Donald Trump đưa kinh tế Mỹ trở lại đỉnh cao như thế nào sau 1 thập kỷ từ Đại suy thoái?

23/12/2019 15:30 GMT+7
Phải mất trong 1 thập kỷ kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới - đại suy thoái 2008-2009, người Mỹ giờ đây mới lại thấy an toàn trong các quyết định đầu tư, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn tốt nhất trong gần 20 năm.
Nhìn lại 2019: Tròn 1 thập kỷ từ Đại suy thoái, Trump đưa kinh tế Mỹ trở lại đỉnh cao - Ảnh 1.

Dưới bàn tay của Donald Trump, kinh tế Mỹ năm 2019 tăng trưởng vững chắc bất chấp thương chiến Mỹ Trung

Năm 2019 kết thúc trong những thành công của thị trường chứng khoán nói riêng và toàn nền kinh tế Mỹ nói chung. Một cuộc thăm dò do CNN tổ chức mới đây chỉ ra 76% số người được hỏi đồng ý với việc nền kinh tế đang trong tình trạng tốt hoặc rất tốt. Đây là tỷ lệ tâm lý thị trường tích cực lớn nhất kể từ cuộc khảo sát hồi tháng 2/2001 đến nay.

Tờ CNN nhận định: “Mặc dù kinh tế Mỹ đã hồi phục trông thấy vào thời điểm Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ, nhưng Donald Trump đã mang đến một thắng lợi lớn khi ngồi vào ghế chủ nhân Nhà Trắng. Câu hỏi lớn đặt ra giờ đây là liệu năm 2020 có kéo dài chuỗi thắng lợi ấy không”.

Ước tính trong suốt 3 năm trên cương vị Tổng thống của Donald Trump, các doanh nghiệp mới thành lập đã tạo thêm 443.000 việc làm cho nền kinh tế, con số khả quan hơn nhiều so với thời Obama. Dù rằng trong suốt thời gian 18 tháng diễn ra thương chiến Mỹ Trung, các nhà phân tích kinh tế luôn quan ngại về một đợt suy thoái đang đến gần.

Phần lớn tâm lý thị trường hiện tại được bao trùm bởi sự tự tin. Người tiêu dùng lạc quan, thúc đẩy doanh số bán lẻ trong nhiều tháng qua tăng trưởng. Trump thường xuyên khiến thị trường dậy sóng bằng những dòng cập nhật trên Twitter hoặc phát biểu trước giới truyền thông. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng chính những tuyên bố của Trump là động lực để thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh, Dow Jones vượt mốc 28.000 còn S&P 500 vượt mốc 3.200. Không quá lời khi nói rằng Trump là “nhạc trưởng” tạo đà cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ. Vị Tổng thống Mỹ tin rằng kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp hồi năm 2017 cùng hàng loạt chính sách mạnh tay của ông chính là nguồn cơn cho "sự phục hưng vĩ đại” của kinh tế Mỹ. 

Tất nhiên, Đảng Dân chủ đối lập lâu nay phản đối mạnh mẽ điều này. Họ cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ mang đến khoản thâm hụt hàng tỷ USD cho chính phủ, đồng thời làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Cựu Phó Tổng thống Mỹ, ứng viên tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2020 Joe Biden là một trong những người mạnh mẽ phản đối “các khoản cắt giảm thuế khủng khiếp” mà Trump từng ban hành. 

Tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,1% trong quý III/2019, còn kém xa con số 3%, 4% thậm chí 5% mà Trump từng hứa hẹn. Nhưng không thể phủ nhận, nó vẫn là mức tăng trưởng đáng lạc quan cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp chạm mức 3,5%, mức thấp nhất trong 50 năm qua, S&P 500 tăng gần 27% trong năm và cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán đều đang vượt đỉnh thời đại. Nỗi quan ngại suy thoái hồi quý II - quý III đã biến mất, thay vào đó là tâm lý lạc quan khi Mỹ và Trung Quốc thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tổng thống Donald Trump tiết lộ Bắc Kinh hứa hẹn sẽ mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ như một phần nội dung thỏa thuận, điều nông dân Mỹ trông ngóng đã lâu. Chiến tranh thương mại với Trung Quốc tạm “hạ màn” trong êm đẹp, với lợi thế nghiêng về nước Mỹ của ông Donald Trump.

Thị trường chứng khoán Mỹ mạnh mẽ đến nỗi các nhà đầu tư bàng quan về thông tin luận tội Donald Trump. Lý do là bởi Đảng Cộng hòa giữ đa số ghế Thượng viện không đời nào bỏ phiếu kết án hay bãi nhiệm Donald Trump, bất chấp những nỗ lực điều tra và cáo buộc từ Đảng Dân chủ. Nền kinh tế Mỹ rực rỡ hiện tại rõ ràng là lợi thế lớn lao của Donald Trump trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2020.

Thuỳ Dung
Cùng chuyên mục