Đọc sách cùng bạn: Chuyện làng chuyện nước chuyện người

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 16/10/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đọc cùng bạn tiểu thuyết "Cuốn gia phả bị thất lạc" của Hồ Sỹ Hậu.
Bình luận 0

Đó là cuốn gia phả của gia tộc Hồ Thiện, một dòng họ không được chi họ Hồ ở Xóm Giếng làng Tiềm công nhận. Tại sao lại thế thì bạn đọc cuốn tiểu thuyết sẽ biết. Nhưng cuốn tiểu thuyết không chỉ nói chuyện cuốn gia phả bị thất lạc. Nó còn là cuốn sử làng Tiềm trong 90 năm, từ 1885 đến 1975, trong các cơn xáo động lịch sử với mấy lớp người có học, có chí khí cứu nước, và có cả những nỗi niềm thăng trầm thế sự. Có thể nói đây là chuyện một làng nhưng thu gọn chuyện của cả nước.

Đọc sách cùng bạn: Chuyện làng chuyện nước chuyện người - Ảnh 1.

Làng Tiềm trong truyện có nguyên mẫu là làng Quỳnh Đôi ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Và những nhân vật họ Hồ trong truyện đều mang hình bóng những con người thật họ thật ở đất này. Họ Hồ, một dòng họ danh giá của làng Quỳnh (làng Tiềm), phát khởi từ một cụ Tổ duy nhất là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật từ Chiết Giang (Trung Quốc) sang Việt Nam hồi thế kỷ X. Hồi đầu tổ tiên truyền lại "Châu trung Hồ tính giai kỳ miêu duệ" (Người họ Hồ trong cùng châu quận chỉ thờ một miếu). Kịp đến khi con cháu họ Hồ tỏa đi các nơi sinh sống thì câu đó đổi thành "Quốc trung Hồ tính giai kỳ miêu duệ" (Họ Hồ nước Nam chỉ thờ một miếu). Tóm lại, ở nước Nam họ Hồ chỉ có một ("Đại Nam nhất Hồ"). 

Tác giả Hồ Sỹ Hậu đã trung thành với lịch sử làng, lịch sử dòng họ mình để tái hiện trên trang sách cả một thời kỳ lịch sử gần thế kỷ của một dòng tộc và một quê hương giàu truyền thống khoa bảng và yêu nước. Người làng, người làm lịch sử dòng họ đọc sách sẽ dễ nhận ra nhân vật văn chương ứng với nhân vật lịch sử nào, ví như Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan… Nhất là khi ở cuối sách tác giả còn cẩn thận lập sơ đồ gia phả của hai nhánh dòng họ Hồ được nói đến trong truyện. 

Nhà báo Hồ Bất Khuất - một người con làng Quỳnh trong lời bạt nói rằng anh có thể gọi họ tên thật tới 2/3 số nhân vật được "tiểu thuyết hóa" trong sách này và anh gọi đây là cuốn "tiểu thuyết tư liệu lịch sử". Người đọc bình thường cứ đọc theo sách truyện thì cũng thấy được tấm gương những con người đã sống chết vì đất nước, từ đó biết được truyền thống của một dòng họ, một vùng đất.

CUỐN GIA PHẢ BỊ THẤT LẠC

Tác giả: Hồ Sỹ Hậu

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2020

Số trang: 393

Số lượng: 1500

Giá bán: 138.000

Tác giả đã kể lịch sử làng Tiềm với những thế hệ người họ Hồ cùng dân làng trải qua các biến thiên lịch sử trong phần lớn cuốn sách dưới dạng một bức tranh chung, trong đó các nhân vật thay nhau xuất hiện. Nhưng có một nhân vật mà về cuối sách được tác giả tập trung dọi sáng – Hồ Kiên. Đó là khi lịch sử chuyển sang thời hiện đại, cách mạng thành công. Bên cạnh những thắng lợi, cách mạng cũng phạm những sai lầm, như khi thực hiện cải cách ruộng đất một cách quá tả. 

Hồ Kiên trong truyện là một trong những người lãnh đạo chính của cuộc cải cách ruộng đất. Trước khi thể hiện những suy nghĩ dằn vặt của Hồ Kiên về sai lầm của mình và tổ chức của mình, tác giả đã có đoạn nói đến suy nghĩ của Nguyễn Trụ, một người từng hoạt động trong phong trào và đã bị xử tử hình trong cải cách ruộng đất. Khi tranh luận với các bạn đồng chí, Nguyễn Trụ đã không đồng ý với quan điểm coi tất cả những người giàu có đều là bóc lột, trí thức là xấu, quan điểm triệt tiêu cá nhân, quan điểm không chấp nhận bất kỳ tôn giáo nào nên dẫn tới phá các công trình mang tính tâm linh. "Thắng lợi rồi, khi bắt tay vào xây dựng cuộc sống như mình mong muốn trong đời thực, các anh ấy phải thay đổi, nếu không, sẽ thất bại" (tr. 271).

Hồ Kiên khi nhận ra những sai lầm của cải cách ruộng đất đã dằn vặt chất vấn mình rất nhiều. Rồi một đêm anh mơ thấy người đồng chí bị treo cổ hiện về như hỏi "giờ anh làm lớn, anh có hiểu nỗi khổ của dân không, có hiểu nỗi oan ức của chúng tôi không", mơ thấy Trụ và cả đoàn người đầy thương tích vây lấy mình kêu to "Hãy trả lại tính mạng, danh dự và của cải cho chúng tôi! Chúng tôi bị oan, anh có biết không!". Vòng vây của những con người bị chết oan ức đó ngày càng xiết lại quanh Kiên. "Kiên muốn nói một lời xin lỗi, nhưng có cái gì đó đè lên ngực, chặn ngang cổ khiến anh tắc thở, không thể cất thành lời. Anh choàng tỉnh, mồ hôi đầm đìa trên trán. Anh bàng hoàng, không ngờ có ngày mình lại là một mắt xích mang lại đau khổ cho bao người. Với tư cách là một trong những người được giao trọng trách, anh cảm thấy hổ thẹn trước những người dân làng Tiềm, hổ thẹn với cả tiền nhân và hậu thế. Từ chỗ tự tin rằng mình đang làm một việc quan trọng là mang lại lợi ích cho dân cày, giờ hiểu ra mình và các đồng chí đang vô tình hành động ngược với mục tiêu cao cả đó" (tr. 334). 

Cuối cùng Kiên bị cách hết mọi chức vụ, đang từ một vị trí rất cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, ông trở thành một cán bộ của một trường trung cấp chuyên đào tạo và bồi dưỡng cán bộ về công tác nông thôn. Ông chấp nhận kỷ luật ấy vì coi đó là "đang thực hiện nhiệm vụ làm nơi xả nỗi bất bình của dân với Đảng" (tr. 341). 

Đọc đến đây thì bạn càng thấy rõ tính chất "tiểu thuyết tư liệu lịch sử" của tác phẩm này. Bởi Hồ Kiên đây là một nhân vật lịch sử có thật và là hình bóng thân phụ của tác giả - nhà cách mạng Hồ Viết Thắng (1918 – 1998). Cuốn tiểu thuyết vì thế phần nào có cả tính chất tự truyện và nghiêng về truyện ký nhiều hơn. Nhà văn viết những suy nghĩ của nhân vật với nỗi lòng của người con mong muốn một sự minh định lịch sử cho người cha: "Sai lầm là sai lầm chung. Sẽ có nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất trong bộ máy lãnh đạo của Đảng bị kỷ luật, nhưng với dân, cần một người chịu kỷ luật nghiêm khắc nhất để thể hiện sự nghiêm minh của Đảng thì anh là người thích hợp nhất nhận trách nhiệm đó; và nếu việc đó khiến dân giảm bớt oán trách Đảng thì anh càng sẵn lòng chấp nhận" (tr. 339-340). Đây là một một góc nhìn khác về cải cách ruộng đất xuất phát từ người trong một gia đình cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm việc này. 

Những vấn đề sự kiện của lịch sử để lại sẽ còn được soi chiếu, phân tích từ nhiều nguồn, nhiều chiều, nhất là những sự kiện lớn có tính bi kịch. Trong phạm vi hiểu biết và khả năng suy xét của mình, Hồ Sỹ Hậu chỉ mới đưa ra những kiến giải bước đầu về cải cách ruộng đất và cha mình. Việc làm này cũng không phải dễ dàng với ông vì ở địa vị người con và cả vì trong gia đình không phải ai cũng ủng hộ, muốn khơi lại một nỗi đau. Nhưng tác giả thấy cần phải viết ra sự thật để minh định lại nhân cách của cha mình, nhà cách mạng Hồ Viết Thắng. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm con người và sự kiện này qua cuốn sách của nhiều tác giả "Hồ Viết Thắng – Một cuộc đời, một nhân cách" (Nxb Phụ Nữ, 2019) ra nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh của ông. Mong rằng Hồ Sỹ Hậu có thể tiếp tục đi sâu vào đề tài này từ góc độ một người viết tiểu thuyết, ví như lấy Hồ Kiên là một nhân vật trung tâm trong một tác phẩm viết riêng về sự kiện lịch sử đó.

Và cuốn gia phả bị thất lạc cũng đã được tìm thấy để gia tộc Hồ Thiện được nhận về họ Hồ chi Xóm Giếng. Điều này có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là nguồn mạch họ Hồ, rộng ra là nguồn mạch nước Nam, mãi truyền đời phát triển, không phải như lời trấn yểm của một thầy phù thủy Tàu năm nào (tr. 166). Cuốn tiểu thuyết kết lại bằng những lời người cha bao năm mong tìm lại được cuốn gia phả dặn lại cháu con: "Giữa làng Tiềm khoa bảng này, cuộc đời của cha là rất khiêm nhường. Nhưng trải qua bao thăng trầm lịch sử của làng, của nước, cha không ân hận với những gì đã làm: sống lương thiện, biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ giá trị của làng Tiềm, của dòng họ. Suốt mấy trăm năm nay, những người ra đi đều góp phần làm rạng danh làng Tiềm, và lớp người sau vẫn thế. Con hãy dạy cho các cháu hiểu điều này, và nhc chúng luôn phải chịu khó học hành, làm ăn, để chí ít thành người có ích, xứng đáng là người làng Tiềm, là con cháu của dòng họ Hồ" (tr. 392).

Tác giả Hồ Sỹ Hậu là một trong những người họ Hồ như vậy. Cuốn tiểu thuyết này thực chất là một cuốn sử dòng họ và sử làng được hư cấu hóa. Hình bóng tác giả có trong sách gắn với nhân vật Hồ Kiên. Ông sinh năm 1946, nhập ngũ từ Đại học Bách khoa Hà Nội và được phong hàm thiếu tướng, từng giữ chức Cục trưởng Cục kinh tế (Bộ Quốc phòng). Trước "Cuốn gia phả bị thất lạc" ông đã có tiểu thuyết "Dòng sông mang lửa" (2013) viết về bộ đội xăng dầu là binh chủng ông tham gia thời chiến tranh, và tập truyện ký "Con chim anh vũ của tôi" (2020).

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 14/10/2020


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem