Đối mặt nhiều thách thức, thị trường hàng không phục hồi chậm

Hồng Trâm Thứ sáu, ngày 10/06/2022 11:36 AM (GMT+7)
Giá nhiên liệu bay tăng đột biến, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam chưa đạt kỳ vọng… là những thách thức lớn khiến ngành hàng không phục hồi chậm.
Bình luận 0

Hàng không phục hồi chậm

2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 đã làm thị trường hàng không Việt Nam gần như tê liệt. Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến thị trường truyền thống. Tuy nhiên số lượng và tần suất khai thác còn hạn chế do lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm người thân, kinh doanh.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Đinh Việt Sơn cho hay, năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu lượt hành khách. Trong đó, có 41,7 khách quốc tế và 74,8 triệu khách nội địa. Nhưng sang năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm giảm lượng khách còn 65,3 triệu lượt hành khách; năm 2021 chỉ đạt 30,3 triệu hành khách.

"Hiện nay, với việc Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến lượng khách sẽ đạt từ 70-80 triệu lượt thông qua các cảng hàng không của Việt Nam. Trong đó, khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt hành khách và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt hành khách. Như vậy, lượng hành khách đi máy bay năm nay dự kiến còn xa mới đạt con số của năm 2019, đặc biệt là số khách bay quốc tế chưa được 1/4", ông Sơn nhận định.

Đối mặt nhiều thách thức, thị trường hàng không trên đà phục hồi chậm - Ảnh 1.

Lượng hành khách đi máy bay năm 2022 dự kiến khó đạt được con số của năm 2019. Ảnh: H.T

Lãnh đạo Cục Hàng không đánh giá, nguyên nhân khiến lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không chưa được như kỳ vọng là do các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt, trong khi các thị trường tại châu Âu, đặc biệt là thị trường Nga bị đóng băng từ tháng 2/2022 đến nay. 

Bên cạnh đó, thu nhập của người dân trong đại dịch bị ảnh hưởng nên người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.

Thêm vào đó, những tác động tiêu cực của giá nhiên liệu bay và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân làm chậm đà phục hồi của các hãng bay Việt.

Ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá thị trường hàng không Việt Nam vẫn chưa bước ra khỏi khó khăn sau hơn 2 năm gồng mình chống đỡ các tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trong phạm vi của mình, Bộ GTVT đang kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không, trong đó có hỗ trợ tài chính.

Hàng không nỗ lực "vực dậy"

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, sau thời gian chống chọi với đại dịch, các đơn vị trong ngành hàng không đều chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động. Để khắc phục, trong giai đoạn vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp về tìm kiếm các nguồn tài chính để bổ sung vào vốn như hỗ trợ của chính phủ, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, huy động vốn thông qua tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng, bán bớt phần vốn sở hữu của doanh nghiệp…

Đối mặt nhiều thách thức, thị trường hàng không trên đà phục hồi chậm - Ảnh 3.

Khách nội địa tại các cảng hàng không tăng. Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cấp dịch vụ hàng không như cảng hàng không, phục vụ mặt đất, xăng dầu, quản lý bay cũng hỗ trợ nhiều cho các hãng hàng không Việt Nam thông qua việc cho thanh toán chậm, giãn nợ, hoãn nợ... và điều này cũng khiến tình hình tài chính của các đơn vị này bị ảnh hưởng. "Việc bảo đảm nguồn vốn để phát triển giai đoạn hậu Covid-19 là một thách thức lớn đối với các hãng hàng không", ông Thắng nhận định.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng với nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc ban hành các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, linh hoạt, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành hàng không nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

"Cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 sẽ khôi phục hoàn toàn các đường bay quốc tế như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Cục Hàng không Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cấp phép khai thác đến Việt Nam và Đà Nẵng cho các hãng không khi khôi phục trở lại các đường bay quốc tế", ông Đinh Việt Thắng cho biết.

TS. Bùi Doãn Nề - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị, nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không. Mặt khác, nhà nước cần có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp. Mở rộng hệ thống này theo yêu cầu của thị trường cũng như đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống.

Đối mặt nhiều thách thức, thị trường hàng không trên đà phục hồi chậm - Ảnh 4.

Các hãng hàng không đang tăng tốc trong cao điểm hè. Ảnh: H.T

Về phía các hãng hàng không, các đơn vị đang tích cực khôi phục các đường bay nội địa và quốc tế để đón làn sóng du lịch hè. Các hãng kỳ vọng sẽ đạt được doanh số khả quan nhờ vào nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách trong mùa cao điểm. Từ đó, giúp hoạt động kinh doanh sớm được phục hồi.

Được biết, hiện tại, các hãng hàng không đều đã lên kế hoạch tăng chuyến phục vụ cao điểm hè. Đại diện Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) cho hay, từ ngày 1/6 - 15/8, đơn vị sẽ cung ứng hơn 7,1 triệu chỗ bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 36.000 chuyến bay. Được biết, Vietnam Airlines Group cung ứng gần 6,3 triệu chỗ thị trường nội địa, tương ứng hơn 32.400 chuyến bay, tăng 10% so với cùng kỳ trước đại dịch Covid-19 là năm 2019.

Bên cạnh đó, hãng Vietravel Airlines cũng cho biết, sẽ tăng mỗi ngày thêm 2 chuyến Hà Nội - TP.HCM, 2 chuyến Hà Nội - Đà Nẵng, một chuyến Hà Nội - Quy Nhơn, 1 - 2 chuyến chặng TP.HCM - Đà Nẵng/Quy Nhơn/Phú Quốc. Hãng hàng không Bamboo Airways cũng quyết định tăng 15% số chỗ so với hiện tại, chủ yếu trên các đường bay đến các điểm du lịch Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... và đường bay trục Hà Nội - TP.HCM - Đà Nẵng.

Hãng hàng không Vietjet Air cũng tăng cường mở bán vé máy bay, tăng tải để phục vụ hành khách cao điểm hè. Theo đó,  Vietjet khai thác trở lại loạt đường bay kết nối Cần Thơ với Nha Trang, Đà Lạt, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội và các đường bay quốc tế kết nối Cần Thơ với Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem