Dòng vốn đầu tư mạo hiểm "chạy" khỏi Trung Quốc, nước nào hưởng lợi?

26/09/2021 14:46 GMT+7
Theo công ty tình báo thị trường CB Insights, trong quý II/2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ đã lên mức kỷ lục mới trong khi dòng vốn vào Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt từ mức kỷ lục thời đại hồi quý IV/2020.

Môi trường pháp lý bất ổn, một số nhà đầu tư đang rút tiền khỏi Trung Quốc

Sea, kỳ lân công nghệ Singapore được thành lập bởi doanh nhân người Trung Quốc Forrest Li vào năm 2009 đã có một năm thành công rực rỡ. Cổ phiếu Sea niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York đã tăng vọt 70% từ đầu năm đến nay nhờ doanh thu mạnh mẽ từ mảng thương mại điện tử (ứng dụng thương mại điện tử Shopee) và trò chơi trực tuyến (tựa game Free Fire). Nhờ đó, ông Forrest Li hiện có tên trong top những tỷ phú giàu nhất Singapore.

Ngoài mảng thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến, Sea còn đang dấn thân vào các lĩnh vực mới như thanh toán kỹ thuật số. Cho đến nay, số phận của Sea hoàn toàn khác với Tencent hay Alibaba - những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hiện đang lao đao khi chính phủ Bắc Kinh siết chặt quản lý. Cổ phiếu Tencent đã bốc hơi 19,6% từ đầu năm đến nay trong khi cổ phiếu Alibaba tụt mạnh 36,6% trong cùng kỳ.

Chiến dịch siết lĩnh vực công nghệ của chính phủ Trung Quốc bắt đầu vào quý III năm ngoái khi Bắc Kinh chặn đứng đợt niêm yết công khai lần đầu (IPO) của Ant Group, công ty con chuyên mảng fintech trực thuộc Alibaba. Đến tháng 4 năm nay, Alibaba đã phải chịu khoản phạt kỷ lục lên tới 18,2 tỷ NDT (2,8 tỷ USD) vì vi phạm luật chống độc quyền sau cuộc điều tra chống độc quyền của Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR). Số tiền tương đương 12% lợi nhuận ròng của Alibaba trong năm tài chính 3/2019-3/2020.

Dòng vốn đầu tư mạo hiểm "chạy" khỏi Trung Quốc, nước nào hưởng lợi? - Ảnh 1.

Dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy khỏi Trung Quốc khi Bắc Kinh siết chặt quản lý công nghệ, khiến các gã khổng lồ như Alibaba hay Tencent lao đao (Ảnh: Nikkei Asian Review)

SAMR cũng tiến hành hàng loạt cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào các ông lớn công nghệ Trung Quốc khác như Tencent, Didi Chuxing hay Meituan. Tháng 7 năm nay, Tencent bị cấm tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc được đưa ra trong bối cảnh SAMR điểm mặt Tencent vì hành vi cạnh tranh không công bằng trên thị trường âm nhạc trực tuyến sau thương vụ mua lại tập đoàn China Music Corporation. Theo SAMR, Tencent hiện nắm giữ hơn 80% tài nguyên thư viện âm nhạc độc quyền trong nước sau thương vụ sáp nhập nói trên. Điều này đang hạn chế sự gia nhập của các công ty khác vào thị trường âm nhạc trực tuyến nội địa. SAMR cũng chặn kế hoạch của Tencent nhằm hợp nhất hai trang web phát trực tuyến trò chơi điện tử hàng đầu đất nước là Huya và DouYu trên cơ sở luật chống độc quyền.

Hàng loạt động thái mạnh tay của Bắc Kinh buộc các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm đánh giá lại tiềm năng của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc khi rủi ro ngày một tăng. 

Các nhà đầu tư tên tuổi từ George Soros đến Masayoshi Son của Softbank đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư về môi trường pháp lý bất ổn tại Trung Quốc. Cathie Wood, giám đốc điều hành của Ark Invest đồng thời là một nhà đầu tư công nghệ có tiếng cũng tuyên bố cắt giảm đáng kể các khoản đầu tư tại Trung Quốc. 

Một số nhà phân tích cho rằng một phần dòng vốn đang rời khỏi các đại gia công nghệ Trung Quốc để chuyển đến các khu vực khác của châu Á. “Hãy nhìn vào đợt tăng giá cổ phiếu của Sea, một phần dòng tiền đó đáng lẽ ra đã được đổ vào Tencent hoặc Alibaba nếu không có chiến dịch siết công nghệ của Bắc Kinh” - một nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc giấu tên chia sẻ trên tờ SCMP.

Ấn Độ có thể là thị trường hưởng lợi khi dòng vốn đầu tư mạo hiểm dịch chuyển một phần khỏi lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Theo công ty tình báo thị trường CB Insights, trong quý II/2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ đã lên mức kỷ lục mới trong khi dòng vốn vào Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt từ mức kỷ lục thời đại hồi quý IV/2020. Tuy nhiên, dù có giảm, nhìn chung dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc vẫn đạt 22,8 tỷ USD trong quý II/2021, cao gấp hơn 3 lần dòng vốn 6,3 tỷ USD đổ vào Ấn Độ, dữ liệu của CB Insights cho thấy.

Dòng vốn "chạy" khỏi Trung Quốc, Ấn Độ là nước hưởng lợi?

Paytm, một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tại Ấn Độ được hậu thuẫn bởi Alibaba, Softbank và Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã đệ trình bản cáo bạch cho đợt IPO lần đầu trị giá 2,2 tỷ USD tại Ấn Độ. Đây có thể sẽ là thương vụ IPO lớn nhất trong vòng ít nhất một thập kỷ tại quốc gia Nam Á này. Một đợt IPO thành công của Paytm có thể sẽ làm tăng sức hấp dẫn của thị trường khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ với các nhà đầu tư mạo hiểm đang tìm kiếm một thị trường có tiềm năng lợi nhuận cao.

Mark Witzke, một nhà phân tích nghiên cứu tại Rhodium Group, cho biết: “Khi việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc ngày càng ẩn chứa nhiều rủi ro, các nhà đầu tư toàn cầu sẽ bắt đầu tìm kiếm những địa điểm tiềm năng khác, chẳng hạn như Ấn Độ”.

Sumant Mandal, một đối tác quản lý của quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ March Capital Partners cũng nhận định trên Bloomberg vào đầu tuần này rằng các nhà đầu tư toàn cầu đang tiếp xúc với những thị trường mới nổi như Ấn Độ sau chiến dịch siết quản lý lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh.

Nhà phân tích Sumant Mandal nhận định: “Thị trường Trung Quốc có quy mô rất lớn, nhưng cơ cấu rủi ro - lợi nhuận xung quanh thị trường này đang thay đổi”. Do đó, các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm cách cân bằng danh mục đầu tư bằng cách đưa một phần dòng vốn đầu tư sang các thị trường láng giềng.

Dù vậy, William Bao Bean, đối tác của SOSV Chinaaccelerator - một công ty tư vấn đầu tư Trung Quốc và Ấn Độ có trụ sở tại Thượng Hải chỉ ra rằng Ấn Độ không hẳn là thị trường dễ tiếp cận với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong vấn đề thuế suất và quy định pháp lý. “Trên thực tế, đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Ấn Độ khó hơn là tiếp cận thị trường Trung Quốc” - ông Bao Bean khẳng định.


NTTD
Cùng chuyên mục