Mất kiểm soát chất lượng lúa giống
TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện nay, nông dân vẫn có thói quen tự để lại giống hoặc tự trao đổi rồi đưa vào sản xuất. Những nguồn giống này rất kém, chưa qua kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng, nên khả năng xảy ra sâu bệnh rất cao hoặc năng suất không như mong muốn.
|
Nông dân Long An thu hoạch lúa |
Các doanh nghiệp cung ứng lúa giống cũng thiếu sự tuân thủ quy định khi đưa các giống lúa chưa được công nhận, hoặc đang trong giai đoạn sản xuất thử, thậm chí chưa qua quá trình khảo nghiệm quốc gia bán cho người dân.
Ông Phạm Văn Tình - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết hành vi trên đã vi phạm Quyết định 95/2007/QĐ – BNN nhưng rất khó phát hiện xử lý. Khi thu hoạch không đạt yêu cầu chất lượng, nông dân buộc phải chấp nhận hậu quả bởi không có cơ sở đòi bồi thường vì thiếu chứng cứ cụ thể.
Ông Tình cho biết: Trong số hàng nghìn đơn vị, tổ chức, cá nhân… sản xuất lúa giống tại ĐBSCL, chỉ có 26 đơn vị đăng ký chứng nhận chất lượng.
Ông Dương Thành Tài - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam cũng nhận định: Các đơn vị sản xuất vi phạm một phần nguyên nhân do thiếu hệ thống kiểm định. Toàn bộ các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ chỉ có 4 tổ chức chứng nhận chất lượng cây giống gồm: Trung tâm Khảo nghiệm giống thuộc Cục Trồng trọt, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, Công ty cổ phần BVTV An Giang, Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, trong khi đó có đến hàng nghìn đơn vị sản xuất lúa giống.
Chờ đợi bộ giống chuẩn
Theo nhận xét của ông Tình, chính điều này đã khiến gạo xuất khẩu của nước ta chưa đồng nhất về chất lượng, thiếu sản phẩm đặc sắc. Ông Tình khẳng định cần phải có một giống lúa trồng đại trà có những ưu thế tốt nhất để sản xuất trên diện rộng.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Dương Văn Chín (Viện Lúa ĐBSCL) nhận định: Gạo Thái Lan có Jasmine, Ấn Độ có Bastami… nhưng nhắc đến gạo Việt Nam thì không có gì. “Việt Nam có rất nhiều giống lúa chất lượng cao, thơm, dẻo, ngon cơm, nhưng chưa được nghiên cứu để phát triển thành thương hiệu quốc gia như các nước bạn” - TS Chín nói.
Những trung tâm chính quy như viện nghiên cứu, các công ty sản xuất kinh doanh giống chỉ chiếm 10%, số còn lại phụ thuộc nguồn cung từ 3.600 HTX khác.
Còn theo TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), việc thực hiện trồng lúa theo tiêu chí GAP trên cánh đồng mẫu lớn chỉ sử dụng 1 hoặc 2 giống lúa, sẽ giúp ý tưởng trên thành hiện thực. ĐBSCL có 6 vùng tiểu sinh thái chỉ cần xây dựng 5 - 6 giống lúa chủ lực cho mỗi vùng. Ông Phụng khẳng định việc trồng một giống lúa sẽ giúp việc thực hiện chuẩn VietGAP thuận lợi hơn, ngược lại tiêu chuẩn này cũng sẽ giúp hạt gạo Việt Nam dễ xâm nhập các thị trường quốc tế.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư khẳng định: Việc cải thiện giống sẽ thay đổi tương lai ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng tích cực hơn mà vẫn đảm bảo năng suất.
Đình Thức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.