“Đọc” sai thái độ thổi bùng bức xúc của người dân với y, bác sĩ

Nhóm PV Thứ tư, ngày 30/08/2017 06:45 AM (GMT+7)
Tại buổi giao lưu trực tuyến “Ai bảo vệ y, bác sĩ?” do báo NTNN - Dân Việt tổ chức chiều 29.8, PGS-TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội chia sẻ, căng thẳng xã hội cộng thêm với lo lắng cho người bệnh có thể khiến người dân “đọc” sai thái độ của nhân viên y tế, gây hiểu nhầm làm bùng phát bạo lực.
Bình luận 0

Clip: Giao lưu trực tuyến "Ai bảo vệ y, bác sĩ?"

Đã có nhận định cho rằng, nhiều bệnh nhân, người nhà mang cả bức xúc xã hội vào bệnh viện nên mới trở nên hung hãn như vậy. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Đúng là có nhiều người bệnh cũng như người nhà của bệnh nhân mang cả bức xúc của xã hội vào bệnh viện nên mới trở nên hung hãn. Thông thường, trong đời sống hàng ngày, những lúc bận rộn của công cuộc mưu sinh với những áp lực đè nặng, gặp nhiều xung đột mâu thuẫn khiến người dân bức bối. Khi vào viện lại thêm sự lo lắng, đau đớn, cộng thêm với những tin đồn thổi về sự yếu kém, về thái độ của thầy thuốc nên khi vào viện, người dân thường mang tâm trạng hiếu chiến, sẵn sàng gây hấn cao độ.  

img

PGS - TS Trịnh Hòa Bình

Trong bối cảnh đó, người ta có thể “đọc” sai thái độ của thầy thuốc cũng như nhân viên y tế. Cùng những ứng xử nào đó của phía bệnh viện, cơ sở y tế chưa chuẩn mực… đã làm bùng lên tính hiếu chiến, tính gây hấn, mất kiểm soát từ phía bệnh nhân, đặc biệt là người nhà bệnh nhân.

Ví dụ như vụ việc tại Bệnh viện 115 Nghệ An, khi bệnh nhân nam bị tai nạn giao thông, bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân bị vỡ xương gò má và thông báo đưa bệnh nhân đi chụp phim. Tuy vậy, có lẽ do sự “bình tĩnh” của nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân đã hiểu lầm và cho rằng đó là tình trạng vô cảm, thờ ơ, hoặc là một sự đòi hỏi nào đó. Bởi vậy, họ buông lời miệt thị và có hành vi bạo lực với bác sĩ.

Ông đánh giá thế nào về tâm lý của bệnh nhân và những thiệt hại có thể xảy ra nếu tấn công, miệt thị nhân viên y tế?

- PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Tâm lý của bệnh nhân khi đến với các cơ sở y tế khám chữa bệnh bao giờ cũng mong muốn được khám và chữa lành bệnh, được cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất. Đương nhiên, những đòi hỏi đó có lúc vượt quá tình hình, khả năng của phía cung cấp. Những mâu thuẫn nảy sinh về phương diện tâm lý giữa người bệnh và thầy thuốc đôi khi lại còn bị can thiệp bởi người nhà bệnh nhân rất nhiều.

img

Một vụ bệnh nhân nhảy chồm lên đánh bác sĩ tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) 

Có thể nói đây là mối quan hệ rất phức tạp. Chính vì xuất phát từ mong muốn được cung cấp dịch vụ tốt nhất nên đôi lúc người thân/ người nhà bệnh nhân nóng vội, đánh giá sai về thái độ, hành vi và chuyên môn của thầy thuốc. Chính vì vậy, việc hài lòng hay không khi được cung cấp dịch vụ có thể dẫn tới mâu thuẫn. Đặc biệt là tâm lý nôn nóng, chủ quan từ phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có thể dẫn đến việc hiểu sai lệch, thậm chí miệt thị, tấn công nhân viên y tế.

Những thiệt hại nảy sinh từ các hành vi đó có thể kể ra rất nhiều, đe dọa chính ngay chất lượng điều trị, khám chữa bệnh. Cụ thể như: đặt người thầy thuốc, nhân viên y tế vào áp lực rất căng thẳng, có thể đe dọa việc thực hành khám chữa bệnh có chất lượng hay không. Cao hơn, hành vi bạo lực có thể gây nguy hiểm tới sự an toàn của thầy thuốc, phá hoại cơ sở y tế, những trang thiết bị y tế và làm xấu đi quan hệ của phía cung cấp dịch vụ (bác sĩ và nhân viên y tế) với người bệnh/ người nhà người bệnh.

 Theo ông, cần phải làm gì để thu hẹp khoảng cách giữa nhân viên y tế và người dân?

- PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Xin nhớ rằng, ở trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe không phải bạ cái gì cũng có thể đưa ra dân chủ bàn bạc với phía tiếp nhận dịch vụ (bệnh nhân, người nhà bệnh nhân). Nhưng rõ ràng, cần phải có sự cởi mở, minh bạch để xóa tan những hiểu lầm có thể có trong giao tiếp, ứng xử giữa phía cung cấp và phía được nhận dịch vụ y tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết những phản ứng có tính chất gay gắt giữa phía cung cấp dịch vụ và phía tiếp nhận (bệnh nhân) hầu hết là xuất phát từ thái độ chứ không phải do chất lượng.

Bởi vậy, vấn đề ở đây là sự thay đổi và xây dựng tinh thần phục vụ của các cơ sở y tế, tức là đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế nói chung.

Đương nhiên, đi kèm với điều đó là việc không ngừng cải thiện chất lượng của dịch vụ y tế. Về phía cộng đồng, người dân cũng phải có tri thức, có hiểu biết về pháp luật. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải có đối thoại, có tinh thần cầu thị từ cả hai phía.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem