'Đốt' hàng trăm tỷ đồng làm nông nghiệp hữu cơ

22/11/2020 07:11 GMT+7
Nông nghiệp hữu cơ cần sự đầu tư lớn từ trồng trọt, chế biến đến tiếp cận thị trường, do đó phải có sự tích lũy tốt hoặc nguồn thu khác để nuôi hệ thống này.

"Con đường của nông nghiệp hữu cơ không hề dễ dàng, bởi tạo ra sản phẩm đã vất vả, mà bán cho khách hàng có khi còn khó khăn hơn", ông Trần Phong Lan, Giám đốc Công ty CP phát triển nông nghiệp Hải Âu, khẳng định.

Đặt chân vào ngành nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013, đến nay, tính riêng khoản đầu tư cho trồng trọt, ông đã tiêu tốn gần 40 tỷ đồng.

Điều đáng nói, trong vòng 3 năm gần đây khi bắt đầu đưa sản phẩm của Danny Green ra thị trường, làm thương hiệu và xây dựng hệ thống phân phối, ông còn phải "đốt" thêm 30 tỷ đồng khác.

Làm nông nghiệp hữu cơ bao giờ có lãi?

Chia sẻ câu chuyện của Hải Âu, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cũng cho biết, từ năm 2015 đến nay đã đầu tư trên 400 tỷ đồng mua 800 ha đất rừng tràm và cải tạo để trồng lúa hữu cơ.

Còn với Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT cho hay, có những nông trường được xây dựng từ năm 2003 đến nay vẫn chưa hòa vốn.

Thời điểm năm 2017 khi bắt đầu đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường, ông gặp nhiều khó khăn để thuyết phục các hệ thống siêu thị, thậm chí chấp nhận điều kiện bỏ sản phẩm nếu không bán hết trong ngày. Kể cả khi hàng đã vào siêu thị, chi phí cho khách hàng dùng thử và truyền thông tại điểm bán lại còn tương đương, có khi cao hơn giá trị sản phẩm.

'Đốt' hàng trăm tỷ đồng làm nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Vinamit. Ảnh: Duy Anh.

Tuy vậy, ông cho rằng vòng quay vốn còn tùy thuộc thời điểm thị trường và mức đầu tư. Đơn cử, nông trại mới hoàn thiện năm 2019 của doanh nghiệp ở Đăk Nông nay đã có lãi, nhờ nhận thức của người tiêu dùng hiện nay đã tốt hơn, đặc biệt thương hiệu Vinamit đã có chỗ đứng nhất định.

"Kinh doanh thì ai cũng mong thu lợi nhuận, nhưng phải xác định làm hữu cơ là mang lại giá trị, không dễ dàng có lợi nhuận nhanh chóng", ông Trần Phong Lan nhấn mạnh. Do đó, ông cho rằng doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ không có sự tích lũy tốt hay nguồn thu khác thì rất khó duy trì.

Ông kể, bản thân lập nghiệp từ ngành hàng hải, đến nay vẫn kinh doanh đa ngành từ hàng hải, xăng dầu, du lịch đến nông nghiệp. Chính vì vậy, ông vẫn đang tiếp tục "đốt" tiền cho nông nghiệp hữu cơ và có thể tiếp tục "đốt" trong thời gian tới.

"Nhìn vào các tiền bối đi trước trong ngành, tôi tin rằng một ngày nào đó lĩnh vực này sẽ mang lại lợi nhuận rất tốt. Nhưng những người mới bắt đầu khởi nghiệp thì cần có nhận thức rõ ràng về cái khó của ngành này và cân nhắc kỹ", ông nói.

Thực tế, theo ông Phạm Thái Bình, nếu đầu tư đúng về kỹ thuật và khoa học công nghệ thì làm nông nghiệp hữu cơ không còn quá rủi ro như trước. Hiện nay, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều có lãi.

Ông cho biết, số vốn 400 tỷ đồng nói trên được đầu tư cho toàn bộ diện tích 800 ha đất, bao gồm cả hệ thống thủy lợi và các vùng trồng lúa tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap. Còn với nhu cầu thị trường hiện nay, ông chỉ trồng lúa hữu cơ tiêu chuẩn GIS trên 100 ha và hoàn toàn có lợi nhuận.

"Chắc chắn làm hữu cơ bây giờ là có lời ngay, nếu làm đúng cách", ông Phạm Thái Bình khẳng định.

Như dự án Happy Vegi của bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên, chỉ tập trung trồng rau hữu cơ tại các mảnh vườn nhỏ 5.000-7.000 m2, thì từ năm 2018 đến nay đã không còn "đốt" tiền nữa.

"Tôi cho rằng phải có thời gian tích lũy về kinh nghiệm, tiền bạc và định hướng rõ ràng về thị trường mới nên khởi nghiệp trong ngành. Bởi khi thiếu những điều này mà làm hữu cơ thì không khác gì thiêu thân. Thực tế có những người dừng lại kịp thì cũng đã mất toàn bộ tiền tích lũy và có khi còn nợ ngân hàng", bà Quỳnh Viên nhìn nhận.

2020 là thời điểm của nông nghiệp hữu cơ

Dẫu vậy, nhà sáng lập thương hiệu Vinamit vẫn tự tin năm 2020 là thời điểm thị trường nông sản hữu cơ bắt đầu khởi sắc.

"Phải cảm ơn Covid-19, bởi sau tháng 3, tất cả sản phẩm liên quan đến sức khỏe đều phát triển theo chiều thẳng đứng. Các công ty lớn có thể không kịp chuẩn bị đón đầu xu hướng này, nhưng những doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới khởi nghiệp thì rất dễ chuyển mình. 2020 là năm bùng nổ cho những dự án đã chuẩn bị từ khoảng 2-3 năm trước, một số còn đang thiếu hàng bán", ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.

Điều quan trọng, để tận dụng cơ hội này, theo ông doanh nghiệp phải chứng minh được chất lượng của nông sản hữu cơ. Khi người tiêu dùng đã được thuyết phục và thay đổi nhận thức, thì giá cả không còn là vấn đề.

Đó là lý do mà mới đây, Vinamit cùng Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao quyết định tổ chức chợ phiên “Organic Town - GIS Market”, nhằm tạo không gian để người tiêu dùng trực tiếp trải nghiệm và mua sắm thực phẩm hữu cơ.

Qua sự kiện mỗi cuối tuần này, ông Nguyễn Lâm Viên kỳ vọng có thể tạo động lực để các doanh nghiệp và nông dân hướng đến phương thức canh tác mới, phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại.

'Đốt' hàng trăm tỷ đồng làm nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 2.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Trung An giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ trong phiên chợ "Organic Town - GIS Market". Ảnh: Lan Anh.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình lại ấp ủ một dự án trồng lúa hữu cơ trên diện rộng. Ngay trong vụ đông xuân 2020-2021 này, Trung An đã cam kết sản lượng 8 tấn lúa hữu cơ/ha gieo trồng trên những cánh đồng liên kết với nông dân. Con số này tương đương năng suất thông thường.

Ngày 20/11, 3 hộ nông dân đầu tiên ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) đã xuống giống, với tổng diện tích 1.500 ha. Sắp tới, một số diện tích trồng lúa ở Kiên Giang và Cà Mau cũng tham gia vào dự án này.

"Chúng tôi cam kết với nông dân, hụt 8 tấn thì công ty bù, trên 8 tấn thì hai bên chia đôi. Sau 4 tháng nữa thu hoạch, nếu thành công thì giá gạo hữu cơ có thể giảm phân nửa", ông chia sẻ.

Theo Lan Anh/Zing
Cùng chuyên mục