây, một nhóm nghệ sĩ hát xẩm đã đưa ra ý tưởng dạy hát xẩm online.
Bình luận 0

img

Nhóm xẩm Hà Thành cùng các nghệ sĩ khách mời biểu diễn. Ảnh: Quang Long.

Phương thức truyền nghề mới

Nghề hát xẩm hiện hữu từ những năm 50-60 của thế kỷ 20, sau đó mai một và thất truyền. Ngày 7.4 vừa qua nhóm xẩm Hà Thành đã tổ chức đêm nghệ thuật đặc biệt tại sân khấu âm nhạc truyền thống dân tộc khu di tích lịch sử Tượng đài vua Lê và đình Nam Hương, thuộc khu phố đi bộ Hồ Gươm đúng dịp giỗ Tổ nghề với sự tham gia của các nghệ sĩ: Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa, Phạm Đình Dũng, Trần Hậu, Xuân Hải, Phạm Trang, Thúy Nga... Các nghệ sĩ khách mời là nhạc sĩ Giáng Son, nghệ sĩ Hạnh Nguyên, nghệ sĩ saxophone Phan Anh Dũng cũng góp mặt. Sau đêm biểu diễn này, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa - người được coi là truyền nhân của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu đã chia sẻ cùng chúng tôi về ý tưởng dạy hát xẩm online như cách người ta vẫn dạy ngoại ngữ. Chị cho biết, bản thân đang phải thu thập rất nhiều dữ liệu để xây dựng một giáo trình. Vì nghệ nhân, tư liệu về xẩm không còn nhiều nên việc truyền dạy bằng phương thức mới này cần được nghiên cứu hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng.

Hiện tại, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đang phối hợp với Trường Đại học Temple (Mỹ) thu thập dữ liệu để số hóa một số bản ký âm về xẩm. Cũng trong thời gian này, chị vẫn đều đặn tiếp nhận nhiều học trò đến từ khắp mọi miền như: Ninh Bình, Hải Phòng. Thái Bình… Đó cũng là những địa phương phong trào bảo tồn, phát huy nghệ thuật xẩm đang hình thành nhưng chưa có người thực sự vững chuyên môn để định hướng. Một học trò đặc biệt của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa sinh năm 1978, mang quốc tịch Pháp, là giảng viên tại Trung tâm văn hóa Pháp. “Lạ thế, xẩm quyến rũ cả người nước ngoài”, nữ nghệ sĩ nói. Chị tâm sự, nhiều năm qua, có không ít người trẻ tuổi ở các địa phương mong muốn có được những lớp đào tạo một cách bài bản hoặc học từ xa mà chưa được đáp ứng.

Đánh giá về ý tưởng đặc biệt trên, nghệ sĩ - nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhận định: “Đây là ý tưởng khá độc đáo và chỉ có ở thời đại của công nghệ. Nếu phát huy tốt thì đó chính là một phương thức truyền nghề mới góp phần lan toả những giá trị truyền thống vào đời sống đương đại. Dẫu vậy, đây không phải ý tưởng mới. Trước đó, đã có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân thế giới áp dụng cách dạy này. Ngày nay chỉ cần qua các công cụ tìm kiếm thì sẽ dễ dàng có được các link dạy học âm nhạc qua mạng. Ngay âm nhạc cổ truyền, một số các nghệ sĩ sáo, nghệ sĩ hát đã triển khai được một bộ phận hưởng ứng. Thí dụ, nghệ sĩ Hữu Duy dạy hát quan họ trên trang Facebook cá nhân”. Nghệ sĩ Quang Long nhấn mạnh thêm, muốn phương thức này hiệu quả, phải có lượng người học ổn định cả số lượng lẫn số buổi bởi học hành là một quá trình. Hơn nữa, xẩm không đơn thuần như một bài dân ca mang dáng dấp của quan họ hay làn điệu các vùng miền.

Nhiều người coi xẩm như phương tiện

Về cơ bản, mặc dù đã có những sự phát triển vượt bậc sau một thời gian các nghệ sĩ nhà nghiên cứu ở Hà Nội nỗ lực hồi sinh bộ môn nghệ thuật này, song hát xẩm nhìn chung vẫn có rất ít người tham gia. Ngay chính bản thân một số người trẻ tham gia hát xẩm vẫn chưa thực sự hiểu bản chất của một nghệ nhân là gì. Chẳng hạn, họ tôn thờ một thần tượng, bắt chước lối hát, coi đó mới là xẩm. Tất nhiên, đây cũng là điều tốt, nhưng nếu chỉ vậy, sẽ nảy sinh một hệ quả là những phiên bản từ nguyên mẫu. Và như thế chưa đủ để gọi là nghệ thuật. Ngược lại, ở nhóm nghệ sĩ cũng chưa có nhiều người thực sự quan tâm coi những điệu cổ bài cổ là máu thịt của mình.

Thời gian gần đây, ở những chương trình biểu diễn, thi tài năng... nhiều thí sinh thuộc lứa tuổi thiếu niên nhi đồng đã chọn hát xẩm. Lý giải nguyên nhân này, các nghệ sĩ và giới nghiên cứu đã phân chia họ làm hai đối tượng khác nhau. Một là những người trẻ yêu hát xẩm thực sự và hai là những người coi xẩm làm một trong những thử thách thể hiện nhằm mục đích chinh phục các cuộc thi. Đôi khi, cả hai đều tích hợp trong một đối tượng. Đối với nhóm đối tượng thứ nhất, thường là những người thiên hướng đam mê âm nhạc cổ truyền dân tộc, chủ yếu ở khu vực phía Bắc, nơi nghệ thuật này từng được sinh ra và tồn tại. Nhóm đối tượng ấy dễ thuỷ chung với xẩm. Có thể trong hành trang suốt cuộc đời của họ luôn có những câu xẩm. Nhóm thứ hai chọn xẩm vì giá trị nghệ thuật bộ môn này chứa đựng đủ để họ có thể coi là một thử thách trong những thử thách bản thân cần vượt qua ở một cuộc thi nào đó. Cả hai cách này đều góp phần tích cực trong bảo tồn, lan toả giá trị của hát xẩm.

Ở khía cạnh khác, sự xuất hiện của xẩm trên các phương tiện truyền thông, sự ủng hộ của các nghệ sĩ nổi tiếng cho nghệ thuật này đã tạo hiệu ứng nhất định, thu hút người trẻ đến với xẩm ngày một nhiều. Gần đây, một số nghệ sĩ còn đưa việc khai thác đưa các yếu tố âm nhạc khác như: Jazz, hip-hop... vào xẩm, Dẫu thế, đây mới chỉ được xem như những thể nghiệm, tạo một màu sắc gây thêm chú ý của công chúng vào nghệ thuật này mà thôi.

Nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, xẩm thường là các nhóm hát đi khắp chốn cùng quê, nhóm nào hầu như cũng có “trùm” xẩm là người khiếm thị. Nhiều người đánh đồng hát xẩm với ăn xin nhưng trên thực tế, xưa nay, người hát xẩm không xin ăn mà sống bằng những tiền thưởng từ công chúng. Trước khi được thưởng, người hát phải chinh phục bằng tiếng đàn và lời ca như câu hát nổi tiếng: “Ai ơi thương kẻ dở dang/ Miệng ca tay gẩy khúc đàn tương tư”. Sự tinh tế, chuyên nghiệp của nghề thể hiện ở chỗ, gánh hát xẩm mang tính tổ chức, kết nối, kỷ luật cao. Thường các “trùm” xẩm chia địa bàn để hoạt động. Ngay chuyện nghệ nhân chủ động hát những giai điệu buồn vui tùy bối cảnh tạo sự hứng thú cho người nghe cũng thể hiện sự chuyên nghiệp.

Thành Nam (giadinh.net)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem