Đòn “chí tử” với báo chí quốc tế

Đình Dương Chủ nhật, ngày 21/06/2020 06:08 AM (GMT+7)
Đại dịch Covid - 19 đã làm chết hàng trăm nghìn người và khiến nền kinh tế thế giới lao đao. Nó cũng đã giáng một đòn mạnh đối với báo chí trên toàn cầu. Đặc biệt, ở một số quốc gia, đại dịch là là đòn chí tử đối với báo chí và truyền thông.
Bình luận 0

Đòn chí tử

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các tập đoàn/hãng truyền thông, cơ quan báo chí đối mặt với tình cảnh vừa giảm lượng bạn đọc, vừa giảm doanh thu từ quảng cáo và phát hành.

20 nhà xuất bản tin tức toàn cầu được Hiệp hội Truyền thông tin tức quốc tế (INMA) khảo sát cho biết dự kiến sẽ giảm doanh số quảng cáo trung bình 23% trong năm 2020. Theo báo cáo sơ bộ của Observer, sau châu Âu, báo chí Mỹ là những cơ quan truyền thông bị cú đánh nặng nề nhất từ Covid-19.

Đòn “chí tử” với báo chí quốc tế   - Ảnh 1.

The Guardian - tờ báo đầu tiên trên thế giới kêu gọi quyên từ thiện cho chính mình. Ảnh: I.T


Đòn “chí tử” với báo chí quốc tế   - Ảnh 2.

Đòn “chí tử” với báo chí quốc tế   - Ảnh 3.


Đòn “chí tử” với báo chí quốc tế   - Ảnh 4.

Tờ The Guardian (Người Bảo vệ) của Anh, cho rằng các tờ báo sẽ mất 57 triệu euro, nếu đợt dịch kéo dài thêm 3 tháng nữa. Các nhà quảng cáo từ chối đặt quảng cáo của họ bên cạnh những câu chuyện về đại dịch, coi đó là nội dung không phù hợp. News Corp - nhóm xuất bản do Rupert Murdoch kiểm soát, đã đình chỉ các ấn bản của 60 tờ báo ở Úc.

The Guardian kêu gọi quyên từ thiện cho chính mình

Trên trang nhất của tờ The Guardian (Người Bảo vệ) ở Anh mới đây đã xuất hiện "tâm thư" của tòa soạn. Nội dung "tâm thư" viết: "Guardian là tờ báo độc lập về thông tin, cung cấp cho độc giả ở 180 quốc gia, không bị chi phối về chính trị, hay cổ đông tỷ phú nào... Nhưng chúng tôi đang gặp khó khăn về tài chính trong khủng hoảng của đại dịch Covid-19.

Chúng tôi đã duy trì sự độc lập biên tập trước sự tan rã của truyền thông truyền thống - trước cơn lốc mạng xã hội tạo ra nhiều thông tin sai lệch. Sự độc lập của Guardian có nghĩa là chúng tôi có thể thiết lập chương trình nghị sự của riêng mình và nói lên ý kiến của riêng mình, có thể đứng về phía bạn đọc để thách thức kẻ mạnh mà không sợ hãi và lên tiếng cho những người yếu thế hơn...

Chúng tôi cần sự hỗ trợ của bạn để chúng tôi có thể tiếp tục cung cấp báo chí chất lượng trong dài hạn. Mọi đóng góp của độc giả, dù lớn hay nhỏ, đều rất có giá trị. Hỗ trợ Guardian chỉ từ $ 1 - và chỉ mất một phút. Cảm ơn bạn".

Đ.D

Ở Mỹ, doanh thu quảng cáo của nhiều trang web tin tức Mỹ báo cáo là đã giảm tới 50% (tính đến thời điểm ngày 2/4/2020). Một số nhà xuất bản báo chí ở Mỹ đã yêu cầu chính phủ can thiệp cho sự tồn tại của họ. Gannett- hệ thống báo chí lớn nhất của Mỹ - công bố cho nghỉ 15 ngày và cắt giảm lương của nhiều nhân viên. Lee Enterprises cũng đã công bố giảm lương và cho nhà báo, nhân viên nghỉ phép. The Tampa Bay Times giảm kỳ phát hành báo in và cho các nhân sự không thuộc phòng tin tức nghỉ phép. Tuần báo Reno News & Review ngừng hoạt động và sa thải tất cả các nhân sự. C&G Newspapers - nơi xuất bản 19 tờ báo tuần ở gần Detroit - ngừng xuất bản báo in. Tờ Pittsburgh Current chỉ còn bản online.

Vật vã tìm lối đi

3 tờ báo hàng top của Mỹ là The New York Times, Washington Post và The Wall Street Journal đã đa dạng hóa doanh thu bằng cách mời gọi thêm hàng triệu người đăng ký kỹ thuật số (đọc báo điện tử trả phí). Phần lớn các báo/cơ quan báo chí còn lại kêu gọi chính phủ hỗ trợ. Một gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký ngày 3/4 vừa qua có thể cung cấp các khoản vay hoặc trợ cấp cho các tờ báo địa phương với quy mô nhỏ hơn.

Một đề xuất đang thảo luận sẽ đề nghị tạo ra một quỹ liên bang để trả tiền cho các quảng cáo trên báo chính phủ trong đó đưa ra những tư vấn về sức khỏe. Một khả năng khác có thể là cung cấp tín dụng thuế cho người dân để đăng ký mua báo.

Tại châu Âu, Chính phủ Đan Mạch cũng đã thảo luận để phân bổ ngân sách khoảng 24 triệu euro trợ giúp phương tiện truyền thông địa phương trên bờ vực sụp đổ. Chính phủ Úc cũng hứa sẽ miễn thuế 12 tháng cho các đài truyền hình và đài phát thanh thương mại, với chi phí 41 triệu đô la, và đầu tư 50 triệu đô la vào khu vực báo chí.

"Ông trùm" Google đang cung cấp hỗ trợ tài chính cho các phòng tin tức địa phương bị ảnh hưởng về kinh tế bởi đại dịch Covid-19, như một phần của Sáng kiến Google News. Mục tiêu là tài trợ cho hàng ngàn nhà xuất bản tin tức nhỏ và vừa trên toàn cầu, thông qua các giải thưởng từ hàng nghìn đô la cho các tờ báo, hãng tin địa phương quy mô nhỏ đến hàng chục nghìn đô la cho các hãng tin lớn hơn, tùy theo khu vực địa lý. Google.org quyên góp tổng cộng 1 triệu USD cho hai tổ chức hỗ trợ các nhà báo là Trung tâm Nhà báo quốc tế và Trung tâm Báo chí thuộc Trường Đại học Báo chí Columbia.

Sáng kiến Google News trước đó đã tuyên bố rằng họ sẽ chi 6,5 triệu USD để hỗ trợ các công cụ kiểm tra thực tế và các tổ chức phi lợi nhuận đang hoạt động để chống lại thông tin sai lệch liên quan đến virus corona, việc tài trợ đã dẫn đến các công cụ như Bản đồ trường hợp Covid-19.

Ngoài ra, một ông lớn mạng xã hội khác là Facebook cũng cho biết, họ cam kết 100 triệu USD để hỗ trợ các tổ chức tin tức địa phương để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại do ảnh hưởng dịch Covid-19. 

Mỹ: 25 báo đóng cửa

"Cơn bão" Covid-19 không chỉ quét sạch việc làm, mà còn đóng cửa luôn nhiều tòa soạn. Theo các con số của viện nghiên cứu truyền thông Poynter Institute có trụ sở tại Florida (Mỹ), 25 tờ báo trên khắp nước Mỹ đã phải đóng cửa. Điều đáng nói, rất nhiều trong đó là những tờ báo có truyền thống trên 100 năm tuổi, và là những tờ báo duy nhất ở địa phương.

Một số tờ báo buộc phải lựa chọn phương án hợp nhất hoặc sáp nhập với một tờ báo khác. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc những tờ tin tức dành riêng cho những cộng đồng sẽ biến mất, sẽ không còn sự giám sát về thể chế và thực tế nhất là mất việc làm.

Ít nhất 10 tờ báo đóng cửa thuộc sở hữu của CNHI. Một số thuộc sở hữu của Diễn đàn các công ty truyền thông, trong khi một số ít thuộc sở hữu tư nhân ở địa phương.

B.T

img

Một góc phòng tin tức của Financial Times. Ảnh: GALSSDOOR

Anh: Thu từ quảng cáo giảm 50-80%

Theo Ender Analysis, các tờ báo của Anh cũng ghi nhận mức thu nhập từ quảng cáo giảm từ 50% tới 80% trong thời kỳ đại dịch.

Đơn cử, tất cả những nguồn thu của tờ Financial Times gần như bị xóa sổ: Doanh thu quảng cáo biến mất, hội thảo không được tổ chức... Nguồn thu hiện tại của tờ báo chỉ tới từ số tiền người dùng trả để đọc báo. "Việc tăng lượng người đăng ký mua báo không thể cân bằng được với việc giảm thu nhập từ quảng cáo" - bà Khalaf- Tổng Biên tập tờ Financial Times nhận định.

Tuy nhiên, so với các tờ báo khác, thì tờ FT vẫn đang duy trì khá tốt khi từ trước tới nay tờ báo luôn duy trì chiến lược hướng tới những độc giả có tiền và có vị trí cao trong xã hội.

Việc tờ báo này được Nikkei mua lại năm 2015 cũng giúp cho công ty không phải lo về vấn đề tài chính trong mua dịch. Dù không có thông tin chính xác được công bố, tờ Financial Times vẫn khẳng định có mức doanh thu 455 triệu Euro trong năm 2019 và xác nhận là làm ăn có lãi.

Bản thân tờ báo cũng đang tính tới việc dừng ấn phẩm báo in để tập trung vào mảng điện tử.

Từ năm 2019 tới nay, tờ báo này đã chuyển hướng phát triển sang mảng online. Đội ngũ làm báo in giờ chỉ còn lác đác vài người, viết lại những bài dựa trên những tin tức đã có trên báo điện tử.

A.T

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem