Bộ Công Thương vừa tiếp tục trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, theo đó, so với dự thảo lần trước, số lượng ngành nghề độc quyền nhà nước đã tăng từ con số 16 lên con số 20 tại dự thảo lần này.
2 trong số 20 danh mục ngành nghề độc quyền nhà nước theo dự thảo mới nhất của Bộ Công Thương là về lĩnh vực vàng, cụ thể là lĩnh vực Sản xuất vàng miếng và lĩnh vực Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Tại dự thảo lần trước, Bộ Công Thương cũng đề xuất lĩnh vực vàng là lĩnh vực độc quyền nhà nước, cụ thể hơn là đối với sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Như vậy, với dự thảo mới nhất, các doanh nghiệp vàng tư nhân vẫn có thể xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu vào mục đích khác không phải để sản xuất vàng miếng.
Một số ngành nghề độc quyền nhà nước mà giới chuyên gia đánh giá là không cần thiết, có thể kể đến như lĩnh vực Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, hay như lĩnh vực Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan. Theo đánh giá, sở dĩ Bộ Công Thương đưa những ngành nghề này vào danh mục độc quyền nhà nước chỉ là do lo ngại khó quản lý chất lượng.
Đối với một số loại hình kinh doanh khác như xổ số kiến thiết, điện…, theo nhiều chuyên gia, Chính phủ chỉ nên quy định điều kiện kinh doanh.
So với dự thảo cũ, dự thảo mới có tách, gộp một số ngành nghề kinh doanh, đồng thời, bổ sung thêm 5 danh mục ngành nghề mới, bao gồm: Hoạt động dự trữ quốc gia; Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan; Phát hành tem bưu chính Việt Nam; Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng; Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.
Kình Dương (Vietnamfinance)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.