Đọc sách cùng bạn: Ai tin thì tin

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 27/10/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc một cuốn sách nhan đề "Văn học Sài Gòn 1954 - 1975. Những chuyện bên lề" của nhà báo Lê Văn Nghĩa.
Bình luận 0

Đây không phải là một cuốn sách thuộc loại nghiên cứu văn học. Tác giả ghi hai chữ "biên soạn" sau tên mình ở bìa sách để cho bạn đọc biết rõ đây là những chuyện trong làng văn Sài Gòn thời đất nước chia cắt hai miền mà lâu nay ông đọc thấy trên sách báo cũ giờ đem ra soạn lại in thành sách hầu cho mọi người "đọc thấy vui vui, ngồ ngộ" may ra "khám phá một chút gì đó, mặc dù không chính thống".

Đọc sách cùng bạn: Ai tin thì tin - Ảnh 1.

Chúng ta đều biết lịch sử thời kỳ 1954 - 1975 có hai nền văn học ở hai miền đất nước. Lịch sử là khách quan và viết lịch sử là khoa học. Bộ phận văn học Sài Gòn thời kỳ này đang cần được tìm hiểu nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng khi viết lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX mà thời gian qua đã được một số nhà nghiên cứu thực hiện. Những chuyện bên lề mà Lê Văn Nghĩa kể lại ở đây hiểu như là những câu chuyện kể cà kê về cuộc sống sinh hoạt đời thường văn chương của các văn nhân Sài Gòn thời ấy. Nhưng tập hợp lại nó cũng cho thấy gương mặt của bộ phận văn học này không phải bên lề của dòng chảy văn chương cả nước trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt. Đọc hết cuốn sách với 141 chuyện kể bạn sẽ có được một hình dung bước đầu về đời sống văn học Sài Gòn 1954 - 1975 qua các tên tuổi văn chương, các báo chí văn nghệ, các cuộc trà dư tửu hậu.

VĂN HỌC SÀI GÒN 1954-1975. NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ

Tác giả: Lê Văn Nghĩa (biên soạn)

Nhà xuất bản Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2020

Số trang: 470 (khổ 15x23cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 190.000đ

Bạn sẽ biết tại sao Vũ Bằng lại viết cuốn hồi ký "Bốn mươi năm nói láo" (tr. 437). Ấy là vì cần tiền!

Bạn sẽ biết tờ tạp chí "Nhân loại" (tr. 51) và "cá tính văn học miền Nam" là thế nào. Và bốn nhà văn từ "lò" tạp chí này mà ra là những ai (tr. 74).

Bạn sẽ biết vai trò của nhà văn Mai Thảo ở tờ tạp chí "Sáng tạo" (tr. 204). cũng như sự xuất hiện của nhà văn Dương Nghiễm Mậu từ nơi này (tr. 79).

Bạn sẽ biết năm 1966 là năm xuất hiện của năm tác giả nữ sẽ khuấy động cả văn đàn miền Nam: Nhã Ca, Tuý Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thuỵ Vũ và Trùng Dương (tr. 34). Và biết Nguyên Sa đã trân trọng giới thiệu Nhã Ca lần đầu tiên trên tạp chí "Hiện đại" số 1 với những lời: "Người con gái Huế xây ngôi nhà đầu tiên của thành phố tương lai ấy tên là Vân. Hãy nghe những bài nhã ca buồn và nhẹ khởi đầu" (tr. 237).

Bạn sẽ biết, vẫn nhà thơ Nguyên Sa nổi tiếng với những bài thơ tình mang hình ảnh nữ sinh học trò lại cũng khét tiếng là một tay cãi văn chương "một mình một ngựa". Và ông đã nghĩ ra cái tên gọi "sa đích văn nghệ" để định danh các đối thủ văn nghệ của mình.

Bạn sẽ biết bút danh nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên là do ai (tr. 306) và thi sĩ có những bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc nổi tiếng này đã từng viết truyện ngắn ra sao (tr. 185).

Bạn sẽ biết cặp anh em nhà văn bên này bên kia và tình bạn văn chương không chia giới tuyến (tr. 230). Phan Nhật Nam ở Sài Gòn viết ngay đầu sách tiểu thuyết "Ải trần gian" (1970) lời tặng người bạn học chung trường đang ở bên phía cách mạng:"Viết cho Phan Duy Nhân kẻ khí phách. Và tình yêu vượt con người".

Bạn sẽ biết... Mà thôi, bạn cứ đọc vào sách. Có những chuyện đã có ở sách này báo nọ được biết lâu nay. Có những chuyện giờ mới được biết được kể. Nhưng Lê Văn Nghĩa đã gom lại tất cả và cấp cho chúng một giọng kể khi nghiêm túc khi cà tửng cà rem nên đọc sách thấy vui nhộn sinh động khiến chuyện hôm qua mà như hôm nay. Người nghiên cứu có thể tìm thấy ở đây một ít tư liệu và dẫn liệu. Người đọc bình thường có thể vỡ nhẽ ra được đôi điều chưa biết trước nay về một hợp phần văn chương dân tộc.

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa là một cây bút trào phúng nổi tiếng của báo Tuổi Trẻ nhiều năm qua. Cuốn sách "Văn học Sài Gòn 1954 - 1975. Những chuyện bên lề" tiếp tục mạch viết mới của ông về Sài Gòn xưa mà không cũ.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Bến Tre 26/10/2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem