Đọc sách cùng bạn: Di sản chữ, di sản đời

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 25/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn bộ toàn tập tác phẩm của học giả - nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007).
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Di sản chữ, di sản đời - Ảnh 1.

Bộ sách này gồm 7 tập. Tập 1 có lời Nhà xuất bản cùng bài viết của Giáo sư Phong Lê, bài giới thiệu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và in hai tập truyện ngắn “Dịch cát”, "Hương máu” và những truyện ngắn khác ngoài hai tập trên. Tập 2 in hai tiểu thuyết “Bão rừng” và “Kỳ nữ họ Tống”. Tập 3 in các công trình biên khảo "Khi những lưu dân trở lại”, “Phong trào Duy Tân”, "Văn học trình diễn”, "Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc”. Tập 4 in Quảng Nam (Dinh trấn Thanh Chiêm,Hội An), Đà Nẵng xưa và nay hình thành và phát triển. Tập 5: Văn học phê bình. Tập 6: Chân dung nhân vật. Tập 7: Những bài viết khác, Con người và sự nghiệp (Ký ức bạn bè, đồng nghiệp, học trò vềnhà văn Nguyễn Văn Xuân), Tổng mục lục.

NGUYỄN VĂN XUÂN TOÀN TẬP

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

Trọn bộ 7 tập

Số lượng: 300 bộ

Tổng số trang: 3.830

Giá bán cả bộ: 2.500.000đ

Bộ toàn tập với 7 tập như trên là sự hệ thống hoá trước tác cả đời của học giả - nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Từ đây bạn đọc sẽ có dịp đọc được và được đọc một cách hệ thống, tập trung những gì Nguyễn Văn Xuân đã viết ra trong hành trình văn chương và học thuật của mình. Từ đây mỗi người tuỳ mối quan tâm tìm hiểu của mình mà có thể chọn một cuốn hoặc cả bộ để đọc và bồi bổ tri thức về những vấn đề chính trí địa lý lịch sử văn hoá của một vùng đất. Bộ toàn tập cũng là một tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu về Nguyễn Văn Xuân - một nhà nghiên cứu về đất Quảng Nam ("Quảng Nam học"), về đất phương Nam, về nước Việt miền Nam. Như vậy bộ toàn tập này sẽ giúp bạn biết về Quảng Nam và phương Nam qua Nguyễn Văn Xuân và biết cả về ông. Hơn thế, việc xuất bản toàn tập của một người sống và trước tác ở phía Nam đất nước trước 1975 như Nguyễn Văn Xuân cũng là một bước đi về phía tập hợp các di sản văn hoá đến từ nhiều nguồn để tổng thành một nền văn hoá dân tộc đa dạng và thống nhất.

Bởi Nguyễn Văn Xuân là một học giả đáng tin cậy cho những ai muốn biết về quá trình Nam tiến của dân tộc Việt trong hành trình mở cõi về phương Nam. Với những ai chưa đọc Nguyễn Văn Xuân lần đầu tiếp xúc với ông tôi giới thiệu bạn hãy làm quen trước hết từ cuốn "Khi những lưu dân trở lại" của ông. Được in lần đầu năm 1969 (Nxb Thời Mới, Sài Gòn), cuốn sách này của Nguyễn Văn Xuân nói đến sự mở cõi về văn hoá văn nghệ của những lưu dân từ Bắc và Trung vào Nam. Họ phải từ bỏ quê hương bản quán đi vào một nơi xa cách xa lạ. Nhưng chính ở nơi đó đã cho họ cơ hội được tự do và thay đổi để một cách không tự giác tạo ra những hình thức văn nghệ mới trên vùng đất mới. Đọc Nguyễn Văn Xuân bạn sẽ biết vì sao văn nghệ phía Bắc là để đọc nhưng khi vô Nam lại là để nói để nghe. Nghĩa là văn nghệ trong Nam đặt tính tính trình diễn, diễn xướng lên hàng đầu. Ông viết: "Văn chương miền Nam Hà đã gần như có hẳn những phương pháp, những quy luật, một cá tính tách biệt hẳn sự phát triển của văn chương Bắc Hà từ ngã rẽ Nguyễn Hoàng. Ấy là văn chương Đàng Ngoài tuần tự mà rất chắc chắn tách lần làm hai trên con đường phát triển, như hai con tuấn mã song hành: văn chương bác học và bình dân. Sự phát triển ấy trở thành truyền thống rõ ràng qua thế kỷ XVIII, XIX, XX; loại văn thứ nhất, loại thành văn bao giờ cũng lấy đối tượng trí thức làm căn bản. Ngược lại, văn chương miền Nam bao giờ cũng cố gắng bình dân hoá, và đối tượng là đại quần chúng lao động. Trên căn bản ấy, phương pháp của văn chương miền Bắc nặng về xem, tức là tác giả có thể cầm tác phẩm tự mình đọc thầm để suy tư và cái hay chính nằm trong lối xem và suy tư đó; văn chương miền Nam nặng về nói và trình diễn, tức độc giả thường chỉ thấy hay trong lối đọc to để tự mình nghe và để cho kẻ khác cùng nghe với mình và cái hay cũng nằm trong  lối nghe để rung cảm đó." Có thể coi Nguyễn Văn Xuân là một trong những người tiên phong nghiên cứu về hành trình Nam tiến của người Việt trong quá trình lịch sử. Đây là một hướng nghiên cứu mà lâu nay chưa được chú ý trong ngành sử nước nhà và hiện nay đang bắt đầu được quan tâm.

Ở Đà Nẵng, Quảng Nam, những ai biết Nguyễn Văn Xuân đều gọi ông bằng tiếng Thầy thân thương, quý trọng. Đó không chỉ vì ông đã có một thời làm thầy giáo. Tiếng Thầy dành cho ông còn nặng một lòng biết ơn ông đã viết những trang sách mở mang hiểu biết cho nhiều người về nơi mình sống, về dịa dư lịch sử của một vùng đất. Bộ toàn tập gồm 7 tập của học giả - nhà văn Nguyễn Văn Xuân chứa đựng nhiều cái hay ở trong. Đó là một di sản chữ, di sản đời của một người con Quảng Nam để lại cho quê hương mình, nhất là sắp tới đây tỉnh Quảng Nam kỷ niệm 550 năm danh xưng này của một vùng đất địa linh nhân kiệt. Dịp đó bộ sách này là một sản phẩm quý của địa phương mà Nhà xuất bản Hội Nhà Văn với chi nhánh ở Đà Nẵng cùng sự góp sức của Sở Văn hoá và Thể thao của thành phố bên sông Hàn đã kịp thời cho ra mắt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một người con Quảng Nam, đã mua ngay 40 bộ Nguyễn Văn Xuân toàn tập để làm quà tặng cho các khách quý như một sự giới thiệu và quảng bá một con người văn hoá xứ Quảng.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 24/12/2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem