"Đôi bàn tay vàng" 28 năm gìn giữ bảo vật bí truyền làng Đồng Xâm

Nguyễn Quỳnh Thứ ba, ngày 26/06/2018 06:01 AM (GMT+7)
Ông Đinh Quang Thắng là một trong số ít những nghệ nhân còn “chung thủy” với nghề chạm bạc thủ công ở làng bạc Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình). Từ những nét chạm miệt mài, người đàn ông này đang giữ lửa cho nghề tổ, góp phần gìn giữ danh tiếng của làng bạc Đồng Xâm trên đất Bắc
Bình luận 0

Làng Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình từ lâu đã nổi danh với nghề chạm bạc truyền thống. Cũng như nhiều nghề thủ công cao cấp khác, như đúc đồng, luyện kim... nghề kim đòi hỏi kỹ thuật lại hết sức phức tạp, nên suốt mấy trăm năm những thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo nhất vẫn luôn được người Ðồng Xâm gìn giữ như một món bảo vật bí truyền.

img

Nghệ nhân Đinh Quang Thắng bên những sản phẩm trưng bày tại Lễ hội đình Kim Ngân và hội nghề kim hoàn 2018.

Trong hàng trăm hộ làm nghề ở làng, nổi bật lên nghệ nhân Đinh Quang Thắng. Ông Đinh Quang Thắng sinh năm 1958 ở  thôn Nam Hòa, xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình, là người có thâm niên trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và gia truyền của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. Với quan niệm: “Luôn tạo ra sự sáng tạo, độc đáo cho sản phẩm, đưa sự vàng son trở lại với làng nghề và thể hiện sự cạnh tranh lành mạnh, sản phẩm sản xuất độc quyền và tinh xảo”, ông Thắng luôn có một sự nghiêm túc và say mê trong nghề nghiệp. Nhờ vậy, sản phẩm nghệ nhân này làm ra luôn được công nhận về chất lượng. Tuy nhà ở sâu trong ngõ, không có cửa hàng giới thiệu nhưng luôn tấp nập khách tìm về, đã tới đây để ngắm nhìn các tác phẩm của ông, ai cũng công nhận đây mới đích thực tay nghề của làng bạc Đồng Xâm.

img

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ "Mâm đồng Long Phụng Tranh Châu" .

Theo ông Đinh Quang Thắng chia sẻ, đã có một thời khó khăn, khi cơ chế kinh tế chuyển đổi, làng bạc Đồng Xâm gần như bị đe dọa mất nghề. Thanh niên rời làng lên thành phố, các hợp tác xã giải thể, thị trường thu hẹp nên nghệ nhân bạc buộc phải đi đúc, gò, chạm đồng, những công việc ít tính sáng tạo hơn. Sự tàn lụi của tinh hoa nghề cũ đã từng được nhiều cơ quan cảnh báo, song thị trường luôn có sự khắc nghiệt riêng và người làm nghề luôn phải chọn cách thức tồn tại cho mình.

Trong bối cảnh đó, dù mang tiếng là “lạc hậu”, nghệ nhân Đinh Quang Thắng vẫn miệt mài với những kĩ thuật truyền thống của cha ông. Hầu hết các khâu đều làm bằng tay, từ phác thảo cho tới vào khuôn, từ chạm cho tới tạo hình chi tiết và đánh bóng. Dưới bàn tay tài hoa của ông, những bộ bình, lư sau khi hoàn thiện có một vẻ trầm mặc, cổ kính của tác phẩm nghệ thuật, chứ không bị trơ như đồ làm hàng loạt bằng khuôn đúc. Vẫn duy trì sản phẩm bạc, song ông Đinh Quang Thắng cũng chuyển sang làm các vật dụng thờ cũng bằng đồng, món nào cũng đòi hỏi thời gian gấp nhiều lần nếu đổ khuôn, càng tốn công sức cho những chi tiết rồng, phượng, mây, lửa…

img

Các công đoạn đều được làm bằng tay nhưng hoa văn thì vô cùng tinh xảo.

Năm 2005, khi nhà nghiên cứu Trịnh Bách bắt đầu công việc phục dựng bộ trang phục của vua quan triều Nguyễn, bàn tay tài hoa hoa của ông Đinh Quang Thắng đã làm ra những họa tiết trang phục bằng đồng tuyệt đẹp, sống động tới từng chi tiết. Bộ đồ này được trưng bày trong các triển lãm về trang phục cung đình Huế trong và ngoài nước, tạo ra tiếng vang trong dư luận quốc tế về vẻ đẹp tưởng như đã mất của một thời lịch sử Việt Nam. Đối với công chúng, tất nhiên đây là những sản phẩm mỹ thuật độc đáo, song ít tai biết, để làm được những chiếc kiếm, mũ, hia đó đòi hỏi một quá trình nghiên cứu công phu, bởi hoàn toàn không có vật mẫu để tham chiếu, mọi chi tiết đều chỉ căn cứ vào hình ảnh tư liệu của người Pháp để lại.

Hiện tại, khi đã có một thương hiệu riêng của mình sau 28 năm làm nghề chạm bạc, ông Đinh Quang Thắng vẫn không ngừng sáng tạo, cần mẫn để làm ra những sản phẩm khiến khách hàng ưng ý. Khách tìm đến đặt hàng cũng rất đa dạng, từ làm đồng hồ giả cổ kiểu châu Âu thế kỉ 18-19 cho tới hàng mỹ nghệ, nhiều nhất là đồ thờ, độc đáo hơn là bộ kim thư, ngân thư. Những đơn hàng đó luôn đặt ông Đinh Quang Thắng trước những thách thức lớn về nghề, song bằng sự nhẫn nại, kiên trì và bàn tay tài hoa, ông vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

img

Mẫu đồng hồ giả cổ kiểu châu Âu thế kỉ 18-19 được nhiều người yêu thích.

Những năm gần đây, cơ sở chạm bạc của gia đình ông Thắng luôn đạt doanh thu từ 2 – 2,5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho hơn chục lao động với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Thắng bày tỏ nguyện vọng tha thiết được các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ vốn và kinh phí đào tạo nghề miễn phí để có thể duy trì, phát triển, lưu giữ danh tiếng của làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm và níu giữ con em quê mình khỏi tha hương kiếm sống.

img

Nghệ nhân Đinh Quang Thắng đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng, bằng khen ghi nhận những đóng góp của ông cho địa phương và xã hội.

Miệt mài, kiên nhẫn, chăm chỉ và sáng tạo, nghệ nhân Đinh Quang Thắng ngày ngày vẫn cặm cụi tạo ra những sản phẩm vừa có tính ứng dụng cao, vừa có hồn cốt nghệ thuật truyền thống. Chính từ những sản phẩm này mà hồn Việt được lưu truyền tới đời sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem