Đọc sách: Viết như một cách sống

Phạm Xuân Nguyên Thứ tư, ngày 19/05/2021 07:07 AM (GMT+7)
Chào bạn, hôm nay tôi đưa đến bạn cuốn tiểu thuyết “Tự sự của hạt mưa” của tác giả Lê Na.
Bình luận 0
Đọc sách: Viết như một cách sống - Ảnh 1.

Hạt mưa trong truyện này là thân phận người nữ. Tác giả đã ghi ngay đầu sách hai câu thơ Kiều của Nguyễn Du "Hạt mưa sá nghĩ phận hèn / Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân". Bạn cũng có thể liên hệ đến bài ca dao "Thân em như hạt mưa rào / Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa / Thân em như hạt mưa sa / Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày". Một chút "liên văn bản" được nói rõ ngay từ đầu như vậy có còn gây bất ngờ cho người đọc sách?

Vẫn đầy bất ngờ! Truyện chỉ có hai nhân vật nữ được gọi bằng hai ký tự X. và M. Hai giọng kể đan xen, hoà trộn, thêm giọng thứ ba của người kể chuyện, đưa người đọc vào cuộc sống của họ từ nhỏ đến lớn, đi vào thế giới bên trong của họ, cùng họ đến mấy nước Đông Nam Á. Họ cùng nhau và tự riêng mỗi người đi trên một hành trình khám phá bản thân thông qua những trải nghiệm va đập các môi trường văn hoá khác nhau. Đào Lê Na đã tạo ra một cách viết tôi tạm gọi là "xuyên thông" các ranh giới thể loại nhật ký, du ký, tự truyện, hư cấu, phi hư cấu để cho phép mình thoải mái nói đến nhiều chuyện trong nhiều lĩnh vực. Hai nhân vật thực chất là hai người dẫn chuyện của tác giả. Hoặc cũng có thể coi X. và M. là hai mặt của một con người đối lập và thống nhất. X. là nhân vật do M. tạo ra hay ngược lại? Trong truyện M. chỉ hiện diện trong những trang nhật ký của mình và phản chiếu trong tâm tưởng của X. Rốt cục tự sự của hạt mưa là của hai mà một - người nữ.

TỰ SỰ CỦA HẠT MƯA

Tác giả: Lê Na

Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2019

Số trang: 196 (khổ 13,5x20,5cm)

Số lượng: 1.200

Giá bán: 73.000

Đầu truyện X. hiện ra với người đọc qua cái nhìn của M. là một người nữ bị mất trí nhớ do bị trầm cảm sau mấy lần sinh nở không thành vì sự phản bội của chồng. Cuối truyện X. viết thư cho M. sau khi đã trải qua cả một cuộc vật lộn tìm kiếm mình. Trong bức thư này M. được gọi rõ tên là Mi và X. ký tên là Xuân. Bạn đọc sẽ đi đến đoạn kết truyện trong thư của X. là thế này: "Và dường như tớ đã mang bầu lần thứ tư rồi cậu ạ. Cậu có thắc mắc đó là con của ai không? Với chồng cũ hay một người đàn ông nào tớ đã găp? Tớ nghĩ, với cậu, tớ không cần phải giải thích. Chỉ đơn giản, nó là con tớ, nó lớn lên bằng huyết máu của tớ. Và rồi nó sẽ độc lập với tớ sau khi ra đời. Tớ đã biết mình có thể làm gì để bảo vệ con, để con được sinh ra khoẻ mạnh. Tớ chắc chắn, con sẽ không rời bỏ tớ thêm một lần nào nữa." (tr. 196). Có phải như thế là tác giả muốn nói hai nhân vật đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi thực thể "tôi là ai?" Hạt mưa cuối cùng đã rơi đúng chỗ đất lành? Tự bạn đọc sẽ suy xét.

Tác giả Lê Na tên thật là Đào Lê Na là một tiến sĩ văn học, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM. Chị chuyên môn về quan hệ giữa văn học và điện ảnh. Cuốn tiểu thuyết này của chị là khám phá một cách viết, một cách thể hiện. Suy cho cùng, văn chương là một cách nói/viết khác/ lạ về một câu chuyện đã cũ. "Tự sự của hạt mưa" là một phép tự sự như vậy trong một câu chuyện có thể chưa cũ nhưng vẫn là mới. Trong lời tác giả, Lê Na viết: "Sáng tác với tôi đôi khi là nỗi đau nhưng cũng là hạnh phúc khi tác phẩm bắt đầu thành hình". Viết như vậy là một cách sống.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 18/5/2021

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem