Đông Nam Bộ "hút" hàng tỷ USD vốn đầu tư, TP.HCM "đau đầu" vì quỹ đất công nghiệp

Tường Thụy Thứ tư, ngày 12/02/2025 08:09 AM (GMT+7)
Vùng Đông Nam Bộ đã ghi nhận những kết quả tích cực trong thu hút vốn đầu tư ngay từ đầu năm 2025. Trong đó, TP.HCM đứng thứ 4 toàn quốc về vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 1. Tuy nhiên, thành phố vẫn đang đối mặt với thách thức lớn khi quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp ngày càng hạn hẹp.
Bình luận 0

Cả nước khởi đầu khá suôn sẻ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài năm nay.

Chỉ trong tháng đầu năm, đã có hơn 4,33 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trong tổng số này, vốn đăng ký mới đạt gần 1,29 tỷ USD; vốn tăng thêm đạt gần 2,73 tỷ USD, gấp gần 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 322,9 triệu USD, tăng 70,4% so với cùng kỳ.

"Đậm màu" Đông Nam bộ trong Top 10 thu hút đầu tư đầu năm

Thứ tự lần lượt từ 1 đến 10 cả nước về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 1 là Bắc Ninh (1,394 tỷ USD), Đồng Nai (gần 959 triệu USD), Hà Nội (gần 730 triệu USD), TP.HCM (hơn 151 triệu USD), Hải Phòng (128 triệu USD), Bình Dương (121 triệu USD), Tây Ninh (gần 121 triệu USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (115 triệu USD), Thái Bình (hơn 112,6 triệu USD), Long An (102,7 triệu USD).

Như vậy, Top 10 bao gồm đến 5 tỉnh và thành phố theo thứ tự là Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đông Nam bộ tiếp tục thu hút đầu tư, "đầu tàu" chưa hết lo về quỹ đất công nghiệp - Ảnh 1.

Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được Tập đoàn SCG từ Thái Lan đầu tư thêm khoảng 700 triệu USD để nâng cấp tổ hợp. Ảnh: LSP

Ngoài ra, trong thời gian đầu tháng 2, Đồng Nai và Bình Dương tiếp tục ghi nhận thêm lượng vốn nước ngoài khá lớn. Trong đó, Bình Dương đã trao thêm chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho 7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD.

Trong 7 dự án này, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) có 2 dự án với tổng vốn đầu tư 812,2 triệu USD; Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương tăng thêm 50 triệu USD; Công ty TNHH Deneast Việt Nam tăng thêm 40 triệu USD; Công ty TNHH Dongil Rubber Belt Việt Nam rót thêm 15 triệu USD.

Tại Đồng Nai vào ngày 7/2, lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án tại các khu công nghiệp của tỉnh; tổng vốn đầu tư vào 14 dự án này đạt gần 738 triệu USD.

Nổi bật trong số các công ty nước ngoài đang đầu tư mạnh mẽ tại Đồng Nai là Công ty SMC Manufacturing Việt Nam, công ty mẹ đến từ Nhật Bản. Lần này, SMC Manufacturing Việt Nam đăng ký thêm 330 triệu USD để nâng tổng vốn lên gần 1 tỷ USD. Nhà máy chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị điều khiển tự động tại Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành.

Ông Matsui Takao, Tổng Giám đốc SMC Manufacturing Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng cường cung cấp các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như van, bộ điều áp và bộ làm mát, là những linh kiện quan trọng được sử dụng trong các thiết bị và dây chuyền sản xuất bán dẫn".

Tại Đồng Nai, tập đoàn công nghiệp Hyosung hàng đầu Hàn Quốc, rót thêm gần 20 triệu USD vào dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1. Đây là dự án chuyên sản xuất và gia công các loại vải và sợi. Tính cả số với mới, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hyosung tại dự án này đã hơn 976 triệu USD.

Tập đoàn Hyosung còn chọn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm nơi tập trung đầu tư vào ngành vật liệu và hóa chất. Theo đó, Hyosung đã rót đến 730 triệu USD vào 1 dự án mới tại Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đó là Nhà máy sản xuất sợi sinh học BDO. BDO là nguyên liệu để làm vải Spandex (loại vải có độ co giãn và đàn hồi rất lớn) hoặc dùng trong chế tạo nhựa kỹ thuật, bao bì phân hủy sinh học, đế giày dép, hợp chất công nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác.

Song song với việc xây dựng nhà máy sợi sinh học BDO, Hyosung đang triển khai dự án xây dựng nhà máy sợi carbon tiên tiến tại Phú Mỹ với vốn đầu tư khoảng 540 triệu USD.

Các tỉnh tiếp tục hút vốn đầu tư, TP.HCM loay hoay tìm đất

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề; hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ có 48 khu công nghiệp.

Trong 48 khu theo quy hoạch, Đồng Nai đã có 34 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 11.500ha, theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai.

Trong số này, có 31 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN đang trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và 2 KCN mới được thành lập từ tháng 7/2024.

Đông Nam bộ tiếp tục thu hút đầu tư, "đầu tàu" chưa hết lo về quỹ đất công nghiệp - Ảnh 3.

Tỉnh Đồng Nai có thế mạnh trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vốn vào các khu công nghiệp. Nguồn: Báo Đồng Nai

Trong khi đó, theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh được quy hoạch 24 KCN với tổng diện tích hơn 15.886ha.

Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 13 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 7.226ha; 2 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 960ha; 2 KCN đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư (850ha); và 7 KCN đang lập quy hoạch xây dựng (tổng diện tích lên đến 6.850ha).

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa giao Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với UBND huyện Châu Đức, cơ quan liên quan rà soát đề nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam về nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư KCN Bắc Châu Đức 2 tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh trước 28/2.

Trước đó, Tập đoàn KCN Việt Nam đã gửi công văn đến UBND tỉnh bày tỏ mong muốn được đầu tư xây dựng KCN Bắc Châu Đức 2 với quy mô 1.000ha.

Tại Bình Dương hiện nay, trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy các KCN của tỉnh đã khá cao, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ thành lập các KCN mới theo quy hoạch.

Theo ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, từ nay đến năm 2030, tỉnh này sẽ đầu tư thêm 10 KCN mới. Trong số này, 2 KCN tại huyện Bắc Tân Uyên và TP.Tân Uyên sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2025-26 với tổng diện tích 1.000 ha; 8 KCN còn lại bố trí tại các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo được đầu tư đến cuối năm 2030 với tổng diện tích trên 6.000ha.

Đối với TP.HCM, "đầu tàu" của cả vùng Đông Nam Bộ, thế mạnh của thành phố là phát triển dịch vụ và tài chính, nhưng tiếp tục thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến và chế tạo cũng đóng vai trò quan trọng.

Vấn đề là quỹ đất "sạch" dành cho công nghiệp đã "đụng" đến giới hạn, còn quá trình đầu tư và triển khai các khu công nghiệp mới không được diễn ra như kỳ vọng.

Theo quy hoạch tại TP.HCM, tổng diện tích đất công nghiệp của thành phố dự kiến khoảng 6.000ha. Tuy nhiên, khoảng 1.500ha đang gặp vướng mắc về pháp lý nên chưa thể giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, tại một số khu công nghiệp ở TP.HCM có một phần đáng kể đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đang tiến hành bồi thường nhưng lại chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước, nên chưa thể mời gọi đầu tư.

Một trong những giải pháp hiện nay, theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), là Hepza đang đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục chuẩn bị đầu tư KCN Phạm Văn Hai I (379ha) và KCN Phạm Văn Hai II (289ha) tại huyện Bình Chánh để có quỹ đất thu hút các dự án lớn.

Cũng theo Hepza, việc tháo gỡ những vướng mắc trong giá thuê đất tại KCN Hiệp Phước (tổng diện tích 1.686ha) tại huyện Nhà Bè cũng đang được đẩy nhanh nhằm cung cấp hàng trăm ha đất cho nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem