Nếu ai chỉ nhìn tên tác giả sách này và nhận ra một cái tên quen thuộc trên truyền thông thì sẽ giật mình khi đọc hết sách này. Tại sao? Tại không ngờ người ấy như thế ấy đã có một đường đời tréo ngoe đến vậy.
Nếu ai chỉ nhìn tên tác giả sách này và nhận ra tên một người con của một nhân vật lịch sử nổi tiếng gắn với Thủ đô Hà Nội thì sẽ giật mình khi đọc hết sách này. Tại sao? Tại không ngờ xuất thân thế ấy mà cuộc đời lại thế ấy.
Tóm lại, tại sao khi đọc hết sách này độc giả lại giật mình?
Bởi lẽ tác giả, con người ấy, ở trong một gia cảnh như thế ấy, đường đời lẽ ra phải thế ấy, nhưng rốt ra cuộc đời lại không như thế ấy.
RONG CHƠI GIỮA DÒNG ĐỜI
Tác giả: Trần Tiến Đức
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022
Số trang: 620 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 300
Giá bán: 362.000đ
Cuốn sách này là truyện của một người mang tên Trần Tiến Đức. Đó là con trai của bác sĩ Trần Duy Hưng, vị thị trưởng Hà Nội đầu tiên của chính quyền mới sau năm 1954 do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn. Tuổi thiếu niên ông đã được theo bố lên chiến khu Việt Bắc đã từng được chui vào giường nằm ngủ cùng Bác Hồ. Rồi là vì trong hàng ngũ "hạt giống đỏ" của cách mạng ông được chọn đi học ở Trung Quốc, sau đó là sang Liên Xô học đại học. Những tưởng cuộc đời ông sẽ được trải thảm đỏ để thăng tiến trên đường công danh, giữ một chức vụ cao trong bộ máy và phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của mình. Nhưng không!
Trần Tiến Đức đang học dở ngành luyện kim ở Liên Xô thì buộc phải về nước cùng nhiều thanh niên Việt Nam khác thời đó do cuộc đấu tranh về "phe xét lại" bùng ra trong phe xã hội chủ nghĩa. Ông về nước nhưng khi tình hình tạm yên thì ông lại không được trở sang Liên Xô học tiếp như các bạn bè khác, mà phải ở lại trong nước. Không ai biết do tại sao. Bố ông tuy đang ở cương vị lãnh đạo Thủ đô cũng không được biết mà cũng không can thiệp cho con mình. Thế là "hạt giống đỏ" Trần Tiến Đức văng ra khỏi quỹ đạo định sẵn. Nhưng nhờ thế ông đã được sống theo quỹ đạo của mình.
Quỹ đạo của một con người có năng lực, có ý chí quyết tâm, có tinh thần vượt qua nghịch cảnh để tự mình khẳng định mình, không dựa dẫm vào uy thế của bất kỳ ai, ngay cả là bố mình. Ông đã xông pha vào những lĩnh vực công việc mới mẻ như truyền thông dân số - kế hoạch hoá gia đình. Ông đã hoạt động trong lĩnh vực truyền hình, tham gia chủ chốt lập cầu truyền hình và là một người dẫn chương trình về chuyến bay vào vũ trụ của phi công Phạm Tuân từ sân bay Baikonur (Liên Xô) năm 1980. Không vì nghịch cảnh mà thất vọng, thoái chí, Trần Tiến Đức đầy nghị lực và cảm xúc thử thách mình trong nhiều công việc mới mẻ. Ở đâu ông cũng tìm tòi, sáng tạo. Ở đâu ông cũng lạc quan sống. Một giọng bình luận bóng đá hào hứng, say mê – đó là Trần Tiến Đức. Một giọng ca, một tiếng đàn – đó là Trần Tiến Đức.
Vì thế đọc hết sách này bạn sẽ hiểu tại sao ông lại đặt tên cho cuốn sách mang tính hồi ức, tự truyện của mình là "Rong chơi giữa dòng đời". Từ một khả thể làm quan, bị lâm tình thế hiện sinh, Trần Tiến Đức đã chọn cho mình một cách thế làm người thường. Và chọn một cách hành thế là "rong chơi". Đọc hết sách thì thấy ông quả là "rong chơi" theo nghĩa làm nhiều nghề nhiều việc không theo đúng ngành mình học mà theo năng lực và sự say mê cá nhân. Nhưng "rong chơi giữa dòng đời" tôi muốn hiểu đó còn là một thái độ sống, một sự lựa chọn tồn tại. Trần Tiến Đức đã được sống cuộc đời của mình.
Cuốn sách được tác giả viết ra khi bước sang tuổi tám mươi. Nhớ nhớ quên quên. Là ký ức của một con người nhưng khi con người ấy do hoàn cảnh của mình mà được thấy được nghe những chuyện vượt ra ngoài phạm vi gia đình, liên quan đến những người và việc mang tầm vóc lịch sử thì cuốn sách của Trần Tiến Đức tự nhiên khiến người đọc phải quan tâm tới cả phương diện lịch sử lớn nữa. Mà ngay như nói về cha mình, bác sĩ Trần Duy Hưng, ông cũng đã nói về lịch sử. "Người tôi muốn nhắc đến đầu tiên là cha tôi, bác sĩ Trần Duy Hưng. Ông đã truyền cho tôi đức tính nhân ái, lòng vị tha, gieo trong tôi nỗi đam mê với âm nhạc và nghệ thuật từ thuở tôi còn thơ ấu. Ông không thuyết giảng cho tôi về triết lý sống, mà truyền cho tôi triết lý đó bằng lối sống của mình, trung thực, ngay thẳng, không luồn cúi, không vụ lợi. Những lúc tôi vấp ngã, những lúc tôi khó khăn như khi bị giữ lại không cho đi học tiếp, ông không có một lời trách móc, một lời phán xét, mà luôn đồng cảm. Ông tạo cho tôi một cảm nghĩ rằng ông đồng tình với những gì tôi làm, vì nó đúng với bản chất và con người tôi, con người ông. Ông luôn tin rằng tôi biết sống đúng với những khuôn thước đạo đức và những giá trị sống của chính ông, nên không bao giờ xin xỏ cho tôi và con cái bất kỳ một ơn huệ gì, tin rằng chúng tôi biết tự mình vươn lên trong cuộc sống.
Tôi biết cuộc đời đã chọn ông có một vị trí trong chính trường Việt Nam, nhưng đó không phải là lựa chọn của ông, và với phẩm cách của mình, ông tỏ ra không thích hợp với môi trường đó, nhưng đành chấp nhận. Tôi hiểu ông bàng hoàng thế nào, khi bị an trí tại Chiêm Hóa cùng với một số trí thức khác sau chỉnh huấn 1952, thất vọng thế nào khi chính quyền đối xử với ông thật phũ phàng trong những năm cuối của cuộc đời, từ chối không cho ông sang Pháp chữa bệnh vào phút chót, nhưng không một lời ca thán với chúng tôi về những chuyện đó. Tôi khắc sâu tình cảm yêu thương của ông đối với con cháu trong nhà, một tình thương bao la. Người ta thường nói qua ngôi mộ có thể đánh giá về con người khi sống. Giờ đây ông yên nghỉ trong một phần mộ không có gì đặc biệt so với những người dân cùng quê tại nghĩa trang Hòe Thị, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bên mẹ tôi, bên tổ tiên, chứ không ở nghĩa Trang Mai Dịch.
Mà ngay lúc còn nằm ở đó, bia mộ ông chỉ có mấy dòng chữ: "Bác sĩ Trần Duy Hưng, sinh năm 1912, mất năm 1988", không chức tước, không huân chương."
Ngẫm hay, ông Trần Tiến Đức đã sống đúng cốt cách của cha mình, của những người trí thức biết giữ phẩm giá của mình. Và cuộc rong chơi giữa dòng đời của ông dẫu có những khúc quanh ngã rẽ vẫn đáng là một cuộc CHƠI.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.