Dùng điểm trung bình năm để xét tuyển
Điểm thay đổi lớn nhất kỳ thi năm nay chính là việc xét kết quả thi. Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT, 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh cộng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Một số thay đổi cụ thể như khâu chấm thi sẽ được đảm bảo an toàn tối đa. Phòng chấm thi sẽ được đặt camera 24/24, toàn bộ khâu chấm thi sẽ do trường đại học chủ trì và Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm thi bài trắc nghiệm.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Phương
Quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm cũng được mã hóa để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, không ai có thể có được thông tin về thí sinh và bài thi của thí sinh. Có thể nói, đây là một hình thức đánh phách điện tử.
Thầy giáo Đỗ Ngọc Hà - giáo viên Vật Lý (Trung tâm GD Hocmai, Hà Nội) phân tích. Ví dụ năm ngoái điểm tổng kết lớp 12 là 7 điểm thì điểm trung bình tốt nghiệp của thí sinh chỉ cần 3 điểm là đỗ (trường hợp ko có điểm khuyến khích và ưu tiên). Theo thầy Hà năm nay nếu tổng kết lớp 12 là 7 điểm thì điểm trung bình tốt nghiệp các bài thi phải là 4,2 mới đỗ. Tức là thi THPT quốc gia trung bình mỗi bài thi phải tăng lên 1,2 điểm, 4 bài thi tổng phải tăng khoảng 5 điểm. Tính trên từng môn có vẻ số điểm này không cao nhưng trên tổng các môn thì học sinh phải cố gắng hơn khá nhiều.
“Hiện tại tôi chưa rõ Bộ GDĐT có giữ nguyên điểm xét tốt nghiệp là 5 điểm như năm ngoái hay không? Nếu như vẫn giữ mức đó thì học sinh ở mức độ trung bình phải cố gắng rất nhiều mới đỗ được tốt nghiệp, vì đây là lớp học sinh nhạy cảm nhất với các thay đổi thi cử. Cả nước năm vừa rồi có khoảng 60.000 học sinh thi môn Văn không quá 3 điểm, môn Tiếng anh có khoảng 300.000 học sinh dưới 3 điểm, chưa kể các môn khác. Năm vừa rồi tính tỷ lệ điểm 50 - 50% nên học sinh chỉ cần qua điểm liệt đã đỗ tốt nghiệp còn năm nay thì khác hoàn toàn”- thầy Hà nói.
Theo thầy Hà, hiện chỉ có bài thi THPT quốc gia là đánh giá tương đối chính xác năng lực của thí sinh. Việc bộ tăng % điểm xét tốt nghiệp cho các bài thi THPTQG cũng là hợp lý. Tuy nhiên, Bộ nên cân nhắc xét theo tỷ lệ nào, vì điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thi. Ví dụ, nếu để 90% điểm bài thi + 10% điểm tổng kết lớp 12 thì tỷ lệ tốt nghiệp sẽ giảm cực sâu.
PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, hầu hết các trường có thể đáp ứng được việc đặt camera giám sát chấm thi nhưng không phải trường ĐH nào cũng có thể đủ năng lực, điều kiện để chấm thi trắc nghiệm. Vì vậy, khi chấm thi trắc nghiệm, Bộ GDĐT nên chọn những trường có kinh nghiệm, đủ năng lực, điều kiện tham gia công tác chấm bài cho thí sinh. Ngoài ra, Bộ GDĐT nên tổ chức tập huấn thêm cho các trường ĐH tham gia vào công tác chấm thi.
Với điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh là đề cao vai trò quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thí sinh ý thức học tập nghiêm túc để có kết quả thi tốt nhất”.
PGS - TS Trần Văn Tớp
|
Thầy Đào Tuấn Đạt - phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội nhận định, Bộ GDĐT đã có những thay đổi ở khâu kỹ thuật nhằm hạn chế gian lận, như xếp phòng thi, đánh phách điện tử và không can thiệp sửa chữa được phần mềm. Gian lận nếu có chỉ có thể xảy ra ở khâu tổ chức và coi thi. Sau nhiều năm coi thi THPT quốc gia, giáo viên này đề xuất trưởng điểm thi nên đến từ các trường ĐH.
Giáo viên, học sinh “bí” hướng ôn thi
Cô Vũ Thạch Thảo – giáo viên môn Sinh học tại Thanh Hóa băn khoăn về việc đề thi “chủ yếu là chương trình lớp 12”: “Vẫn biết đây chỉ là những thông tin ban đầu chưa có tính cụ thể của Bộ GDĐT, tuy nhiên việc giới hạn nội dung thi “chủ yếu là chương trình lớp 12” thực sự khiến cho giáo viên và học sinh hoang mang. Có lẽ đến thời điểm này Bộ vẫn chưa thống nhất được số phần trăm nội dung đề thi chia cho mỗi lớp nên vẫn sử dụng thuật ngữ áng chừng?”.
Cô Thảo nhấn mạnh, Bộ GDĐT cần càng sớm công bố đề minh họa càng tốt cho học sinh và giáo viên. Bởi hiện giờ tình trạng đề thi vẫn lơ lửng, mơ hồ khiến cho việc ôn thi rất khó khăn. Mặc dù rất muốn loại bỏ tâm lý “học để thi” nhưng với tính quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia như thế này thì việc ôn thi sao cho tốt vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Thực tế, việc đề thi minh họa công bố muộn thì đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất là những học sinh tích cực, chủ động ôn thi. Những học sinh này thường sẽ hoàn thành chương trình lớp 12 từ rất sớm, nhưng lại không biết ôn bao nhiêu chương trình lớp 11, 10 là đủ để đạt kết quả tối đa.
Theo chia sẻ của một giáo viên có kinh nghiệm, để xây dựng 1 chương trình học, ôn thi tốt thì cần tối thiểu là 2 tháng để hệ thống về mặt kiến thức, bài tập và biên soạn tài liệu liên quan. Nếu để sang tới đầu năm 2019 Bộ GDĐT mới công bố đề thi minh họa là khá muộn, rất khó để các thầy cô “trở tay”.
Sẵn sàng tâm lý đổi mới
“Thực tế, học sinh chúng em đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho những thay đổi trong kỳ thi năm nay nên không quá bất ngờ. Vài năm trở lại đây Bộ GDĐT liên tục thay đổi cách thức thi nên bản thân em cũng chọn cho mình cách an toàn đó là học đều các môn và không “ngắm” quá cao.
Việc tính điểm kiểu mới 30% điểm trung bình lớp 12 – 70% điểm thi tốt nghiệp, theo em sẽ có ảnh hưởng với những bạn không nắm chắc kiến thức. Bởi theo như em được biết, năm ngoái cách tính điểm 50 – 50 thì học sinh không quá phụ thuộc vào bài thi, chỉ cần không bị điểm liệt là gần như chắc chắn đỗ tốt nghiệp”.
Em Lê Hải Yến – học sinh lớp 12 THPT Cầu Giấy (Hà Nội)
Cần siết chặt an toàn thi cử
“Tôi vẫn luôn phối hợp với các thầy cô giáo của con, cũng như theo dõi thông tin từ báo đài để nắm rõ thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo tôi những thay đổi của Bộ GDĐT năm nay là tiến bộ vì 2 lý do. Thứ nhất: Việc áp dụng 30 – 70 sẽ khiến học sinh phải “học thật” và có động lực học tập hơn cho kỳ thi. Thứ hai: Việc siết chặt lại an toàn thi cử, đánh phách điện tử là điều tôi rất hoan nghênh. Nếu để tình trạng sai phạm diễn ra trên diện rộng như năm ngoái thì không biết có bao nhiều cháu đủ điểm nhưng phải trượt đại học nữa. Hơn nữa những điều chỉnh này cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa vào thực hiện để tránh sai sót”.
Bà Nguyễn Thị Thơ (Giảng Võ, Hà Nội) có con học cấp 3
Hà My
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.