Đọc sách cùng bạn: Chúa ban phước lành cho người di chuyển
Đọc sách cùng bạn: Chúa ban phước lành cho người di chuyển
Phạm Xuân Nguyên
Thứ ba, ngày 08/12/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Cuốn sách hôm nay tôi đưa tới bạn là cuốn tiểu thuyết "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" của nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk. Tác phẩm này được viết năm 2007 và đến năm 2018 nhờ nó Olga Tokarczuk đã trở thành nhà văn Ba Lan đầu tiên được giải Man Booker quốc tế.
Olga Tokarczuk sinh năm 1962, được tặng giải Nobel văn chương 2018 (trao 2019) "Vì trí tưởng tượng dựa trên các quan sát tinh tế, kết hợp với sự say mê của bộ óc bách khoa, bà đã chỉ ra cho chúng ta thấy việc vượt qua các ranh giới như là một dạng của cuộc sống. Bà chưa bao giờ xem hiện thực là thứ gì đó ổn định và tồn tại vĩnh hằng" như lời vinh danh của Ủy ban giải thưởng Nobel. Điều đó bạn sẽ thấy rõ khi đọc cuốn sách này.
Mang tên thể loại là tiểu thuyết, nhưng đọc "Bieguni" bạn sẽ bất ngờ vì nó không giống với tiểu thuyết mà bạn thường đọc. Olga Tokarczuk trong một lần trả lời phỏng vấn cho biết: "Hầu hết những chuyện trong sách đều dựa trên kinh nghiệm của tôi với tư cách là một du khách, nhưng không phải hoàn toàn là thế, vì người kể chuyện trong sách này là được tạo ra, được thiết kế. Ví dụ, điều đầu tiên là từ ý định viết một cuốn tiểu thuyết theo kiểu chòm sao, một cuốn tiểu thuyết được xây nên từ các phân mảnh, vậy thì anh phải có một cái gì đó vững vàng. Một vị trí vững vàng trong cuốn sách này. Và tôi nhận ra ngay từ đầu là phải có một người kể chuyện rất mạnh. Và tất nhiên, tôi đã tạo ra người kể chuyện này từ những cái của tôi – viễn cảnh riêng của tôi, góc nhìn của tôi, các phẩm chất của tôi, v.v.".
Cuốn tiểu thuyết không có cốt truyện mà là tập hợp của 116 đoạn văn, đoạn ngắn chỉ có một câu, đoạn dài hơn ba chục trang, bao gồm những ghi chép, truyện ngắn, tư liệu khoa học và lịch sử. Tác phẩm ra đời từ niềm yêu thích các bản đồ và phong cảnh nhìn từ trên cao xuống của nhà văn. Do đó những thế giới vi mô trong tác phẩm của bà là tấm gương soi của thế giới vĩ mô. Bà xây dựng các tiểu thuyết của mình giữa những sự đối lập căng thẳng về văn hóa: giữa tự nhiên và văn hóa, lý trí và điên dại, đàn ông và phụ nữ, ở nhà và lang thang. Tiểu thuyết "Bieguni" nổi bật ở cách viết kiểu bản đồ và nhìn từ trên cao như vậy. Nó là một cuốn sách hấp dẫn, khiêu khích suy nghĩ nếu ta làm quen được cách viết khác lạ này của nhà văn. Thoạt nhìn khó hiểu logic xâu chuỗi của 116 đoạn văn này, nhưng càng đọc thì dụng ý của tác giả càng hiện rõ. Cuốn sách là những chuyến đi xuyên không gian và thời gian.
BIEGUNI, NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NGỪNG CHUYỂN ĐỘNG
Tác giả: Olga Tokarczuk (Ba Lan)
Dịch giả: Nguyễn Văn Thái (từ tiếng Ba Lan)
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2020
Số trang: 494 (khổ 15,5x23,5
Số lượng: 1708 (1500 bìa mềm, 208 bìa cứng)
Giá bán: 185.000
"Bieguni" do hai từ "bieg" (chạy) và "ucieczka" (chạy trốn) ghép lại dùng để chỉ những người lang thang, thích cuộc sống thường xuyên chuyển động hơn là đời sống tĩnh tại, cố định. Tên gọi đó có liên hệ đến một giáo phái cổ. Người kể chuyện xưng "tôi" trong sách, một cái tôi khác của tác giả, có bố mẹ là những người cũng thích du lịch năm một lần nhưng họ đi là để trở về, còn "tôi" thì khác. "Chắc hẳn là tôi thiếu một gen di truyền nào đó, thứ tạo ra tình trạng là chỉ cần dừng lại ở đâu đó lâu một chút, thì ngay sau đó rễ đã mọc ra. Rất nhiều lần tôi thử, nhưng rễ của tôi lúc nào cũng ăn rất nông và chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi tới cũng làm tôi lật nhào. Tôi không biết nảy mầm, tôi bị tước mất cái khả năng đó của thực vật. Năng lượng của tôi sinh ra từ chuyển động – từ rung chuyển của ô tô buýt, từ tiếng gầm của động cơ máy bay, từ sự chòng chành của phà và tàu hỏa" (tr. 15). Đứng yên là đứng về phe cái Ác. "Bọn bạo chúa dưới mọi hình thức, những kẻ phục vụ dưới địa ngục có trong máu sự hận thù đối với người du mục – chính vì thế chúng truy nã những người Digan và Do Thái, vì thế chúng cưỡng ép bắt tất cả những người tự do phải định cư, buộc phải có địa chỉ, thứ đối với chúng ta như một bản án" (tr. 319) một bieguni đã nói như thế khi kêu gọi mọi người hãy lắc lư, chuyển động đi. Đến đâu thì đó là nhà. Và đây là giọng chủ đạo của cuốn tiểu thuyết. Theo Olga Tokarczuk, "những người man rợ không đi đây đi đó. Họ chỉ đến giản là đến nơi cần đến hoặc tiến hành đột kích".
Đọc "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" thấy thú vị theo cách mà những thứ không thể phân loại được cũng thú vị — có nghĩa là, đôi khi nó cũng gây bối rối khó hiểu cho người đọc. Nó lúc là tác phẩm hư cấu, nhưng có lúc lại là một bài tập lý thuyết về nhân học văn hóa và là hồi ký. Người kể chuyện, một nhà văn Ba Lan không tên với con mắt thèm khát và nhu cầu đi du lịch không nguôi, đã trình ra một cuốn sách lớn với nhiều phần khác lạ: trong nó có những bài luận nhỏ về sân bay, các hoạt động hành lang khách sạn, tâm lý học du lịch, sách hướng dẫn du lịch, những biến đổi thú vị một từ trong tiếng Ba Lan, những châm ngôn của nhà triết học Pháp gốc Rumania M.Cioran. Có đoạn chỉ ngắn gọn vài câu như châm ngôn: "Trên máy bay giữa 8h45 và 9h00. Theo tôi thấy thì nó kéo dài một tiếng đồng hồ và lâu hơn" (tr. 151). Xen kẽ là những câu chuyện hư cấu dài hơn, lấy bối cảnh ở khắp nơi trên thế giới và trong các thời đại khác nhau, như thể chúng là các đồ vật được tìm thấy và Tokarczuk chỉ là người thu gom lại thôi: một người đàn ông Ba Lan trong kỳ nghỉ trên một hòn đảo ở Croatia tìm kiếm vợ con bị mất tích; một giáo sư nổi tiếng được thuê làm hướng dẫn viên ngôi sao trên một con tàu du lịch Hy Lạp bị rơi trên boong tàu và chết ở Athens; một người mẹ Nga bao năm phải chăm sóc đứa con trai bị bệnh nặng đã lâu, rời khỏi nhà và rời khỏi cuộc sống của mình, thử sống một cuộc sống khác đầy bất trắc bằng cách đi tàu điện ngầm ở Moscow và ở với những người vô gia cư; hành trình đưa trái tim của nhạc sĩ thiên tài Ba Lan F. Chopin từ Paris nơi ông mất về nơi an nghỉ theo mong muốn của ông tại quê nhà, thủ đô Warsaw; một bác sĩ người Đức, bị ám ảnh bởi các bộ phận cơ thể (ông ta giữ các bức ảnh chụp âm hộ trong hộp các tông), đến một hội nghị để nói chuyện về bài báo của mình "Bảo quản các mẫu bệnh phẩm bằng kỹ thuật plastic hóa silicon".
Olga Tokarczuk nói về từ điển mở Wikipedia, coi đó là "dự án lương thiện nhất để tìm hiểu con người", là điều kỳ diệu lớn nhất của thế giới. Nhưng rồi bà lại thấy những điều trong đó là những điều chúng ta có thể nói ra, có thể dùng từ ngữ biểu đạt. Nhưng như thế thì nó không chứa đựng được mọi thứ. Và bà đề nghị chúng ta cần nên có một bộ sưu tập kiến thức khác để cân bằng lại, ngược với Wikipedia, như là cái lần vải lót bên trong của nó, để ghi lại tất cả những điều chúng ta chưa biết mà không bảng chỉ dẫn nào tóm được, không máy móc nào tìm kiếm được. Một thứ vật chất và phản vật chất, tin học và phản tin học (tr. 95). Hoặc khi theo dõi kỹ thuật bảo quản xác chết bằng polyme bà có cảm giác lo ngại "kỹ thuật luôn biến nguyên bản thành bản sao" (tr. 488).
Tác giả bài điểm sách trên tờ báo Anh "The Guardian" về cuốn tiểu thuyết này trong bản dịch tiếng Anh đã khuyên các khách sạn ở châu Âu nên có một bản để trên bàn ngủ cho khách và cho rằng không có bạn đồng hành du lịch nào tốt hơn vào cái thời cuồng loạn hiện nay. Nhân nói về bản dịch thì bản tiếng Anh với đầu đề "Flights" (Những chuyến bay) không chuyển tải được từ "bieguni" trong nguyên bản tiếng Ba Lan. Bản dịch tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Thái hiện sống ở thủ đô Ba Lan và đã có nhiều dịch phẩm của nền văn học này, giữ được nguyên từ chìa khóa và thêm sự giải nghĩa vào tên tác phẩm là một phương án khả dĩ – "Bieguni, những người không ngừng chuyển động".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.